Chuyên mục  


base64-1737887724068993945476.jpeg

Khách du lịch nước ngoài cũng đến hội chữ xin chữ thư pháp quốc ngữ - Ảnh: T.ĐIỂU

Chưa vào "chính hội" mấy ngày Tết, nhưng "Hội chữ xuân Ất Tỵ tại Hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội đã bắt đầu tấp nập người đến xin chữ, du xuân.

Hội chữ xuân mấy năm qua được Văn Miếu Quốc Tử Giám tổ chức tại khu vực Hồ Văn. Năm nay Hồ Văn được hoàn thiện cải tạo, mở ra một không gian thoáng đãng, sạch đẹp khác hẳn trước đây.

Hội chữ cũng có những không gian dành cho triển lãm thư pháp, triển lãm tranh vẽ minh họa về hình ảnh con rắn hấp dẫn, thu hút các bạn trẻ đến dạo chơi, chụp hình. Khách du lịch quốc tế cũng không bỏ qua cơ hội khám phá nét văn hóa xin chữ đầu năm độc đáo của người Việt.

base64-17378877240991564043923.jpeg

Nhà thư pháp quốc ngữ Kiều Quốc Khánh giới thiệu một bức thư pháp với người xin chữ - Ảnh: T.ĐIỂU

'Ông đồ' thư pháp chữ quốc ngữ chiếm một nửa hội xuân

Điểu đặc biệt ở hội chữ xuân năm nay là có nhiều hơn các gian hàng viết thư pháp chữ quốc ngữ.

Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Xuân Kiêu - giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám - cho biết năm nay số lượng các nhà thư pháp chữ quốc ngữ đã chiếm khoảng 1/2 trong số 47 "ông đồ" được viết thư pháp ở hội chữ xuân. Tỉ lệ của vài năm trước chỉ 1/5.

Ông Kiêu cho biết điều này có lẽ phản ánh nhu cầu của người dân xin thư pháp chữ quốc ngữ nhiều hơn, ngày càng nhiều người thực hành viết thư pháp chữ quốc ngữ trong khi người viết thư pháp Hán Nôm không có thêm nhân tố mới.

Hằng năm để được vào Hội chữ xuân tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, các nhà thư pháp phải tham dự kỳ thi sát hạch hai vòng là vòng sơ loại và vòng thi chính thức, gồm nhiều bài thi từ lý thuyết tới thực hành, phỏng vấn.

base64-1737887724140190070012.jpeg

Dù có nhiều người viết thư pháp quốc ngữ thì thư pháp chữ Hán Nôm vẫn được nhiều người chuộm xin mỗi dịp năm mới tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh: T.ĐIỂU

Năm nay có tổng số 47 người "trúng tuyển", trong đó có một số được "tuyển thẳng". Ban tổ chức không lấy tỉ lệ cố định bao nhiêu "ông đồ" thư pháp Hán Nôm bao nhiêu người viết thư pháp quốc ngữ, mà ai đạt điểm số thì đỗ.

Những năm gần đây số lượng thí sinh ứng thí là người viết thư pháp quốc ngữ nhiều hơn, xuất hiện thêm nhiều người trẻ tài năng.

"Hẳn là xã hội có nhiều nhu cầu hơn về thư pháp chữ quốc ngữ thì mới sản sinh ngày càng nhiều những người viết thư pháp quốc ngữ. Các bạn trẻ thường thích thư pháp quốc ngữ vì nhìn vào chữ đó họ hiểu được nghĩa luôn", ông Kiêu nói.

base64-1737887724183282363812.jpeg

Một 'ông đồ' chữ Hán Nôm tại hội chữ xuân Văn Miếu - Ảnh: T.ĐIỂU

Thư pháp chữ quốc ngữ ngày càng được ưa chuộng

Nhà thư pháp quốc ngữ Trần Võ Hiệp cũng tán đồng rằng xã hội hiện nay chuộng thư pháp quốc ngữ hơn, nhất là giới trẻ. Tuy thế những người đến Văn Miếu xin chữ đầu năm thì lượng người xin chữ Hán Nôm cũng rất đông.

Thường đi viết thư pháp ở trường học, công ty tổ chức tất niên hay khai xuân, anh Hiệp nhận thấy đa phần mọi người xin chữ quốc ngữ.

base64-1737887724224275974740.jpeg

Anh Trần Võ Hiệp với một bức thư pháp chữ quốc ngữ do anh viết - Ảnh: T.ĐIỂU

Anh cho hay dịp Ngày Hiến chương các nhà giáo, nguyên một tuần anh kín lịch viết thư pháp quốc ngữ cho các em học sinh tặng thầy cô. Những chữ như “Ơn thầy”, “Ơn cô”... rất được ưa chuộng, trong khi ít người xin chữ Hán Nôm dịp này.

Ngoài việc đi viết thư pháp, anh Hiệp còn nhận dạy viết thư pháp quốc ngữ. Mỗi năm anh đào tạo khoảng 50 người thì cũng có vài người sau đó sẽ hành nghề viết thư pháp. Anh cho biết có những trung tâm mỗi năm dạy cả ngàn người viết thư pháp quốc ngữ.

Cho nên dễ hiểu là thư pháp chữ quốc ngữ phổ biến hơn gần đây.

base64-17378877242711852963378.jpeg

Triển lãm thư pháp Thực học gồm nhiều thư pháp chữ quốc ngữ bên cạnh thư pháp Hán Nôm - Ảnh: T.ĐIỂU

base64-1737887724317721190381.jpeg

Một bức thư pháp chữ quốc ngữ trong triển lãm thư pháp Thực học - Ảnh: T.ĐIỂU

Hội chữ Xuân Ất Tỵ năm 2025 ngoài các gian hàng cho chữ đầu năm còn có gian hàng sách, trưng bày, bán các sản phẩm làng nghề cùng nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống (quan họ, ca trù, chèo...) tại khu Nội tự, vườn Giám và hồ Văn.

Hội chữ còn có triển lãm thư pháp chủ đề "Thực học" trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và quốc ngữ viết những áng văn thơ về Thăng Long - Hà Nội và tinh hoa tri thức cổ nhân nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, trọng thầy, trọng chữ của dân tộc Việt Nam.

base64-17378877384471426074107.jpeg

Các bạn trẻ đến chụp hình với Hội chữ và xem triển lãm tranh minh họa vẽ con rắn - Ảnh: T.ĐIỂU

Triển lãm ảnh "Việt Nam quê hương tôi" giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ "Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam - Việt Nam Heritage Photo Awards 2012-1018".

Triển lãm "Vẽ con rắn" mang đến góc nhìn đa dạng về rắn, với 77 tác phẩm tranh minh họa của 75 họa sĩ Việt Nam đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020