Từ trái qua: nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, tiến sĩ Nguyễn Tường Bách chia sẻ với độc giả - Ảnh: HỒ LAM
Sáng 27-12, tại Đường sách TP.HCM diễn ra buổi giao lưu và ra mắt sách Cân bằng trong khủng hoảng với tác giả Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Qua gần 300 trang, nhiều chuyện đời về sức khoẻ, môi trường, tôn giáo, giáo dục, truyền thông, bạo lực, trắc ẩn, giàu - nghèo được các tác giả đặt lên bàn thảo luận.
Với họ, đây là những vẫn đề gốc rễ, thúc đẩy sinh ra một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong cuộc sống hôm nay...
Đối thoại trước đời sống chuyển biến khốc liệt
Cuối năm 2023, tại một quán cà phê ở quận 7, Sài Gòn, trong một cuộc trò chuyện bâng quơ về thời cuộc, Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Vĩnh Nguyên có ý định làm một cuốn sách đối thoại với 'tất cả sự viển vông trời cho nơi những con người có chút mầm văn chương'.
Trả lời câu hỏi vì sao lựa chọn cách đối thoại với một người khác để viết sách, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên cho rằng trong thế giới truyền thông hiện nay, chúng ta nói rất nhiều nhưng thiếu những cuộc đối thoại:
"Ta dùng ngôn ngữ nhiều nhưng thiếu nội dung. Nhìn lại quá khứ, nhân loại cũng bắt đầu với thơ ca, văn chương, âm nhạc, triết học... bằng những cuộc đối thoại.
Người ta 'nói chuyện' với những ngôi đền, gốc cây... và từ đó có những điểm chạm trong tư tưởng, nghệ thuật.
Chúng tôi bắt đầu nói về giáo dục vì nghĩ lĩnh vực này là điều cốt lõi để tạo ra diện mạo của xã hội, sau đó là những câu chuyện phức tạp hơn".
Sách Cân bằng trong khủng hoảng là những dòng hỏi - đáp của hai người bạn khác biệt về độ tuổi, tôn giáo, khoảng cách địa lý với nhiều suy tư cá nhân, gợi mở trước một đời sống đang chuyển biến khốc liệt.
Tuy có nhiều phần khác biệt nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, điều khiến ông cùng Nguyễn Vĩnh Nguyên đối thoại được với nhau là do họ đều là những người Việt Nam, trăn trở về biến động xã hội:
"Những câu chuyện như: chuyến bay giải cứu, vụ lừa đảo, tham nhũng mấy tỉ USD... khiến chúng tôi đặt câu hỏi: vì sao lại như thế?".
Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách trăn trở về những vấn đề nóng trong xã hội - Ảnh: HỒ LAM
Mạng xã hội có khi là chỗ 'biểu diễn' lòng tự thiện
Tác phẩm đề cập đến những vấn đề nóng như: tham nhũng, nỗi hoang mang về giáo dục, giàu và nghèo trong xã hội Việt Nam, bạo lực gia tăng, sự thiếu vắng lòng trắc ẩn hay cả các phương cách "chữa lành"... với nhiều góc nhìn để độc giả tự chiêm nghiệm.
Sách Cân bằng trong khủng hoảng - Ảnh: HỒ LAM
Và cũng có thể là nơi để họ "tự vấn" lại chính bản thân mình.
Như trong phần Khủng hoảng trắc ẩn hay là chuyện thiếu vắng lòng từ bi?, các tác giả bàn về chuyện thể hiện lòng xót thương, trắc ẩn trên màn hình.
Nguyễn Vĩnh Nguyên nói các biểu tượng (icon) thay cho thông điệp yêu thương, trắc ẩn trên mạng rất nhiều dễ khiến ta lầm tưởng về sự gắn kết con người:
"Và tôi nghĩ có điều gì đó quan trọng hơn cả chuyện chúng ta đã chuyển khoản bao nhiêu để khỏa lấp một sự thiếu thốn nơi người cần giúp".
Còn theo ộng Nguyễn Tường Bách, mạng xã hội cũng là chỗ để "biểu diễn" lòng từ thiện của một số người" như gần đây nhất là khi miền Bắc bị lũ lụt:
"Trong đợt thiên tai này, tôi rất quý trọng những vị đóng góp nhưng vẫn giữ tính ẩn danh.
Biểu hiện ra bên ngoài của lòng trắc ẩn thì thực ra chỉ có lời nói thương yêu an ủi. Trên mạng đơn giản là một cái thả tim.
Cụ thể hơn nữa là một động tác tài chính, người ta chuyển khoản một số tiền để hỗ trợ một hoàn cảnh ngặt nghèo nhất định. Còn bên trong mỗi người thì lòng trắc ẩn sâu rộng đến đâu, chỉ có người đó biết...".
Cân bằng trong khủng hoảng do Phanbook và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành trong tháng 12. Hai tác giả, người nơi trời Tây, người ở đất Đông đã có hàng trăm email được trao đổi liên hoàn trong quá trình thực hiện bản thảo tác phẩm.
Trong lời tựa, các tác giả chia sẻ rằng họ vẫn quyết viết liều cho xong một cuốn sách, sau đó mới xem hình hài ra sao. Và rất nhiều khi tự hỏi, có ai chịu đọc những dòng này?