Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa chính thức công bố doanh số bán xe của các đơn vị thành viên trong tháng 12/2021 cũng như doanh số bán cả năm. Theo đó, doanh số toàn thị trường của các đơn vị thành viên VAMA đạt 304.149 xe, tăng 3% so với năm 2020.
Trong khi đó, TC Motor công bố bán được 70.518 xe trong năm 2021 còn VinFast là 35.723 xe. Không tính đến một số thương hiệu như Audi, Jaguar land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen hay Volvo chọn cách không công bố kết quả kinh doanh, doanh số xe bán ra tại thị trường Việt Nam trong năm đạt 410.390 xe.
Trước đó vào năm 2020, doanh số thị trường ô tô Việt Nam đạt 407.655 xe trong khi năm 2019 là 409.412 xe. Như vậy, có thể xem thị trường ô tô Việt Nam đã đi ngang trong 3 năm liên tiếp, sau giai đoạn bứt phá mạnh mẽ vào năm 2019 (tăng từ 287.613 xe năm 2018 lên hơn 409.000 xe).
Doanh số thị trường ô tô Việt Nam giai đoạn 2015 - 2021.
Trong năm 2021, Dẫn đầu doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô tại Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục là Hyundai khi đạt doanh số 70.518 xe. Tiếp đến là các thương hiệu Toyota (67.533 xe), Kia (45.532 xe), VinFast (35.723 xe), Mazda (27.286 xe), Mitsubishi (27.243 xe), Ford (23.708 xe), Honda (21.698 xe).
Mẫu xe bán chạy nhất thị trường là một cái tên khá bất ngờ: VinFast Fadil với 24.128 xe bán ra. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, có một mẫu xe phá vỡ thế thống trị của Toyota Vios để trở thành xe bán chạy nhất Việt Nam.
Không những thế, Vios còn mất luôn vị trí thứ 2 thị trường vào tay mẫu xe đối thủ là Hyundai Accent (19.956 xe). Vios đứng ở vị trí thứ 3 với 19.931 xe bán ra, tiếp đến là Toyota Corolla Cross (18.441 xe), thứ 5 là Kia Seltos (16.122 xe).
VinFast Fadil là mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam năm 2021.
Mặc dù đi ngang nhưng đây hoàn toàn không phải dấu hiệu tiêu cực của thị trường bởi năm 2020, 2021 thị trường ô tô Việt Nam nói riêng và ô tô thế giới nói chung chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid. Đặc biệt trong năm 2021, tình trạng thiếu linh kiện kéo dài cũng như cơn khủng hoảng chip toàn cầu đã khiến hàng loạt nhà sản xuất điêu đứng, nhiều mẫu xe không thể giao đến khách hàng đúng hẹn.
Theo ông Phạm Văn Dũng – Tổng Giám đốc Ford Việt Nam – theo kịch bản tối ưu, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể vượt mốc doanh thu nửa triệu xe trong năm 2022, tức là gấp đôi so với Philippines và cạnh tranh quyết liệt với thị trường Thái Lan – thế lực hàng đầu trong khu vực ở lĩnh vực sản xuất ô tô. Cũng theo ông Dũng, mốc 500.000 xe/năm là mốc quan trọng, đánh dấu việc một thị trường ô tô trở thành thị trường lớn.
Việc các nhà sản xuất ô tô tỏ ra lạc quan trong năm 2022 không phải không có cơ sở. Sau một năm 2021 gặp nhiều gián đoạn trong sản xuất, kinh doanh, cả hãng ô tô, đại lý cũng như người tiêu dùng đã nhanh chóng thích nghi với tình hình mới để đưa hoạt động sản xuất – mua – bán trở lại quỹ đạo theo những cách khác nhau.
Trong khi đó, Nghị đinh 103 giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12/2021 được xem là cú hích lớn, giúp tăng doanh số cho nhiều dòng xe chủ lực của các hãng sản xuất lớn trong nửa đầu năm 2022.
Bằng chứng là trong tháng đầu tiên Nghị định này có hiệu lực (12/2021), doanh số xe du lịch của các thành viên VAMA đã tăng 33%, trong đó xe lắp ráp trong nước tăng 23%. Năm 2022, thị trường ô tô Việt cũng sẽ đón nhận hàng loạt những cái tên mới, đặc biệt là một số mẫu xe điện, hứa hẹn tạo ra những cuộc cạnh tranh khó đoán biết.
Đức Nam
Theo Nhịp sống kinh tế