Nhà văn Sơn Nam (1926 - 2008) tên thật là Phạm Minh Tài, ông sinh ở Kiên Giang. Gia đình nhà văn Nam Bộ này vốn từ vùng đất Cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Tác phẩm đầu tay của Sơn Nam là tập thơ Lúa reo, xuất bản năm 1948. Về sau ông viết văn xuôi, cảm thấy “thuận tay” hơn và theo đường ấy.
Tham dự cùng đoàn NXB còn có nhà thơ Lê Minh Quốc (thứ hai từ trái qua) và các độc giả yêu mến nhà văn Sơn Nam |
Nhà báo Trung Nghĩa (trái) và họa sĩ Lê Sa Long tại lễ trao bức tranh nhà văn Sơn Nam ở nhà lưu niệm mang tên ông Ảnh: NVCC |
Tên tuổi của nhà văn được biết đến rộng rãi trên văn đàn sau tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau (xuất bản năm 1962). Có thể khẳng định cho đến nay, đây vẫn là tập truyện ngắn được xếp vị trí cao trong số những tác phẩm đặc sắc của Nam bộ. Ngoài truyện ngắn, truyện dài…, Sơn Nam còn thành công ở những công trình biên khảo như: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh miệt Vườn, Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa… Các công trình biên khảo của ông được hoàn thiện với giọng văn không “lên gân” mà nhẹ nhàng như lời thủ thỉ của người hướng dẫn viên khi giới thiệu về miền đất quê hương miền Tây Nam bộ hào sảng ở Nhà lưu niệm Sơn Nam.
Chuyến đi của họa sĩ Lê Sa Long về thăm và trao bức tranh quý cho gia đình ở Nhà lưu niệm Sơn Nam tại TP.Mỹ Tho, Tiền Giang do NXB Trẻ tổ chức vừa diễn ra ngày 22.1. Cùng tham dự cùng đoàn về thăm nhà văn Sơn Nam còn có nhà thơ Lê Minh Quốc và các độc giả yêu mến ông.
Theo ông Trung Nghĩa – đại diện NXB Trẻ cho biết: “Nhân dịp Bà chúa Hòn - một tác phẩm truyện dài nổi tiếng của nhà văn Sơn Nam, cũng là tựa sách thứ 20 của ông được tái bản với sự trình bày mới mẻ nhất, NXB Trẻ đã có chuyến thăm Nhà lưu niệm Sơn Nam tại TP.Mỹ Tho, Tiền Giang để gửi tặng cho gia đình nhà văn Sơn Nam bộ sách đồ sộ Sơn Nam, gồm 20 tựa tái bản”.
Được biết, họa sĩ Lê Sa Long sau một thời gian tập trung công sức vẽ chân dung nhà văn Sơn Nam với lòng thành kính sâu sắc, ông cũng hoàn thiện bức tranh chân dung Nhà văn Sơn Nam – người giữ lửa gửi tặng gia đình nhà văn để trưng bày tại nhà lưu niệm.
Họa sĩ Lê Sa Long tâm sự: “Tôi vẽ bức tranh chân dung Sơn Nam trong sự ngưỡng mộ một nhà văn tài hoa đã để lại cho đời rất nhiều tác phẩm hay. Bức tranh được hoàn thành cuối năm 2020 và nay đã được đến chỗ cần đến, góp thêm một vật phẩm phong phú cho Nhà lưu niệm Sơn Nam tại Tiền Giang”.
Chân dung nhà văn Sơn Nam của họa sĩ Lê Sa Long Ảnh: Trung Nghĩa |
Bức tranh chân dung được đặt trang trọng tại trang thờ Nhà lưu niệm Sơn Nam Ảnh: Trung Nghĩa |
Tại lễ tặng sách cho gia đình nhà văn Sơn Nam, ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch HĐTV kiêm Quyền Giám đốc NXB Trẻ khẳng định thêm những giá trị mà Sơn Nam cống hiến không chỉ trong văn chương mà là di sản văn hóa đồ sộ và quý giá nói chung. Chính vì vậy mà NXB Trẻ đã mua toàn bộ tác quyền sách của nhà văn Sơn Nam, hệ thống lại và độc quyền xuất bản trên toàn thế giới từ tháng 4.2003.
Nhân dịp này, bộ sách đồ sộ của nhà văn Sơn Nam với 20 tựa sách gồm những tác phẩm vốn đã được in trước đây, nhưng trong kỳ ấn hành gần nhất này, về nội dung có sửa chữa, bổ sung và chia lại theo các thể loại: tập truyện ngắn/truyện dài/ghi chép/biên khảo/bút ký..., được NXB Trẻ phát hành ấn bản bìa mới với tổng số lượng bản in 30.000 bản.