Chuyên mục  


"Đòn ăn miếng trả miếng này" đang đẩy cuộc chiến kinh tế và trừng phạt của 2 bên lên mức chưa từng có. Giá dầu đã chạm mốc gần 140 USD/thùng trong phiên ngày 7/3

Giá dầu đã chạm đỉnh 13 năm, có thời điểm chạm mức gần 140 USD/thùng tại thị trường châu Á, trước khi quay về mốc khoảng 130 USD. Như vậy, kể từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, tức hơn 10 ngày nay, giá dầu đã tăng 30%.

Hiện nay, Nga đang cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho toàn châu Âu, với 5 đường ống chính.

Hôm thứ 5 tuần trước, phía Nga đã tạm khóa van đường ống khí đốt Yamal - Europe xuất sang Đức. Có nghĩa là ngừng khoảng 15% sản lượng khí sang châu Âu. Dù cuối ngày, hoạt động này đã được nối lại. Song động thái này nói lên điều gì?

Công nhân kiểm tra đường ống tại một trạm nén khí trên đường ống Yamal-Europe. (Ảnh: Reuters).

Khóa van, dầu càng khan hiếm thì giá càng tăng, Nga thu về nhiều ngoại tệ hơn. Đây có thể hiểu là một cách huy động vốn gián tiếp của Nga, qua thị trường năng lượng chứ không phải là qua thị trường vốn trực tiếp, thường là qua kênh phát hành trái phiếu, hiện đang bị phong toả tứ bề từ Mỹ và phương Tây. Ước tính, giá trị xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang EU là 220 triệu USD/ngày hồi tháng 2. Con số này có thể tăng gấp đôi, lên 545 triệu USD/ngày, nếu Nga đóng các đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc nhắm vào Đức chủ yếu mang tính định hướng mục tiêu, ngoài ra để có thêm đòn bẩy đàm phán với Mỹ. Đáp trả, ngay trước thềm chuyến công du châu Âu vào tối 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra đòn phản pháo.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: "Hiện tại, chúng tôi đang thảo luận rất tích cực với các đối tác châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga sang các nước của chúng tôi, đồng thời duy trì nguồn cung dầu ổn định trên toàn cầu. Các biên pháp trừng phạt cho đến nay đã có tác động rất lớn đến kinh tế Nga. Đồng Ruble tiếp tục lao dốc mạnh và Nga dự báo sẽ rơi vào suy thoái.

Khó tìm nguồn cung năng lượng thay thế Nga

Vậy trong trường hợp xấu nhất là xuất khẩu năng lượng của Nga bị cắt đứt, liệu có nguồn cung nào khác thay thế hay không? Có thể nói trong ngắn hạn rất khó có thể tìm được nguồn cung thay thế cả khí đốt và dầu mỏ của Nga đối với châu Âu. Riêng mặt hàng khí đốt, có những quốc gia châu Âu phụ thuộc hoàn toàn 100% vào nhập khẩu từ Nga. Đức cũng nhập tới hơn 65%, Italia 43%, Pháp cũng khoảng 20%.

Còn Mỹ thì sao? Trên thực tế năm ngoái, khoảng 8% dầu mỏ và sản phẩm đã qua tinh chế mà Mỹ nhập khẩu, tương đương 672 nghìn thùng/ngày, tới từ Nga. Mà giờ giá xăng tại Mỹ đã tăng kỷ lục gần 14 năm. Tăng khai thác dầu đá phiến hay mở kho dự trữ dầu chiến lược đã được tính tới. Nhưng giải pháp này lại khó về mặt trung hạn. Nỗ lực thay thế nguồn cung nhiên liệu từ Nga thực sự trở thành một nhiệm vụ đầy thách thức thời điểm này.

Ông Qian Jun, Trường Tài chính Quốc tế Fanhai, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc: Khí đá phiến có cấu trúc chi phí riêng. Việc sản xuất chỉ có thể thực hiện nếu giá trên thị trường vượt ngưỡng nhất định. Điều kiện này đã xuất hiện, nhưng sẽ phải mất thời gian để các công ty tăng cường sản xuất và xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu.

