Nhiều năm qua, Nguyễn Nhật Ánh đã duy trì nhịp xuất bản mỗi năm một quyển sách mới. Độc giả cũng theo nhịp ấy mà chờ đợi để chào đón tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh.
Riêng năm nay, gần hết năm rồi mà chưa thấy Trẻ - nhà xuất bản "ruột" của Nguyễn Nhật Ánh - phát hành tác phẩm mới của nhà văn. Cứ ngỡ đã lỡ nhịp. Cho đến hôm 6/12 vừa qua, truyện dài Tiệm sách của nàng đã chính thức phát hành, với lần in đầu tiên là 80.000 bản sách (gồm 60.000 bản bìa mềm và 20.000 bản bìa cứng). Đây là số lượng bản in thuộc hàng kỷ lục mà không nhiều các tác giả đương thời của quốc tế chạm đến được, trong khi Nguyễn Nhật Ánh bán chủ yếu trong cộng đồng tiếng Việt.
4 câu chuyện và 3 cái truyện
Tại buổi ra mắt Tiệm sách của nàng diễn ra ở TP.HCM, Nguyễn Nhật Ánh đã chia sẻ những kỷ niệm thuở ấu thơ khi lần đầu tiên tình yêu với sách vở được nhen nhóm. Đó là lần đầu được đi nhà sách và nhận ra trên đời có một nơi chốn chứa đựng nhiều sách vở đến vậy.
Truyện dài Tiệm sách của nàng lấy cảm hứng từ chính nhà sách thuở ấu thơ này. Câu chuyện vừa như nỗi hoài nhớ, vừa như một sự bày tỏ lòng biết ơn với những tiệm sách, nơi đã nuôi dưỡng phần hồn, giúp cho một đứa trẻ miền quê xứ Quảng nhận ra thế giới ngoài kia rộng lớn biết bao, với những chân trời chờ đợi khám phá.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (phải) tại buổi ra mắt “Tiệm sách của nàng”
Thế giới của sách vở, chữ nghĩa không hiếm lần xuất hiện trong tác phẩm trước đây của Nguyễn Nhật Ánh. Như chuyện các nhân vật mượn sách để có cớ nói chuyện làm thân, hoặc những hoạt động làm báo tường, những sinh hoạt văn nghệ hồn nhiên tuổi học trò…
Mười mấy năm sau khi truyện dài Lá nằm trong lá của Nguyễn Nhật Ánh xuất bản, độc giả lại có dịp hội ngộ những Cỏ Phong Sương, Lãnh Nguyệt Hàn… những bút danh "sến chảy nước" của các cô cậu học trò dùng để viết truyện, làm thơ.
Ở Tiệm sách của nàng, độc giả được đọc liên văn bản, không chỉ giữa đời thực Nguyễn Nhật Ánh thời trẻ thơ với tác phẩm mà ông hư cấu, mà còn được đọc "truyện lồng trong truyện". Song song với câu chuyện diễn ra ở hiệu sách, độc giả sẽ đọc tác phẩm Trước tuổi mười lăm và Bên kia đồi Quạ mà nhân vật đang đọc. Nói tách bạch, có ít nhất 4 câu chuyện và 3 cái truyện đang diễn ra trong một bối cảnh.
Nói như lời giới thiệu của nhà xuất bản, đây là truyện dài "3 trong 1". Ba câu chuyện tách biệt, kể về những nhân vật khác nhau, trong những quãng thời gian khác nhau, nhưng lại vừa khéo gắn kết nhau trong nỗi niềm chung, thành 4 chuyện. Tác phẩm dịch chuyển qua lại giữa 3 vùng không gian: hiệu sách hiện tại, bối cảnh trong các tiểu truyện, vùng quê nghèo miền Trung trong trí nhớ tác giả.
