- Văn Lâm cảm thấy thế nào khi trở lại đội tuyển Việt Nam, sau hai đợt lỡ hẹn trước đó?
Tôi luôn coi được lên đội tuyển quốc gia là niềm tự hào và vinh dự với cá nhân và gia đình. Phong độ và sức khoẻ của tôi ổn để cùng đội chuẩn bị cho hai trận quan trọng gặp Philippines và Iraq.
- Sự xuất hiện cùng lúc của Văn Lâm và thủ môn Việt kiều khác là Filip Nguyễn nhận được nhiều sự chú ý về sự cạnh tranh. Cá nhân Lâm thì nghĩ thế nào?
Filip Nguyễn là thủ môn đẳng cấp trở về từ châu Âu, từng thi đấu ở Europa League. Anh ấy có nhiều kinh nghiệm. Nhiều người cũng tò mò về cuộc gặp gỡ giữa tôi với Filip, vì chúng tôi cùng là Việt kiều lại trạc tuổi nhau. Nhưng mọi thứ đơn giản hơn mọi người nghĩ. Chúng tôi cùng cống hiến những gì tốt nhất cho đội tuyển, còn sự cạnh tranh là điều bình thường ở mọi đội bóng. Dù HLV trưởng quyết định như nào thì vẫn phải tôn trọng, cố gắng giữ không khí vui vẻ cho toàn đội.
Chúng tôi mới có hai ngày tập cùng nhau nên chưa có nhiều thời gian trao đổi, mà sẽ dần dần chia sẻ kinh nghiệm. Bản thân tôi có nhiều câu hỏi cho Filip về sự nghiệp ở châu Âu, giống như những thứ tôi học được ở bên Nhật Bản.
Đặng Văn Lâm (trái) và Filip Nguyễn trong buổi tập của đội tuyển Việt Nam chiều 2/6. Ảnh: Hiếu Lương
- Vậy hai năm khoác áo Cerezo Osaka (năm 2021-2022) đã cho Lâm những bài học gì, dù chỉ chơi hai trận?
Tôi may mắn có cơ hội thi đấu ở Thái Lan và Nhật Bản, dù không có cơ hội thi đấu nhiều. Nhưng hai năm ở Nhật Bản là thời gian chất lượng nhất trong sự nghiệp. Tôi được sống trong môi trường đẳng cấp thế giới, hàng ngày theo dõi họ chuẩn bị cho buổi tập ra sao, sau tập làm gì,... từ đó giúp tôi lên tầm cao mới. Tôi thấy hai năm ở Nhật Bản giúp tôi kéo dài sự nghiệp thêm ít nhất ba năm.
Thật khó để đánh giá bản thân ở mức nào. Tôi chỉ cảm nhận không thể nào đạt được đỉnh cao nếu chỉ đứng im một chỗ mãi. Bóng đá thay đổi hang năm nên quan trọng là luôn học hỏi, tiếp thu cái mới thì mới giữ được phong độ lâu dài. Ở Việt Nam, nhiều cầu thủ duy trì phong độ đến năm 36, 37 tuổi. Tôi cố gắng hỏi bí quyết từ các anh, nhìn cầu thủ chuyên nghiệp để học hỏi.
Buổi tập cùng đội chỉ có hai tiếng còn thời gian ở nhà nhiều, nên phải tự học cố gắng chăm sóc bản thân. Cầu thủ chuyên nghiệp cũng có 24 tiếng mỗi ngày. Việc ngủ sớm, dậy sớm cũng là cách giữ sức khoẻ bên cạnh ăn uống đúng chất và hồi phục.
- Lâm nghĩ sao khi ngày càng nhiều cầu thủ Việt kiều về cống hiến cho bóng đá Việt Nam?
Đó là điều đáng mừng cho bóng đá Việt Nam, ĐTQG. Cầu thủ Việt kiều cần thời gian hoà nhập lối chơi lẫn cuộc sống ở Việt Nam. Nếu vượt qua được giai đoạn đó, tôi tin họ sẽ thành công. Tôi mong cầu thủ Việt kiều giúp bóng đá Việt Nam phát triển.
Đặng Văn Lâm bắt chính trận Cerezo Osaka thắng Guangzhou 5-0 ở vòng bảng AFC Champions League 2021. Ảnh: AFC
- Anh đã gặp và vượt qua những khó khăn ra sao?
