Món "đu đủ đâm" xuất phát từ món gỏi đu đủ của người Khmer - Ảnh: T.LŨY
An Giang là địa điểm du lịch thu hút khách ở ĐBSCL. Vùng đất này giao thoa của nhiều vùng văn hóa nên ẩm thực khá phong phú. Một trong những món "ăn chơi" trứ danh ở đây có món "đu đủ đâm" của đồng bào Khmer vùng đất Tri Tôn.
"Đu đủ đâm" vốn được biến tấu từ món gỏi đu đủ của người Campuchia, tên gọi dân dã này được người dân biên giới ở huyện Tri Tôn (An Giang) đặt ra, nguyên liệu vẫn là món gỏi đu đủ, nhưng người dân ở đây đã học hỏi và chế biến để món ăn dân dã này biến thành đặc sản "vạn người mê". Vì sao món ăn này khiến nhiều người mê mẩn, tìm ăn mỗi khi đến vùng đất này, hãy cùng khám phá ngay sau đây!.
Địa điểm có nhiều quán ăn chế biến món "đu đủ đâm" là tại sóc Phnom Pi thuộc xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn), chỉ một đoạn đường chưa đến 500m có hơn 10 quán bán món ăn dân dã này. Vì vậy mà nơi đây được mệnh danh là con đường "đu đủ đâm" ở miền Tây.
Theo tiếng Khmer, "đu đủ đâm" có tên là bốk-la-hông, vốn là một món gỏi đu đủ của người Campuchia. Khi chế biến, người ta thường dùng cách đâm (hoặc là dầm, giã) trong cối, từ đó món ăn này có tên gọi "đu đủ đâm".
Các nguyên liệu chế biến món ăn được bỏ vào cối đâm - Ảnh: T. LŨY
Thành phần chính của món "đu đủ đâm" Tri Tôn là đu đủ bào sợi kết hợp với một số nguyên liệu, gia vị khác. Để món ăn ngon, trái đu đủ được chọn phải là loại sắp chín (người miền Tây còn gọi là đu đủ mỏ vịt). Trong đó, một loại gia vị không thể thiếu là mắm ruốc, đây chính là bí quyết giúp món đu đủ đâm Tri Tôn thêm đậm đà, thơm ngon hơn.
Theo bí quyết của một trong những quán đu đủ đâm đầu tiên và đông khách ở sóc Phnom Pi, để giữ độ giòn, đu đủ sau khi bào sợi phải được ngâm qua nước muối loãng và để ướp lạnh.
Đu đủ sau khi bào sợi, ngâm nước muối sẽ được ướp đá lạnh - Ảnh: T.LŨY
Cô chủ quán có làm nước mắm rất đặc biệt để trộn gỏi, thường có đậu que, ruốc, nước mắm. Khi có khách gọi món, chủ quán lần lượt cho các nguyên liệu gồm: đường, muối, bột ngọt, hành tím, tỏi, ớt và một miếng chanh vào cối rồi đâm cho đều. Sau đó, cho thêm ít cọng rau muống và các loại rau thơm, quế. Các nguyên liệu tiếp tục được đâm với lực nhẹ hơn để không bị nát.
Đu đủ đâm ở Phnom Pi dùng mắm ruốc, nghe có vẻ không "bắt" bằng trộn ba khía như ở một số nơi khác, nhưng tạo được hương vị riêng và khi ăn hương vị sẽ không lẫn vào đâu được. Đặc biệt khi ăn kèm sẽ thêm trứng vịt vữa (1 loại trứng có lòng trắng và lòng đỏ hòa vào nhau).
Đu đủ đâm ăn kèm với hột vịt vữa, chén muối ớt kề bên - Ảnh: T.LŨY
Khi ăn món "đu đủ đâm", một chút béo của trứng vịt hòa với nước sốt gỏi, đu đủ giòn sần sật, vị mặn vừa phải của mắm, vị chua của chanh, vị béo của đậu phộng rang hay vị cay cay từ những miếng ớt hòa quyện vào nhau. Ăn đến đâu, tê đầu lưỡi đến đó.
Chị Néang Srây Ny, một chủ quán đu đủ đâm ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn cho biết giá của món đu đủ đâm rất bình dân, dĩa nhỏ 10.000 đồng, lớn thì 20.000, bò khô một xâu 4.000 đồng… Đu đủ đâm ăn kèm với hột vịt vữa mới đậm đà hương vị.
Thường những quán đu đủ đâm ở An Giang đều bán thêm bò nướng, một trong những đặc sản An Giang nức tiếng. Đu đủ đâm và bò nướng là cặp đôi hoàn hảo vì một cái thơm béo, một cái giòn, chua dịu, rất hợp để đưa đẩy, giúp bữa ăn vặt khi đi chơi thêm thú vị hơn.
Khách thường ăn kèm với món đu đủ đâm là món bò nướng cũng ngon không kém - Ảnh: T.LŨY
Dù xuất phát từ món ăn dân dã, nhờ nguyên liệu dễ kiếm và cách thức chế biến độc đáo… món ăn dân dã này giờ nằm trong danh sách những món ngon nhất định du khách phải thử khi ghé thăm vùng đất biên giới Tri Tôn, An Giang.
TTO - Chiều 31-7, hàng trăm người dân, du khách có mặt tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) theo dõi hội thi trình diễn ẩm thực 100 món ăn chế biến từ tôm hùm do 75 đầu bếp đến từ 25 tỉnh thành trổ tài.