Chuyên mục  


7-10-tdh-2-read-only-17282700885811440634856.jpg

Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản thủ đô - Ảnh: trích từ phim

Phim Bác sĩ Trần Duy Hưng - một phẩm cách Hà Nội (đạo diễn Hằng Giang) vừa có buổi chiếu mở màn Tuần lễ phim tài liệu Hà Nội, diễn ra tới hết ngày 10-10.

Với tuần phim này, phim về bác sĩ Trần Duy Hưng - chủ tịch đầu tiên của Hà Nội - cùng với 19 phim khác sẽ được phát miễn phí trên ứng dụng VTVGo của Đài Truyền hình Việt Nam, nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô.

Bác sĩ Trần Duy Hưng

25 phút được đạo diễn trẻ Hằng Giang gói những sự kiện lớn, những đóng góp của bác sĩ Trần Duy Hưng để nói đến một giai đoạn đặc biệt của Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp Trường Bưởi (THPT Chu Văn An), ông thi vào ĐH Y Hà Nội và tích cực tham gia các phong trào yêu nước, trở thành một trong những hạt nhân cách mạng của trí thức Hà Nội thời bấy giờ.

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ mở phòng khám tư, cũng là cơ sở cất giấu cán bộ cách mạng, cung cấp thuốc men ngoài chiến khu.

Theo ông Nguyễn Túc - người trải qua 10 đời chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, "không phải ngẫu nhiên Bác Hồ giao cho bác sĩ Trần Duy Hưng chức chủ tịch Ủy ban hành chính của TP Hà Nội vào cuối tháng 8-1945".

Đoạn băng tư liệu phỏng vấn khi ông Trần Duy Hưng còn sống, kể chuyện lần đầu tiên gặp Bác và được giao làm chủ tịch Hà Nội.

"Cháu ra làm chủ tịch thì cháu biết làm cái gì? Đã bao giờ cháu làm chủ tịch TP đâu. Bác nói: Thế thì Bác đã bao giờ Bác làm chủ tịch nước đâu. Nhưng mà bác cháu chúng ta dù là chủ tịch nước, chủ tịch TP hay những ai làm chủ tịch ở xã, ở huyện, thì cũng không phải là ông quan cách mạng mà là người đầy tớ của nhân dân".

anh-chup-man-hinh-2024-09-25-luc-142556-17282731039961283261343.png

Hình ảnh trong phim tư liệu Bác sĩ Trần Duy Hưng - một phẩm cách Hà Nội

Cuộc gặp đánh dấu từ đó ông Hưng dành trọn đời mình cho việc xây dựng thủ đô văn minh, giàu bản sắc, đặt lợi ích của người dân lên đầu. Ông nhận chức khi mới 33 tuổi. Cũng là người giữ cương vị này lâu nhất trong lịch sử thủ đô (20 năm).

Toàn quốc kháng chiến, ông Hưng cùng Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc, trở thành thứ trưởng Bộ Nội vụ rồi thứ trưởng Bộ Y tế. Kháng chiến thành công, ngày 10-10-1954, ông trở về tiếp quản thủ đô với trọng trách phó chủ tịch Ủy ban Quân quản.

Ngày 4-11 cùng năm, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm là chủ tịch ủy ban hành chính rồi chủ tịch UBND TP Hà Nội.

2ktcyjqfqkuhh-1728273045003688151371.jpg

Bác Hồ, bác sĩ Nhữ Thế Bảo (đứng bên phải Bác Hồ), bác sĩ Trần Duy Hưng với các cháu thiếu niên nhi đồng Hà Nội - Ảnh tư liệu

Trong 20 năm làm chủ tịch Hà Nội, ông Hưng đã có những quyết sách được đánh giá là táo bạo, vực lại một Hà Nội đang trải qua những năm tháng khó khăn, đói nghèo: bán nhà cho công nhân viên chức, cho tư nhân tham gia vào sản xuất tiêu dùng, xây các khu tập thể, phát triển nhà máy, khu công nghiệp và trường đại học tạo nền móng cho sự phát triển của thủ đô.

Ngoài mở rộng và quy hoạch đường Thanh Niên, ông cũng cho xây những công trình công cộng như công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất...