Tôi được đào tạo ở lò đào tạo danh tiếng Spartak Moscow của Nga từ năm chín tuổi, đến 18 tuổi là hết thời gian đào tạo. Nếu không được ký hợp đồng thì cầu thủ phải tự tìm CLB khác. Một năm trước khi tốt nghiệp, tôi viết trên áo lót chữ "Việt Nam". Tôi cảm thấy tự tin hơn khi mặc nó và có suy nghĩ sẽ về Việt Nam thi đấu. Tôi cũng hiểu bên Nga nhiều thủ môn giỏi nên sự cạnh tranh cao.
Tôi xin bố cho về Việt Nam thử việc năm 2010, trước khi tìm các CLB ở Nga. Bố cũng nghĩ con trai tốt nghiệp ở lò đào tạo danh tiếng thì sẽ kiếm việc. Nhưng như mọi người biết, thời gian đầu của tôi ở Việt Nam không đơn giản chút nào. Khi mới về, tôi chưa nói sõi tiếng Việt, không hiểu được suy nghĩ, văn hoá người Việt. Môi trường bóng đá khác so với những gì tôi trải qua ở Nga, từ cơ sở vật chất, các buổi tập,... Tôi mất nhiều thời gian thích nghi, hoà nhập, nhưng luôn nghĩ trong mình có dòng máu Việt Nam để vượt qua và có được ngày hôm nay.
Tôi cố gắng học hỏi đồng đội, gia đình bên nội và càng ngày học được nhiều điều. Tôi nể phục sự chăm chỉ, chịu khó, chịu khổ của cầu Việt nói riêng và người Việt nói chung.
- Vai trò của gia đình như thế nào trong sự nghiệp của Văn Lâm?
Bố mẹ tôi không biết gì về bóng đá vì xuất thân làm nghệ thuật. Bố mẹ chỉ động viên đam mê, hỗ trợ tôi ra sân, chuẩn bị quần áo hồi mới gia nhập Spartak Moscow. Bố mẹ cho tôi rất nhiều, luôn ủng hộ đam mê và là động lực lớn nhất để tôi thành công. Gia đình luôn ủng hộ tôi dù thắng hay thua, gặp chuyện gì cũng bên cạnh động viên.
- Mục tiêu tương lai của anh là gì?
Tôi chưa có chức vô địch nào cấp CLB. Sự nghiệp chắc còn dài nên tôi luôn khao khát có danh hiệu ở CLB.
Tôi cuốn vào công việc từ khi về Việt Nam rồi ra nước ngoài thi đấu. Khi từ Nhật về năm 2022, tôi chợt nhớ mình đã 30 tuổi. Ngoài bóng đá cũng còn cuộc sống sau này, tôi cũng nghĩ về lập gia đình.
- Cảm ơn Văn Lâm về cuộc phỏng vấn.
Đặng Văn Lâm sinh năm 1993, có tên tiếng Nga là Lev Shonovich Dang, sinh ra trong gia đình có bố mẹ là vũ công múa ba lê. Mẹ anh là bà Olga Zhukova, còn bố là Đặng Văn Sơn – em sinh đôi với NSND Đặng Văn Hùng nổi tiếng trong ngành múa Việt Nam. Chị họ Văn Lâm là "thiên nga làng múa Việt" Đặng Linh Nga. Văn Lâm đang là thủ môn hàng đầu của bóng đá Việt Nam tám năm qua. Anh là thủ môn số một ĐTQG từ năm 2018, vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và vòng loại ba World Cup 2022. Đến cuối năm 2023, Filip Nguyễn có quốc tịch Việt Nam tạo nên sự cạnh tranh ở khung gỗ đội tuyển. Trước khi thành công, Văn Lâm cũng trải qua quãng thời gian chật vật tìm chỗ đứng ở bóng đá Việt Nam. Văn Lâm được đào tạo trẻ ở hai lò danh tiếng của Nga là Spartak Moscow và Dinamo Moscow. Năm 2010, anh về Việt Nam gia nhập HAGL, rồi được cho CLB Hoàng Anh Attapeu mượn năm 2012, rồi quay trở lại hai CLB hạng thấp ở Nga là Duslar và Rodina Moscow. Năm 2015, Văn Lâm trở lại Việt Nam gia nhập Hải Phòng. Anh mất hơn một năm để chiếm suất bắt chính ở đội bóng đất cảng. Năm 2019, anh đem về cho Hải Phòng 500.000 USD khi gia nhập CLB Thái Lan Muangthong United, rồi năm 2021 trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên gia nhập J-League 1 trong màu áo Cerezo Osaka. Tháng 8/2022, Văn Lâm trở lại Việt Nam thi đấu cho Bình Định đến nay. |
Trung Thu