Những linh vật rắn đang được hoàn thiện - Ảnh: HÙNG LÊ
Những ngày qua hình ảnh linh vật rắn cuộn mình tại khuôn viên Tiểu đoàn đặc công 409 (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) gây tò mò cho nhiều người. Đây là sản phẩm từ bàn tay khéo léo của cán bộ, chiến sĩ đặc công chào mùa xuân mới.
Trung tá Lê Quang Hiệp, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 409, cho biết tới nay cơ bản phần thô của linh vật rắn đã làm xong: "Rắn sẽ được hoàn thiện mặt ngoài, sơn phết, trang điểm lên để bắt mắt. Chúng tôi cũng đặt mua đôi mắt rắn từ nơi khác để về gắn lên linh vật".
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Việt - chiến đấu viên Đại đội chống khủng bố - một trong những người tham gia tạo hình cho linh vật rắn ở Tiểu đoàn 409, nói rằng vật liệu làm linh vật là sắt, thép, cát, xi măng.
Bộ đội đặc công hoàn thiện phần đầu cho linh vật rắn hổ mang - Ảnh: HÙNG LÊ
"Với các linh vật cỡ lớn, tôi và các đồng đội thường mất từ 5 - 7 ngày để hoàn thiện. Còn các linh vật cỡ nhỏ, mỗi tuần chúng tôi có thể làm được 2 - 3 con" - anh Việt nói.
Theo anh Việt, linh vật rắn điểm nhấn và cũng là lớn nhất mà anh em làm năm nay là các con rắn hổ mang chiều dài thân khoảng 4m, được tạo hình, lên bản vẽ, tính toán tỉ lệ kỹ càng: "Đắp rắn hổ mang khó nhất là phần đầu. Làm sao để đầu nhô lên tạo ra thần thái, uy dũng trong tư thế thủ phục của rắn hổ mang chúa là điều khá khó".
Ngoài linh vật rắn hổ mang ở khoảnh sân chính đơn vị, bộ đội đặc công còn tạo hình nhiều mô hình rắn đặt ở các vị trí khác. Trong dịp Tết, những linh từ bàn tay bộ đội chế tác sẽ được bố trí tại các điểm sinh hoạt tập trung phục vụ khách tham quan, chụp ảnh.
Sau đó các linh vật sẽ được chuyển về lại khu vườn tượng của Tiểu đoàn 409.
Vật liệu khung xương tạo hình cho linh vật rắn - Ảnh: HÙNG LÊ
"Bản vẽ" linh vật rắn của bộ đội đặc công - Ảnh: HÙNG LÊ