Chuyên mục  


Ngay sau thông báo về sự xuất hiện của một loại biến thể mới có dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm của virus Covid-19, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, với chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương sụt giảm mạnh nhất trong vòng hơn một năm. Lợi suất trái phiếu Mỹ đảo chiều giảm sau khi tăng vào đầu tuần qua do khả năng các ngân hàng trung ương tăng cường nỗ lực bình thường hóa chính sách để chống lại lạm phát gia tăng.

Trên thị trường tiền tệ, yên Nhật tăng giá mạnh mẽ so với USD, trong khi USD quay đầu giảm sau khi đạt mức cao nhất 16 tháng vào đầu tuần qua. Thị trường hàng hóa đồng loạt biến động thất thường, trong đó giá dầu mỏ giảm hơn 10%.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,5% trong ngày thứ Sáu (26/11) – ngày đen tối nhất kể từ cuối tháng 10/2020; chứng khoán Châu Âu cũng trải qua ngày tồi tệ nhất trong 17 tháng.

Đã quá muộn để đi du lịch

Cổ phiếu của các hãng khai thác du thuyền Carnival Corp, Royal Caribbean Cruises và Norwegian Cruise Line đồng loạt giảm hơn 10%, trong khi cổ phiếu của United Airlines, Delta Air Lines và American Airlines cũng lao dốc mạnh.

Một nhà dịch tễ học ở Hồng Kông cho biết có thể đã quá muộn để thắt chặt các hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn biến thể mới nhất.

"Nhiều khả năng loại virus này đã xuất hiện ở những nơi khác ngoài những nơi đã được phát hiện. Và nếu chúng ta đóng cửa ngay bây giờ, có lẽ đã quá muộn", ông Ben Cowling của Đại học Hong Kong cho biết.

Virus Covid-19 đã hoành hành khắp thế giới suốt hai năm qua, lây nhiễm tới 260 triệu người trên hành tinh và gây tử vong cho 5,4 triệu người.

Thị trường hàng hóa gặp thách thức mới

Chỉ số giá hàng hóa thế giới trải qua phiên giảm thứ 6 liên tiếp, trong đó ngày thứ Sáu (26/11) biến động cực mạnh, trong đó giá năng lượng và kim loại (gồm cả kim loại quý và kim loại công nghiệp) lao dốc mạnh, chỉ được bù đắp một phần bằng giá một số nông sản tăng. Hầu hết các thị trường hàng hóa phiên này đều rung chuyển sau thông tin phát hiện ra biến mới của virus Covid.

Về nguyên nhân giá năng lượng và kim loại giảm trong phiên 26/11, ngoài do sức mạnh của đồng USD trong thời gian gần đây thì có một nguyên nhân quan trọng khác là những động thái đóng cửa nền kinh tế liên quan đến Covid-19 từ khắp các nước Châu Âu, và nguy cơ suy thoái kinh tế ở Trung Quốc – nước tiêu thụ nguyên liệu thô hàng đầu thế giới.

Mức độ biến động giá hàng hóa nguyên liệu trong tuần qua.

Các nhà đầu tư trở nên thận trọng, tháo chạy khỏi các tài sản có độ rủi ro cao. Điều đó giúp giá vàng hồi phục sau khi giảm mất 70 USD vào đầu tuần qua. Sự đảo ngược mạnh mẽ của giá vàng diễn ra vào thứ Sáu (26/11) sau thông tin về virus biến thể mới, giúp giá vàng bật lên trên 1.800 USD trong nửa đầu phiên giao dịch. Ngoài việc bán thanh lý kéo dài đã tạo ra không gian cho những người mới tham gia mua vàng vào , sự phục hồi của giá vàng còn được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn, khi các đồng tiền điện tử giảm hơn 10% chỉ trong một phiên.

Từ góc độ kỹ thuật, các nhà phân tích cho rằng giá vàng cần phải vượt qua một dải kháng cự, bắt đầu từ 1.816 USD, và chỉ cần bứt phá lên trên 1.840 USD sẽ báo hiệu động lực hồi phục đủ mạnh để kích hoạt một chu kỳ tăng mới lên trên 1.877 USD.

