Chuyên mục  


chu-nhan-chuoi-pho-suong-o-ha-noi-17330565997282106420958.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Thị Mười kể về lịch sử quán phở Sướng của gia đình - Ảnh: BTC

Bà Mười chia sẻ câu chuyện thú vị về truyền thống phở của gia đình bà tại tọa đàm Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phở Hà Nội diễn ra ngày 1-12 tại công viên Thống Nhất, trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội.

Từ gánh phở rong đến quán phở Sướng nức tiếng Hà thành

Kể về gốc tích nghề bán phở gia truyền của gia đình, nghệ nhân Nguyễn Thị Mười cho biết gia đình bà bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1930 tại Hà Nội.

Bố bà là Nguyễn Văn Tỵ đã bắt đầu nghề bán phở của gia đình bằng những gánh bán rong khắp Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân…

Sáng sớm ông Tỵ gánh phở đi bán cho mọi người ăn quà sáng là chính, ông mang phở đến tận nơi cho khách hàng, tới chiều tối mới đi thu bát, thu tiền.

pho-suong-o-co-so-24b-ngo-trung-yen-ha-noi-1733056998293582577963.jpg

Phở Sướng ở 24B ngõ Trung Yên, Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU

Thời ấy, Hà Nội còn rất nhỏ, ông Tỵ chỉ bán phở quanh quẩn mấy phố Hàng. Người hàng phố đều biết nhau, khách ăn phở cũng thường chỉ có khách quen.

Bà Mười kể, khi đi bán phở, bố bà hay mặc bộ quần áo tầu màu xanh cho nên người dân trong phố hay gọi là "cụ phở tầu áo xanh". Ông Tỵ miệt mài bán phở suốt từ đó đến năm 1956 thì dừng bán vì giai đoạn này không còn kinh tế tư nhân.

Đến năm 1985, mẹ bà tập hợp con cái để làm tiếp nghề gia truyền của bố bà để lại. Từ đó, anh chị em bà Mười kết hợp bán quán phở của gia đình trong suốt 40 năm.

Gần đây anh chị em bà mới tách ra làm riêng, với ba cơ sở ở ngõ Trung Yên trong khu phố cổ, trên phố Nguyên Hồng, và phố Mai Hắc Đế, Hà Nội.

Về cái tên phở Sướng khá lạ tai mà quen thuộc với người dân Hà Nội và du khách nhiều năm qua, bà Mười cho biết tên quán phở không phải được đặt theo tên của chủ quán như truyền thống của một số quán phở ở Hà Nội.

Nhà bà không có ai tên Sướng. Cái tên quán phở Sướng được anh chị em bà Mười đồng thuận đặt với ý nghĩa cái tên khẳng định chất lượng phở: Phở Sướng ăn vào là phải thấy ngon, thấy sướng.

Về việc nghề nấu phở của Hà Nội được vinh danh di sản phi vật thể quốc gia, bà Mười nói bà rất vui, tự hào, "không nghĩ cái nghề nuôi sống gia đình mình bao năm qua một ngày lại được Nhà nước quan tâm và vinh danh như vậy".

base64-17330579648001958440157.jpeg

Nhà quản lý, chuyên gia, nghệ nhân nấu phở cũng trò chuyện về phở - Ảnh: BTC

Tại tọa đàm, anh Nguyễn Thế Hiếu - chủ hàng phở Chí (chuyên phở gà) trên phố Yết Kiêu - cũng chia sẻ câu chuyện nghề phở gà gia truyền của gia đình từ thời ông nội anh, tới nay các con anh cũng bán phở, là đời thứ tư.

Chị Nguyễn Thị Vân - chủ chuỗi hàng phở Long Bích - kể câu chuyện cảm động về sự ra đời của chuỗi quán phở Long Bích, ra đời từ niềm vui sướng thuở nhỏ được bố thưởng cho ăn phở mỗi lần đạt điểm cao của chị.

nghe-nhan-uu-tu-pham-anh-tuyet-chia-se-nhung-chuyen-thu-vi-ve-mon-pho-17330565997381416439985.jpg

Nghệ nhân ưu tú Phạm Ánh Tuyết chia sẻ những chuyện thú vị về món phở - Ảnh: BTC

Nếu giới thiệu với khách quốc tế thì món phở là lựa chọn đầu tiên

Về sức hấp dẫn của món phở, nghệ nhân ưu tú Phạm Ánh Tuyết cho biết khi bà nấu món ăn Việt tiếp các chính khách quốc tế thì món phở luôn được họ khen nức nở, nhiều người nói chưa bao giờ ăn món "xúp" ngon như vậy.

"Người ta òa lên vì sự kết hợp hoàn hảo giữa các nguyên liệu, gia vị trong món phở. Ở nước ngoài người ta không thiếu thịt bò mà người ta không biết kết hợp các nguyên liệu, gia vị để trở thành món phở như Việt Nam. Gia vị của món phở chính là đỉnh cao của kết hợp gia vị Việt", bà Ánh Tuyết nói.

nghe-nhan-bui-thi-suong-phai-noi-thich-huong-vi-pho-ha-noi-du-la-nguoi-nam-1733056599746116747454.jpg

Nghệ nhân Bùi Thị Sương (phải) nói nếu giới thiệu ẩm thực Việt cho người nước ngoài thì phở là món bà chọn trước tiên - Ảnh: BTC

Nghệ nhân Bùi Thị Sương thì khẳng định nếu đi giới thiệu ẩm thực Việt Nam ở các nước thì món phở là món đầu tiên bà chọn mang đi.

Ngày nay món phở ngày càng phổ biến trên thế giới. Trước đây các nhà hàng trên thế giới sử dụng tiếng Anh để gọi món phở của ta thì nay họ đã thay bằng tên phở tiếng Việt trong thực đơn.

Nhiều lần đi giới thiệu món phở với khách quốc tế, bà Sương nhận thấy người nước ngoài không chỉ yêu thích hương vị món phở mà còn rất vui thích khi được nghe những câu chuyện về phở ở Việt Nam.

TS Lê Thị Minh Lý cho biết việc ghi danh phở mang lại nhiều ý nghĩa. Đầu tiên là để tri ân tiền nhân, và để khoe với thế giới đặc sắc ẩm thực của chúng ta và hội nhập quốc tế.

Nó cũng giúp phát triển kinh tế của đất nước, khi mà nghề bán phở được nhiều người Việt mang đi khắp thế giới. Quận 13, Paris, Pháp có rất nhiều quán phở.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020