Thử sức lối kể chuyện mới
Cỏ Phong Sương và Lãnh Nguyệt Hàn mang dáng dấp của Nguyễn Nhật Ánh thời 15 tuổi. Ta có thể thấy, hai tác phẩm Trước tuổi mười lăm và Bên kia đồi Quạ xuất hiện trong Tiệm sách của nàng như tấm gương soi chiếu lẫn nhau, những khoảnh đời sống nhỏ nhoi, tầm thường được nhìn dưới góc độ khác nhau. Nó kế thừa cái trong trẻo, hồn nhiên của tuổi học trò trong rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, đồng thời là cái thực tại tàn bạo, nhiều lúc đến khắc nghiệt, cũng xuất hiện không ít trong các truyện dài của ông.
“Tiệm sách của nàng”, bìa mềm và bìa cứng
Theo Nguyễn Nhật Ánh, việc duy trì 3 câu chuyện song hành đã lấy đi của ông nhiều sức lực. Nhưng đây là tác phẩm mà ông muốn thử sức lối kể chuyện mới mẻ hơn so với nhiều tác phẩm trước đây. Cho nên có thể nói, đọc Tiệm sách của nàng, độc giả có dịp tái ngộ một Nguyễn Nhật Ánh quen mà lạ.
Nhưng sau rốt, dù có viết về con người hoặc loài vật, cho thiếu nhi hoặc tuổi mới lớn, nhà văn vẫn giữ một thông điệp nhất quán, đó là đề cao tấm lòng nhân hậu, sự tử tế ở đời. Dù cuộc đời lắm khi không tử tế với mình.
Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: "Các nhân vật trong cuốn sách này, như chị Xuân, không màng thanh danh để bảo vệ cho gia đình chồng. Như cô Băng "nữ thánh" cuối cùng vẫn biết nghĩ cho người khác bằng cách sẵn sàng bước xuống khỏi chiếc bục thiêng mà dân tình dựng lên cho mình để minh oan cho cô em dâu, dù muộn màng. Như anh chàng Quyến biết nghĩ cho cô bạn mới quen, dù anh không chắc mình có nên hành động như thế hay không...".
Thơ cũng là một "đặc sản" trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh. Có lần, nhiều độc giả đề xuất nhà văn nên in một tập thơ riêng trích ra từ các tác phẩm của mình.
Tuy nhiên, ở Tiệm sách của nàng, thơ ít xuất hiện hơn hẳn, chỉ một bài ngắn trong tiểu truyện Trước tuổi mười lăm:
"Con sông ra biển
Bỏ lại đôi bờ
Hoàng hôn ứa máu
Xuống hàng lau thưa
Nhắn cơn bão mới
Qua vườn cây xưa
Lòng không cày xới
Đừng làm xác xơ.
Tình tôi kèo cột
Mối mọt đã về
Gió từ tay áo
Đủ làm lạnh tê".
Còn khi sang tiểu truyện Bên kia đồi Quạ thì không còn bóng dáng của thơ ca nữa. Có lẽ vì hiện thực quá trần trụi, cuộc sống quá thô bạo, cằn cỗi, không đủ nuôi dưỡng những hạt mầm thơ ca hồn nhiên.
Nhưng dù nghiệt ngã thế nào đi nữa, cuộc đời vẫn đáng sống, đáng sống vì vẫn còn tình yêu, còn lòng tốt, còn những con người hy sinh và chịu đựng. Vì thế mà chúng ta còn đọc tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.
Giải thưởng Sách quốc gia
Vừa qua, Nguyễn Nhật Ánh được trao Giải thưởng Sách quốc gia với tác phẩm Mùa Hè không tên, tại hạng mục Sách được bạn đọc yêu thích nhất. Nhưng nhà văn không thể trực tiếp đến nhận giải.
Cũng trong buổi ra mắt Tiệm sách của nàng, bà Phan Thị Thu Hà (Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ) đã trao lại bằng chứng nhận Giải thưởng Sách quốc gia cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.