Bà Wang Dan, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Hang Seng, Trung Quốc: Chúng ta vẫn phải đối mặt với thực tế là khí đốt và dầu của Mỹ nhìn chung có giá thành cao hơn và chất lượng thấp hơn so với của Nga. Với mức độ xung đột hiện nay, mọi người sẽ quan tâm nhiều hơn tới dầu khí đá phiến của Mỹ và sẵn sàng chấp nhận mức giá cao. Tuy nhiên, trong dài hạn, giá cả sẽ là vấn đề lớn.

Ông Jamie Ingram, Biên tập viên cấp cao Tạp chí Middle East Economic Survey: Qatar đang khai thác hết công suất và không thể đào đâu ra vài triệu tấn khí đốt để vận chuyển tới châu Âu, mà chỉ có thể tìm cách chuyển nguồn cung từ các thị trường khác sang. Tuy nhiên, phần lớn khí đốt của Qatar đang cung cấp cho châu Á, nơi áp lực cũng rất lớn.

Châu Âu tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga

Xuất khẩu khí đốt sang châu Âu hiện chiếm 50% tổng kinh ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Nga. Năm ngoái đạt khoảng 220 tỷ USD. Do vậy, nếu Nga khóa cả 5 đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu thì đây là 1 tổn thất kinh tế to lớn với nước này.

Còn đối với Mỹ và phương Tây, việc 1 lệnh trừng phạt toàn diện lên lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ của Nga cũng sẽ khiến nguồn cung khác không thể đáp ứng. Nếu giá tiếp tục tăng, chính người dân của Mỹ và EU sẽ phải hứng chịu.

Thứ 5 và thứ 6 tuần này, các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Pháp nhằm thảo luận về giải pháp cấp bách bù đắp lượng khí đốt cho các nước châu Âu trước khả năng Nga có thể tiếp tục dừng cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí Yamal bất cứ lúc nào.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cho rằng Liên minh châu Âu cần đa dạng hoá nguồn cung năng lượng và sẽ đầu tư một cách ồ ạt vào phát triển năng lượng tái tạo. Đây là giải pháp trong trung và dài hạn nhằm đối phó với khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho các nước châu Âu.

Đẻ đa dạng hoá nguồn cung năng lượng, các nước châu Âu cũng đã và đang nhập khẩu khí hoá lỏng từ nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Qatar. Trong ngắn hạn, các nước châu Âu nhập khẩu từ 50 - 60% lượng khí đốt từ Nga như Đức, Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia có thể bù đắp sự thiếu hụt từ các nước xuất khẩu khí đốt của châu Âu như Nauy, Hà Lan, Anh hay Đan Mạch.

Ngoài ra, các nước châu Âu cũng sẽ nỗ lực sớm hoàn thành việc kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng của bán đảo Iberia với phần còn lại của châu Âu, nhất là dự án đường ống MidCat đang được xây dựng một nửa, cho phép Tây Ban Nha cung cấp khí đốt nhập từ Algeria cho Pháp và các quốc gia EU khác.

Song song với những ưu tiên bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng khi Nga có thể ngừng cấp khí đốt, các nước châu Âu cũng sẽ thảo luận và đưa ra giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp giải quyết những hoá đơn năng lượng cao.

Theo thông tin mới nhất, ngày 8/3, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra những đề xuất đầu tiên nhằm đa dạng hóa cung cho châu Âu, giảm phụ thuộc vào Nga, nhất là mặt hàng khí hóa lỏng.

Các chuyên gia nhận định, tiến hành các đòn trừng phạt được xem là trò chơi thường có tổng bằng không. Và trong lịch sử loài người, một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện thường dẫn đến những leo thang vượt xa tính toán ban đầu. Giá dầu trong ngắn hạn sẽ còn nhiều biến động, các bên vẫn sẽ lời qua tiếng lại, nhưng 1 lệnh cấm toàn diện lên lĩnh vực năng lượng của nhau là điều khó diễn ra vì cái giá quá đắt với cả 2.

Theo PV

VTV.VN

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020