Chuyên mục  


Khách sốt ruột nhận xe, đại lý mặc sức tăng giá

Thậm chí, đã có những trường hợp dở khóc dở cười diễn ra khi đại lý thất hứa, khách hàng phản ứng  bằng cách, lên các group than phiền, mỉa mai, mắng mỏ, đến các phản ứng dữ dội có 1-0-2.

Một ví dụ tiêu biểu, ngày 10/1/2022, một người dùng mạng xã hội đã đăng tải lên diễn đàn về ô tô một clip có thời lượng gần một phút, trong đó nhân vật chính là một nam thanh niên vừa khóc vừa nằm lăn lộn, chửi bới, ăn vạ trước một showroom ô tô.

Theo chủ nhân đoạn clip đăng tải cho biết, người đàn ông đã đặt cọc tiền trước. Tuy nhiên, khi đến nhận xe thì người này được showroom thông báo xe chưa về. Quá thất vọng về cách làm việc của đại lý, người đàn ông đã trút giận bằng màn bức xúc như trên.

Quá thất vọng về cách làm việc của đại lý, nam thanh niên đã nằm "ăn vạ" trước một showroom ô tô (ảnh cắt từ clip).

Theo tìm hiểu của PV Infonet tại một loạt đại lý bán xe ô tô, nhân viên kinh doanh báo giá một số mẫu xe đã tăng đáng kể so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng.

Chẳng hạn như đối với xe Hyundai Kona bản tiêu chuẩn, nếu như tháng trước có giá 575- 580 triệu đồng, gần Tết, đại lý báo giá tăng lên 600 rồi tăng tiếp lên 604 triệu đồng.

Trong khi đó, một mẫu xe đang được đặt hàng rất hot của Toyota là Raize cũng được nhân viên bán hàng báo giá tăng thêm từ 35-40 triệu đồng ngoài giá niêm yết, nếu khách muốn chen ngang lấy xe trước Tết mà không đặt cọc trước đó. Trong khi khách đặt cọc chờ dài cổ nhiều tháng sau vẫn chưa được giao xe.

Việc đại lý coi thường khách đặt cọc, lấy tiền chênh để giao xe sớm cho khách chen ngang, sẵn sàng trả mấy chục triệu để lấy xe đi chơi Tết, gây bức xúc cho khách hàng trên các diễn đàn xe.

Cũng trong ngày 10/1, trên một diễn đàn về ô tô, tài khoản mạng xã hội facebook Mạc Đức Trung chia sẻ, người nhà anh đặt cọc mua xe tại một showroom ô tô vào ngày 1/1/2022, giao hẹn bàn giao xe vào ngày 15/1/2022. Tuy nhiên, ngày 10/1 nhân viên tư vấn bán hàng gọi điện thông báo trả lại cọc vì không có xe.

“Sau khi tá hỏa vì sắp đến ngày nhận xe, tiền thì đã chuẩn bị đủ mà không nhận được xe, phía người nhà tôi đã nhận được cuộc gọi của cửa hàng trưởng và chỉ nói phương án giải quyết trả cọc. Gia đình cũng thử tìm hiểu tại một vài showroom khác thì được biết giá xe đã tăng so với giá trị đã ký trong hợp đồng, nếu đi showroom khác mua xe thì sẽ phải bù thêm số tiền khá lớn”, anh Mạc Đức Trung cho hay.

Ảnh minh hoạ

Khách hàng nên tỉnh táo khi ký hợp đồng

Trao đổi với PV Infonet về trường hợp trên, TS. luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội – cho rằng, cần phải làm rõ thỏa thuận đặt cọc ghi nhận như thế nào. Nếu thỏa thuận đặt cọc có điều kiện đến thời điểm hết hạn đặt cọc xe chưa về đại lý sẽ trả lại tiền cọc thì đại lý mới được phép thực hiện như vậy. Trường hợp hai bên không có thỏa thuận về việc trả lại tiền cọc, chỉ quy định đến thời hạn mua bán mà bên bán không bán hoặc bên mua không mua thì phải phạt cọc.

Theo luật sư Cường, hợp đồng đặt cọc là văn bản thỏa thuận cần phải chặt chẽ các điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên để đảm bảo hợp đồng có thể được thực hiện.

“Trong trường hợp đến thời điểm mua-bán mà không đủ điều kiện để thực hiện hoạt động mua bán, ví dụ như trong tình huống này, đại lý không tiếp nhận được xe mà các bên không có dự liệu, thỏa thuận từ trước thì theo luật một trong hai bên được quyền chấm dứt hợp đồng, nhưng nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

“Bởi vậy, trong vụ việc này cần phải xem lại thỏa thuận đặt cọc giữa hai bên quy định như thế nào. Trong trường hợp có thỏa thuận về tình huống xe không về thì sẽ trả lại tiền cọc mà không phạt, không bồi thường thì rủi ro thuộc về khách hàng”, luật sư Cường nói thêm.

Trong trường hợp hợp đồng bị hủy bỏ gây thiệt hại cho khách hàng (bên mua), ví dụ như thiệt hại khiến giá xe tăng lên, bên khách hàng đặt cọc có quyền yêu cầu được bồi thường toàn bộ số tiền tăng chênh lệch đó.

Trong trường hợp bên bán không bồi thường thì khách hàng có thể khởi kiện đến tòa án để được yêu cầu xem xét việc bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, một khi bên bán không chuẩn bị được xe trước, hoặc hai bên không có ấn định cụ thể về thời điểm thực hiện hợp đồng thì khi đó khách hàng rất khó có thể bắt lỗi được bên doanh nghiệp bán xe.

Do đó, trước khi ký hợp đồng, khách hàng nên xem xét kỹ các điều khoản nhằm tránh bất lợi cho mình.

Theo Bộ luật dân sự năm 2015, quy định tại Điều 328 về việc Đặt cọc như sau:

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Theo Tuân Nguyễn

Infonet

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020