Chuyên mục  


Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục gần đây, trước ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, cùng các địa phương. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng phương án điều chỉnh thuế môi trường với xăng dầu. Đó là sự chỉ đạo hết sức cụ thể, quyết liệt và rất rõ ràng. Bộ Tài chính cũng đã có đề án và đang xin ý kiến các bộ, ngành. Tiếp theo phải báo cáo Chính phủ, rồi trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó Ủy ban Tài chính Ngân sách thẩm tra, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Khung giá 18.000 - 24.000 đồng/lít, hay bao nhiêu?

Cá nhân ông nhận định ra sao về đề án giảm thuế môi trường với xăng dầu đang được Bộ Tài chính xin ý kiến?

Chuyên gia đánh giá mức giảm 1.000 đồng/lít xăng quá thấp, không mấy ý nghĩa. Ảnh: Như Ý

Trong nội dung đề án Bộ Tài chính xây dựng có hai điểm đáng chú ý là mức giảm và thời gian thực hiện. Cụ thể, Bộ Tài chính chỉ đề xuất giảm với thuế bảo vệ môi trường, mức giảm 1.000 đồng với xăng, các loại dầu giảm 500 đồng/lít; còn thời hạn giảm được áp dụng cho đến hết năm 2022. Trong điều kiện giá quốc tế tăng, một trong những giải pháp là phải giảm được các chi phí xăng dầu, trong đó có thuế.

Giảm thuế môi trường, qua đó giảm giá xăng, dầu là rất cần thiết, góp phần hỗ trợ đầu vào sản xuất kinh doanh và giảm bớt gánh nặng chi phí của người dân. Nhưng theo tôi, phải đặt trong tổng thể các loại thuế, phí cần điều chỉnh thế nào cho hợp lý, chứ không phải chỉ dồn vào một loại thuế phí, hay dàn trải ra tất cả. Ngoài ra cũng cần lưu ý tránh chồng chéo, trùng lắp với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng Quốc hội vừa thông qua.

"Nếu đề xuất "chắc tay" quá, cứ sợ thu hụt nên chỉ giảm nhỏ giọt thôi, thì sau này Quốc hội cũng như Chính phủ cần xem xét, đánh giá trách nhiệm cơ quan tham mưu. Anh đề xuất thấp quá thì phải chịu trách nhiệm, cao quá cũng phải chịu trách nhiệm, như vậy mới đảm bảo sử dụng công cụ thuế, phí hiệu quả".

TS. Bùi Đức Thụ

Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra, liệu mức giảm bao nhiêu là hợp lý? Giảm 500 đồng/lít dầu và 1.000 đồng/lít xăng có hợp lý không, theo ông như vậy là nhiều hay ít?

Mức giảm bao nhiêu, hợp lý hay không trước hết phải xác định được mục tiêu giảm giá xăng dầu trong khoảng nào? Để từ đó làm cơ sở cho quản lý điều hành, dùng công cụ thuế, phí và các chính sách hỗ trợ khác để điều chỉnh giá xăng dầu về mức độ nào đó cho phù hợp.

Trên thực tế, giá xăng dầu thế giới luôn biến động khó lường và ở biên độ rất lớn. Theo dõi nhiều năm, tôi thấy có năm giá tụt xuống 30 USD/thùng, nhưng có khi lại tăng vọt lên 120 - 130 USD/thùng dầu thô. Nếu để vận động tự phát theo thị trường, thì rõ ràng sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân không được ổn định, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Để ổn định đời sống, thu nhập của người dân, kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay, phải xác định giá xăng dầu trong nước dao động ở khoảng nào, chẳng hạn từ 18.000 - 24.000/lít, hay bao nhiêu. Khi đó, nếu giá thế giới vượt mức trần, hay giảm quá mức sàn, sẽ đưa ra mức điều chỉnh thuế, phí và các chính sách khác cho phù hợp.

Trong giá xăng dầu bao gồm nhiều loại thuế, phí, như thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… Ngoài giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít xăng, nếu Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm các loại thuế khác, thì giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm nhiều hơn. Nhưng nếu ngoài thuế môi trường, các loại thuế khác không điều chỉnh, thì mức giảm này quả thật là thấp, tác động đến giá xăng dầu rất ít. Nếu chỉ giảm 1 nghìn đồng, khi giá xăng hiện nay 27.000 đồng/lít thì không mấy ý nghĩa.

Chính phủ có thể giảm ngay thuế nhập khẩu

Còn thời gian áp dụng giảm thuế thì sao, thưa ông?

