Trong không khí đón Xuân Ất Tỵ, ngày 27/1, tại khu vực Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long diễn ra sự kiện "Không gian Văn hóa Tết các dân tộc tỉnh Quảng Ninh".
Đây là chương trình ý nghĩa, đặc sắc thu hút đông đảo người dân, du khách, diễn ra đến hết ngày 3/2.
Không gian văn hóa Tết các dân tộc tỉnh Quảng Ninh với chủ đề "Nét quê - Hồn Việt trong văn hóa Tết các dân tộc tỉnh Quảng Ninh" tạo không gian vui chơi, trải nghiệm không khí Tết cổ truyền của dân tộc cho người dân và du khách. Tại đây, người dân và du khách được hòa mình vào khung cảnh tươi vui, hối hả, rực rỡ sắc màu với các nội dung hoạt động phong phú như không gian chợ quê là nơi giới thiệu, bày bán sản phẩm truyền thống trong ngày Tết tiêu biểu được thu hoạch từ lao động, sản xuất của người dân Quảng Ninh; không gian Tết gia đình giới thiệu, tái hiện nét đặc trưng không gian Tết xưa của các gia đình cư dân vùng biển, nông thôn, miền núi và đô thị Quảng Ninh; không gian biểu diễn dân ca, dân vũ hát chèo, chầu văn, hát xẩm của người Kinh, các làn điệu then của người Tày, hát giao duyên của người Dao, các điệu múa dân gian của các dân tộc; không gian các trò chơi dân gian có ném còn, đập niêu đất, chọi gà, đi cà kheo và không gian trải nghiệm gói bánh chưng, giã bánh dày, ký họa chân dung, ông Đồ cho chữ cầu may mắn đầu năm…
Khu vực trải nghiệm trò chơi dân gian đi cà kheo. (Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN)
Trải nghiệm khu vực trò chơi dân gian chọi gà. (Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Không gian Văn hóa Tết các dân tộc tỉnh Quảng Ninh" nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng, tự hào trong mọi tầng lớp nhân dân về những thành tích, thành tựu nổi bật của tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng năm 2024; tạo khí thế và động lực mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 31-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2025 với chủ đề công tác năm là "Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới". Đồng thời, thông qua chương trình nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tôn vinh và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và tăng cường khối đại đoàn kết, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, giá trị văn hóa truyền thống; hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước.
Đại biểu và khách tham quan trải nghiệm khu vực may trang phục dân tộc. (Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN)
Chị Giáp Thị Hai (dân tộc Dao, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: Trước Tết, người Dao thường may cho bản thân, gia đình những bộ trang phục đẹp nhất để mặc vào dịp Tết đi du xuân. Đồng thời cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị những chữ của người Dao để dán trước cửa, ban thờ, trang trí nhà cửa để xua đuổi những điều không may của năm cũ, đón điều tốt đẹp, may mắn của năm mới. Cuối năm mọi người tập trung mổ lợn, gà để cúng thần linh, tổ tiên và liên hoan. Đây là dịp để anh em họ hàng tập trung nhau lại góp cỗ làm Tết, nhà ai có gì góp nấy, nhưng quan trọng nhất là nhà trưởng họ. Trong dịp lễ Tết, có 3 món ăn không thể thiếu trong mâm cơm là thịt lợn, gà và bánh dày.
Có mặt tại không gian Văn hóa Tết các dân tộc tỉnh Quảng Ninh để cùng trải nghiệm, anh Trương Đình Hòe, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh vui mừng cho biết: Đây là lần đầu tiên anh đến Quảng Ninh để ăn Tết Nguyên đán, lại đúng dịp diễn ra chương trình ý nghĩa này. Qua đó anh hiểu được nét văn hóa về mảnh đất, con người tỉnh Quảng Ninh, những nét văn hóa Tết xưa của các dân tộc...
Người dân tộc Dao Thanh Y tái hiện công đoạn may trang phục mặc vào dịp Tết. (Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN)
Việc tái hiện lại không gian Tết xưa giúp khách tham quan có cơ hội trải nghiệm, hoài niệm về những ngày Tết đậm đà bản sắc của dân tộc. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha trong cuộc sống đương đại, để mỗi người thêm yêu quê hương, đất nước, trân quý những giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Đồng thời tạo không gian văn hóa vui Xuân, đón Tết cổ truyền; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.