Ông Hưng để lại ấn tượng sâu sắc về một trí thức bước chân vào con đường quản lý một đô thị rất lớn mà không có sự chuẩn bị nào, chỉ có lòng yêu nước.
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC

Bố Trần Duy Hưng

ba-tran-anh-tuyet-17282700885851205778616.jpg

Bà Trần Ánh Tuyết, con gái bác sĩ Trần Duy Hưng - Ảnh: ĐẬU DUNG

Ông Trần Tiến Đức - con trai bác sĩ - cho biết ngoài phát triển TP, bố ông cũng chú trọng văn hóa, quan tâm tới anh chị em nghệ sĩ.

"Chị Lê Mai (NSƯT Lê Mai) lúc đó là diễn viên đoàn kịch Hà Nội kể tôi nghe, khi chị mới sinh Lê Vân mấy tháng đã phải cắp con đi diễn.

Ông cụ đến xem và thấy chị đang bế Lê Vân. Cụ bảo: Chị cứ ra diễn đi, tôi sẽ bế cháu cho chị diễn", ông Đức nói. Bố Hưng giản dị, dễ gần là thế.

Khi ông Hưng mất (2-10-1988), có một chị khoảng 40 tuổi đến nhà, xin vào thắp hương.

Hóa ra, thời chiến tranh phá hoại, nhà chị bị bom rơi, chị đành vào phố làm tạm cái lều để ở ngay trên gác thượng một ngôi nhà. Chính quyền thấy thế là bất hợp pháp nên đuổi đi. Biết chuyện, ông Hưng viết mấy dòng gửi chủ tịch UBND khu Hoàn Kiếm đề nghị bố trí cho chị một chỗ ở tạm.

Trong ký ức của các con, bố Hưng là một người giản dị, chân thành, mang nét hào hoa, phong nhã của người Hà Nội.

Bà Trần Ánh Tuyết kể khi bố bà còn sống, ông rất yêu hoa tươi và thường ra Hàng Khay mua hoa ở các cô làng hoa Ngọc Hà bán. Các cô không lấy tiền nhưng bố nói "nếu các chị không lấy tiền, em không dám ra mua nữa".

tran-duy-hung-17282729502301050642578.jpg

Vợ chồng bác sĩ Trần Duy Hưng và cháu nội Trần Liên Hương - Ảnh tư liệu gia đình

Năm bà Tuyết 12 tuổi, được bố chở đi một vòng Hồ Tây. Hồi đó Hồ Tây rất rộng, hoang vu. 

Bố nói: "Sau này Hồ Tây sẽ được sửa sang lại, sẽ khang trang, đàng hoàng hơn. Con hãy nhớ điều đó. Có thể bố không được nhìn thấy nhưng chắc chắn con sẽ nhìn thấy".

Con gái ông Trần Duy Hưng nói bố bà "yêu và tự hào về Hà Nội rất nhiều". Lúc nào ông cũng nói: "Hà Nội của mình bây giờ còn nghèo nhưng sau này sẽ to đẹp hơn".

Bà Tuyết kể cho Tuổi Trẻ bố Hưng là một người chú ý nề nếp, gia phong. Đi hỏi về chào. Dù lớn tuổi nhưng trước khi ra khỏi nhà, bao giờ bố cũng "chào các con nhé" hoặc "bố về rồi đây".

Ông mất nhưng những lời chỉ dạy của ông vẫn được con cháu trong nhà giữ gìn. 

Bà nói thêm vào Ngày Giải phóng thủ đô hằng năm, con cháu thường tập trung lại và hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao. Bố của bà là người rất yêu âm nhạc, đặc biệt là những ca khúc về Hà Nội.

Bố cũng là một tấm gương về đối nhân xử thế. Hồi ông còn sống, cuối năm bao giờ ông cũng gói quà để biếu những người lao công. Bố làm thế và cũng dặn con cái làm thế. Đó đã thành một cái nếp của gia đình được giữ gìn mấy chục năm qua.

"Hồi được cử đi học một lớp ngắn hạn của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, theo tiêu chuẩn, ông già được ngồi xe của cơ quan đi học nhưng ông lại tự phóng mô tô đi. Khi các ông ở ủy ban biết chuyện mới bảo "đây là chế độ, anh hưởng đến đâu thì anh cứ hưởng".

Ông già bắt buộc phải theo nhưng trong lòng không thoải mái lắm. Ông nói với tôi mình đang tiết kiệm cho Nhà nước, không muốn phiền người khác. Việc đi học là việc của mình, tại sao phải theo tiêu chuẩn này nọ".

Ông Trần Tiến Đức

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020