Nghệ sĩ Ái Liên trong một vở diễn - Ảnh tư liệu
Đó là chương trình mang tên Chân dung Ái Liên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chương trình không chỉ sơ lược về tiểu sử, hoạt động nghệ thuật của bà mà khán giả gần xa còn nghe lại ghi âm cũ giọng hát của Ái Liên với những bài như Lý ngựa ô, Dạ cổ hoài lang, Xang xừ líu rất mộc mạc, giàu cảm xúc.
Ái Liên: Hoa khôi đất Bắc
Trên trang cá nhân của mình, ông Triệu Trung Kiên bày tỏ lòng kính trọng của mình với bà Ái Liên. Bà nguyên là trưởng đoàn Đoàn cải lương Bắc Trung Ương, tiền thân của Nhà hát cải lương Việt Nam hiện nay.
Có lẽ nhắc đến cải lương đất Bắc mà không nhắc đến nghệ sĩ Ái Liên thì quả là thiếu sót lớn.
Một số tài liệu ghi bà sinh năm 1918, nhưng cũng có tài liệu cho là năm 1920.
Nghệ sĩ Ái Liên được xem là thế hệ nghệ sĩ tiên phong ở nhiều lĩnh vực như tân nhạc, cải lương, điện ảnh…
Bà được gia đình cho ăn học đàng hoàng, từng sang Hồng Kông học và nói được nhiều thứ tiếng.
Ái Liên được ươm mầm tình yêu nghệ thuật từ người mẹ là đào cải lương Trần Thị Sinh và gia đình nhà ngoại. Bà chơi được rất nhiều nhạc cụ cả ta lẫn tây.
Mới mười mấy tuổi, bà đóng vai chính trong vở Kịch trường vạn tuế, được xem là một trong những vở ca kịch đầu tiên của Việt Nam.
Trong cuốn tự truyện Để gió cuốn đi, ca sĩ Ái Vân cho biết mẹ bà, nghệ sĩ Ái Liên, năm 16 tuổi đã tham gia cuộc thi người đẹp Bắc kỳ và đoạt giải cao nhất. Vì vậy nhiều người gọi Ái Liên là Hoa khôi đất Bắc, Hoa khôi Hà Nội, Hoa khôi Đông Dương…
Nghệ sĩ Ái Liên hát Bến Cũ của Anh Việt
Giọng hát Ái Liên trong như tiếng hạc bay qua
Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng xưng tụng nghệ sĩ Ái Liên là người có giọng hát "Trong như tiếng hạc bay qua".
Có thể nói, Ái Liên không chỉ đẹp mà còn quá nhiều tài. Bà từng cùng mẹ lập gánh hát ở miền Bắc. Có thời gian vào Nam hoạt động đoàn hát Đại Phước Cương của ông bầu Nguyễn Ngọc Cương (cha ruột NSND Kim Cương).
Đoàn hát này tập họp nhiều nghệ sĩ anh tài của miền Nam như Năm Châu, Bảy Nhiêu, Từ Anh, Năm Phỉ, Ba Vân, Kim Cúc… nên Ái Liên đã học hỏi được nhiều điều hay từ cải lương miền Nam.
Chưa hết, thời gian này bà cũng là một trong những nghệ sĩ tiên phong thâu âm các ca khúc, các điệu lý Nam bộ, bài bản cải lương…
Trong một lần trò chuyện về bản Dạ cổ hoài lang, nghệ sĩ Thành Lộc cho Tuổi Trẻ Online biết anh từng được nhạc sĩ Đức Trí cho nghe bản thâu Ái Liên hát Dạ cổ hoài lang rất hay và ấn tượng.
Bản thâu đó tạo chất xúc tác để anh chọn cách ca Dạ cổ hoài lang rất riêng trong vở kịch nổi tiếng ở sân khấu 5B, vở Dạ cổ hoài lang.
Sau một thời gian hoạt động ở miền Nam, Ái Liên trở về Bắc và nổi danh cùng các nghệ sĩ như Kim Xuân, Bích Hợp, Lan Phương, Kim Chung…
Ái Liên và chồng còn thành lập hãng phim. Sau 1954, bà trở thành nghệ sĩ tham gia tích cực cải lương cách mạng phía Bắc.
Ái Liên là cô đào tài sắc với nhiều nhân vật chính như Kim Thông (Dệt gấm), Võ Thị Sáu (Người con gái đất đỏ)…
Không chỉ diễn, bà còn đảm nhiệm vai trò quản lý, tham gia công tác hội và đào tạo truyền nghề cho nhiều thế hệ cải lương.
Nghệ sĩ Ái Liên cũng đóng góp cho làng nghệ thuật Việt Nam những đứa con tài năng như nghệ sĩ Ái Vân, Ái Xuân, Ái Thanh, Hà Quang Văn, Hà Quang Sơn…