Nghệ sĩ Hồng Ánh (vai Thúy Kiều) và Đại Nghĩa (vai Từ Hải) - Ảnh: LINH ĐOAN
Dưới bóng giai nhân là vở kịch được tác giả và đạo diễn Quang Thảo cảm tác theo Truyện Kiều nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du.
Một Truyện Kiều rất mới qua Dưới bóng giai nhân
Dưới bóng giai nhân là vở kịch người lớn được đầu tư mạnh nhất trong năm 2024 của Nhà hát kịch Idecaf.
Trước đó, đạo diễn Quang Thảo chia sẻ trong vở diễn có nhiều nhân vật, câu chuyện anh đã viết mới, hư cấu theo suy nghĩ của mình.
Bởi vậy, xem Dưới bóng giai nhân khán giả sẽ thấy một Truyện Kiều vừa quen, vừa lạ.
Cũng là các nhân vật đã đi vào tâm khảm của bao người yêu Truyện Kiều như Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Bạc Bà, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến... nhưng điểm nhấn của mỗi người mỗi khác và không đi theo trình tự như cách kể lâu nay.
Cuộc gặp gỡ với Kim Trọng, biến cố Kiều bán mình chuộc cha rồi vào thanh lâu, gặp Mã Giám Sinh lướt qua rất nhanh để khán giả đến với các nhân vật mà Dưới bóng giai nhân muốn hướng tới trong 15 năm đoạn trường của Thúy Kiều.
Hồng Ánh (trái, vai Thúy Kiều) và Diệu Đức (vai Ni sư Giác Duyên) - Ảnh: LINH ĐOAN
Trong đó, thân phận đàn bà được nhấn mạnh đầy thấu cảm như một câu thoại được thốt lên đau đớn trong vở: "Con thuyền mang tên đàn bà trôi bất tận giữa dòng sông đầy nước mắt".
Và bốn người đàn bà đã được đạo diễn dày công khai thác đó là Thúy Kiều, Đạm Tiên, Hoạn Thư và Tú bà Lã Thu.
4 người đàn bà là điểm nhấn trong vở, từ trái qua: nàng Đạm Tiên (Mỹ Duyên), Hoạn Thư (Thanh Thủy), Thúy Kiều (Hồng Ánh) và Tú bà Lã Thu (Hoàng Trinh) - Ảnh: LINH ĐOAN
Thúy Kiều (Hồng Ánh đóng) biết đến Đạm Tiên (Mỹ Duyên) từ nấm mộ vô chủ lạnh lẽo, để từ đó nàng cứ ẩn hiện trong mỗi quãng đời oan nghiệt của Kiều. Thế nhưng họ không tách bạch, Đạm Tiên chính là nội tâm giằng xé của Kiều.
Hoạn Thư (Thanh Thủy) không chỉ nổi tiếng với những cơn ghen mà rất khác, đầy nỗi niềm và cũng rất nhân văn.
Tú bà Lã Thu xuất hiện một lớp thôi nhưng đã được Hoàng Trinh "ghi điểm" để người ta nhìn về tú bà, những cô gái lầu xanh ở góc nhìn cảm thông. Cái thế giới buôn phấn, bán hương cũng khắc khoải lắm niềm đau.
Dưới bóng giai nhân không kể chuyện nhiều mà dành thời gian cho các nhân vật đối thoại. Từng lời thoại cũng là quan điểm của tác giả, là cách cảm, cách nghĩ của người hôm nay về những nhân vật từ hàng trăm năm trước.
Hoạn Thư và Thúy Kiều đau đớn cho phận đàn bà - Ảnh: LINH ĐOAN
Di sản không chỉ để ngắm nhìn
Quang Thảo tâm sự với anh Truyện Kiều là di sản quý giá mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế. Với anh di sản không nên chỉ để ngắm nhìn mà cần được khai thác theo những cách khác nhau.
5, 6 năm trời Thảo đã trăn trở để thổi vào những nhân vật cũ đời sống mới, cách nghĩ mới.
"Dám" làm khác những nhân vật đã đi vào tim óc bao người nghĩa là Thảo chấp nhận những luồng ý kiến trái chiều về "đứa con" của mình.
Cái mà Thảo làm được là hình thức vở diễn sáng đẹp, trang phục được đầu tư, cảnh trí, lời thoại dù đôi lúc tranh luận gay gắt vẫn đem đến được chất thơ, tinh thần lãng mạn trong vở diễn.
Nàng Kiều đã lấy đi nhiều sức lực của Hồng Ánh khi chị trụ gần như suốt vở. Tài năng trên sân khấu của Hồng Ánh đã được chứng minh qua nhiều vở diễn. Tuy nhiên với nàng Kiều khán giả vẫn kỳ vọng ở Hồng Ánh sự đột phá.
Tiếc là cách xây dựng nhân vật nàng Kiều vẫn chỉ ở mức người đàn bà đẹp bình thường, còn gọi là "giai nhân" thì vẫn thấy thiếu.
Chưa có được lớp diễn để nàng Kiều thể hiện sự tài hoa, vẻ đẹp chết người khiến đàn ông chao đảo, từ đó Hồ Tôn Hiến mới nảy sinh ý định dùng nàng làm "con cờ" thu phục Từ Hải.
Cảnh Từ Hải chết đứng chưa ấn tượng để đẩy cảm xúc của khán giả - Ảnh: LINH ĐOAN
Hoạn Thư là vai nhiều đất diễn không thua nàng Kiều trong vở và có những suy nghĩ, hành động thay đổi rất lớn so với bản gốc.
Vì là "biểu tượng" của cơn ghen nên dù thay đổi như thế nào ít ra ở đoạn đầu người xem vẫn muốn cảm nhận được cái ghen rất sâu, lạnh người mang "thương hiệu" Hoạn Thư.
Đại Nghĩa từ lúc trở lại Idecaf đã có nhiều vai diễn hay và đang là một trong những trụ cột ở sân khấu này. Tuy nhiên, với Từ Hải ở một số phân đoạn người ta cảm giác anh diễn còn "gồng".
Từ Hải của Đại Nghĩa vẫn còn thiếu một chút độ tình với nàng Kiều nên vẫn chưa khiến khán giả say đắm với mối tình một kẻ "Đầu đội trời, chân đạp đất" và nàng Kiều xinh đẹp bị cuộc đời vùi dập.
Đình Toàn được khen ngợi với vai Hồ Tôn Hiến - Ảnh: LINH ĐOAN
Trong Dưới bóng giai nhân, Hồ Tôn Hiến của Đình Toàn được đánh giá là một trong những vai diễn hay nhất của vở.
Với khả năng của mình, Đình Toàn thuyết phục khán giả với lối diễn điềm đạm, mưu lược, sâu cay, biết nhìn thấu nhân tâm và rất biết thuyết khách để từng bước thành công trong việc dùng nàng Kiều để tiêu diệt Từ Hải.
Hồ Tôn Hiến của Đình Toàn là dạng pha trộn vai diễn lão-độc-mùi. Hắn không chỉ ác một chiều mà thể hiện cái tầm của người mưu trí, biết nhìn, biết trân trọng ngay cả kẻ thù của mình là Từ Hải.