Trong tờ trình, thời hạn giảm được áp dụng đến hết năm 2022, theo tôi, điều đó không có căn cứ. Dù điều hành ngân sách theo năm, nhưng nếu đến tháng 1/2023, giá xăng dầu thế giới vẫn cao ngất ngưởng, thì chúng ta lại không điều chỉnh thuế nữa à? Như vậy không ổn. Mục tiêu là ổn định thị trường, kiềm chế và kiểm soát lạm phát, trong đó có ổn định giá xăng dầu trước sự tăng đột biến của thị trường thế giới, nếu giá thế giới cao, chúng ta vẫn tiếp tục phải duy trì.

Chính vì vậy, đối tượng và thời hạn điều chỉnh phụ thuộc vào tình hình thực tiễn biến động giá thế giới. Như vậy mới hợp lý, không nên ấn định thời gian cứng như thế, gây phức tạp hoá quy trình, thủ tục. Khi trình phương án đề xuất, cần đưa ra khung cụ thể, giá thế giới dao động ở khung nào, thì giá trong nước điều chỉnh ở khung đó. Còn thời hạn áp dụng nên kéo dài, không nên ấn định cụ thể, như thế sẽ linh hoạt hơn.

Với quy trình triển khai như vậy, ông có lo ngại chính sách sẽ kéo dài, chậm đi vào cuộc sống, và liệu có giải pháp điều chỉnh khác nhanh hơn?

Giá xăng dầu đang đứng ở mức đỉnh điểm, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, nên phải điều hành giá hết sức khẩn cấp như kiến nghị của chuyên gia và cách đặt vấn đề của Thủ tướng. Nhưng trên thực tế, do quy trình, thủ tục, đến bây giờ mới chỉ dừng ở khâu xin ý kiến bộ, ngành. Không biết hồ sơ có kịp trình phiên họp tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không, nếu lui sang tháng 4 sẽ mất đi tính thời sự. Vấn đề chúng ta nhận diện đã rõ quá rồi, cấp bách quá rồi thì nên có cách thức nào đó quyết liệt hơn, xử lý sớm hơn, không nên hành chính hoá việc này, sẽ quá lâu, quá chậm.

Như chúng ta biết, quy định thuế môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Mà Quốc hội ít nhất cũng phải đến tháng 5 mới họp, như thế sẽ chậm mất. Thế nhưng có những sắc thuế thuộc ngay thẩm quyền của Chính phủ, đó là thuế xuất nhập khẩu. Giảm thuế nhập khẩu cho cả xăng dầu tinh và dầu thô cũng góp phần giảm giá xăng dầu. Điều này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, có thể làm nhanh hơn, nhưng tôi vẫn chưa thấy bàn đến, và Bộ Tài chính chưa đề xuất. Việc này cần phải xem xét cụ thể.

Nên cải cách tiền lương trong quý IV/2022

Giá xăng dầu, các loại hàng tiêu dùng cao, nếu không kiểm soát tốt tình hình, lạm phát cao, khiến cuộc sống của người dân đã khó khăn càng khó khăn hơn. Theo ông, lộ trình cải cách tiền lương có nên xem xét, áp dụng sớm hơn?

Điều này thì quá đúng. Khi chỉ số CPI tăng, lương thực tế giảm, buộc phải điều chỉnh lương tăng theo lộ trình của lạm phát. Nhưng năm ngoái và năm nay chúng ta buộc phải tạm giãn thời gian cải cách tiền lương do khó khăn từ cân đối ngân sách nhà nước do tác động bởi dịch COVID-19.

Nhưng trong bối cảnh này, theo tôi, cần có chính sách tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước một cách mạnh mẽ hơn: kiên quyết cắt bỏ những khoản chi không cần thiết, kém hiệu quả, tìm kiếm các nguồn, tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương. Việc này nên được triển khai sớm để duy trì và đảm bảo tiền lương thực tế, thu nhập thực tế đối với người hưởng lương. Đây chính là động lực để duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và các hoạt động trong nền kinh tế. Từ giờ tới nên tính toán để thực hiện, chậm nhất trong quý IV năm nay, hoặc quý I năm 2023 phải áp dụng cải cách tiền lương.

Trong lúc chưa thực hiện được toàn bộ, tôi cũng hoan nghênh việc vừa qua một số đối tượng hưởng lương hưu đã được giải quyết trước. Thế nhưng, một số đối tượng còn lại cũng rất khó khăn, cần rà soát lại, nếu có nguồn phải sớm thực hiện hỗ trợ tăng lương cho họ. Trường hợp chưa có nguồn, thì có thể tính toán đến các Quỹ trợ cấp đặc biệt về an sinh xã hội. Không nên để chậm cải cách tiền lương, kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng... sẽ đẩy người khó khăn do tiền lương rất thấp vào tình huống cùng cực, những hộ gia đình vừa thoát khỏi hộ nghèo giờ lại tái nghèo.

Cảm ơn ông!

Theo Luân Dũng (thực hiện)

Tiền phong

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020