Tuy nhiên, về cuối phiên 26/11, giá vàng hạ nhiệt do bị tác động bởi xu hướng giảm giá chung của thị trường hàng hóa. Lo ngại về virus biến thể mới đã gây áp lực giảm giá đối với hàng loại kim loại công nghiệp và bạch kim trong phiên này.

Trước đó, trong gần suốt tuần qua, giá vàng sụt giảm sau khi mất mốc kỹ thuật quan trọng 1.830 USD kích hoạt hoạt động bán tháo từ các quỹ đầu cơ.

Phần lớn triển vọng giá vàng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các loại vắc-xin hiện tại có chứng minh được hiệu quả chống lại chủng virus mới hay không, nghĩa là kinh tế thế giới có thể tránh được nguy cơ một đợt suy giảm mới hay không.

Giá dầu thô lao dốc sau một tuần diễn biến đầy ‘kịch tính’, đầu tuần đón nhận thông tin Mỹ phối hợp với một số nền kinh tế lớn khác giải phóng kho dầu dự trữ chiến lược – động thái làm dấy lên lo ngại về một cuộc ‘phản công’ từ nhóm OPEC+, những nước sẽ nhóm họp trong ngày 2/12 để lên kế hoạch sản xuất cho tháng 1/2022 và sau đó.

Liên minh OPEC + gọi việc các nước giải phóng kho dầu dự trữ chiến lược là "không hợp lý" trong điều kiện hiện tại và do đó nhóm này có thể chọn giải pháp giảm mức tăng sản lượng trong tương lai – hiện đang cung cấp ở mức gần 12 triệu thùng mỗi tháng.

Phân tích kỹ thuật cho thấy giá dầu đã phá vỡ ngưỡng 77,85 USD thì rất ít khả năng quay lại mức thấp 74,75 USD.

Với những biến động của giá dầu như vừa qua, điều duy nhất mà các nhà giao dịch dầu có thể yên tâm là trong quá khứ giá dầu thường gia tăng biến động và có mức thanh khoản thấp vào những tuần cuối năm.

Nhìn chung, các nhà phân tích duy trì quan điểm giá dầu sẽ tăng trong dài hạn, mặc dù hiện tại có thể bị ngừng tăng trong vài tháng, hoặc vài quý, bởi có thể phải đối mặt với khả năng các nhà đầu tư và các chuyên gia dầu mỏ giảm hứng thú đối với các dự án lớn, một phần vì không chắc chắn về triển vọng dài hạn của mặt hàng dầu mỏ, nhưng một phần nữa cũng bởi những hạn chế mà các ngân hàng áp dụng đối với các khoản cho vay để khai thác dầu, thay vào đó là tập trung cho các dự án chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Riêng thị trường nông sản có vẻ tương đối miễn nhiễm với virus biến thể mới cũng như những biến động của các thị trường. Chỉ số giá nông sản của Bloomberg hiện đạt mức cao nhất 7 năm, dẫn đầu là giá cà phê và các nông sản chủ chốt như lúa mì, ngô và đậu tương.

Có những lý do riêng thúc đẩy giá nông sản tăng mạnh gần đây, song có một điểm chung là thời tiết năm nay khó khăn và triển vọng sản lượng vụ mới cũng không thuận lợi do hiện tượng thời tiết La Nina, nhu cầu tăng vọt sau đại dịch Covid-19 dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị bóp nghẹt, sự thiếu hụt lao động hoặc gián đoạn nguồn cung lao động do Covid-19, và mới đây nhất là chi phí sản xuất tăng do giá phân bón và chi phí nhiên liệu như dầu diesel tăng.

Ngày 2 tháng 12, FAO của Liên Hiệp Quốc sẽ công bố Chỉ số giá lương thực hàng tháng, dự kiến sẽ đạt mức cao mới chưa từng có kể từ 10 năm trở lại đây trong tháng 11 này.

Ngoài cà phê, mặt hàng có hiệu suất cao nhất trong tuần qua là quặng sắt. Mặc dù giá khoáng sản này giảm trong ngày 26/11 nhưng đã tìm lại được đà hồi phục sau đợt sụt giảm gần đây do những dấu hiệu cho thấy ngành thép Trung Quốc đang tăng tốc trở lại, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với sắt thép.

Tham khảo: Saxo, Refinitiv

virus biến thể

Theo Nhịp sống kinh tế

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020