Chuyên mục  


Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, giới chuyên gia bắt đầu lo ngại Kaliningrad có thể trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Moskva với châu Âu.

Đây là lãnh thổ cực tây của Nga và là phần duy nhất của đất nước được bao quanh bởi các quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Kaliningrad giáp Biển Baltic ở phía tây, Litva ở phía bắc và Ba Lan ở phía nam.

Nỗi lo ngại của giới chuyên gia trở thành sự thật từ tuần trước, khi Litva tuyên bố đóng cửa tuyến đường sắt từ Nga đến Kaliningrad từ ngày 18/6, nhằm ngăn Moskva vận chuyển một số hàng hóa nằm trong danh sách trừng phạt của EU như máy xây dựng, công cụ cơ khí, các thiết bị công nghiệp, than, kim loại và một số mặt hàng xa xỉ phẩm tới vùng lãnh thổ hải ngoại này.

Ngày 20/6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói động thái "chưa từng có" này là bất hợp pháp, cảnh báo sẽ có các biện pháp trả đũa Litva. Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, nói "các cơ quan liên quan đang thảo luận biện pháp đáp trả và sẽ sớm thực hiện trong tương lai gần". Ông thêm rằng các biện pháp trả đũa sẽ có tác động nghiêm trọng đến người dân Litva.

Một nhân viên hải quan Nga tại cảng ở Kaliningrad. Ảnh: Reuters.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm nay tuyên bố biện pháp đáp trả Litva "không dừng ở lĩnh vực ngoại giao, mà mang tính thực tiễn", nhưng không nêu chi tiết.

Trước lệnh cấm vận chuyển của Litva, Dmitry Lyskov, đại diện chính quyền Kaliningrad, đã phải kêu gọi cư dân không hoản loạn tích trữ hàng hóa. Ông tuyên bố các sản phẩm nằm trong lệnh cấm của Litva sẽ được Nga vận chuyển bằng đường biển tới Kaliningrad. Trong khi đó, Litva củng cố an ninh liên quan đến các đoàn tàu chở hàng của mình.

Hồng quân Liên Xô giành được Konigsberg, với diện tích hơn 15.000 km2, từ Đức Quốc xã vào tháng 4/1945 và sau đó biến khu vực này thành một phần lãnh thổ nhờ Hiệp định Postdam. Vùng đất này được đổi tên thành Kaliningrad để vinh danh nhà cách mạng Mikhail Kalinin.

Trong nhiều thập kỷ sau đó, Kaliningrad được quân sự hóa mạnh mẽ và đóng cửa với người nước ngoài. Nhưng những năm gần đây, Kaliningrad đã trở thành một điểm du lịch mới nổi và từng là nơi tổ chức các trận đấu trong giải World Cup 2018 mà Nga đăng cai.

Vùng lãnh thổ hải ngoại này của Nga có dân số khoảng một triệu người, phần lớn sống trong hoặc gần thủ phủ cùng tên. Kaliningrad là một trong những khu vực thịnh vượng của Nga với ngành công nghiệp phát triển. Cảng Baltiysk là bến cảng cực tây trên lãnh thổ Nga và không bị đóng băng suốt cả năm.

Tuy nhiên, ý nghĩa của Kaliningrad với Nga nằm ở vị trí chiến lược trên bản đồ. Giữa Kaliningrad và Belarus, một đồng minh thân cận với Nga, có một dải đất hẹp mang tên "Hành lang Suwalki", cắt ngang Ba Lan và Litva. Hành lang này là tuyến liên kết trên bộ duy nhất giữa ba nước vùng Baltic, gồm Litva, Latvia và Estonia, với phần còn lại của EU.

Kaliningrad cũng là nơi đặt sở chỉ huy Hạm đội Baltic Nga. RIA Novosti ngày 20/6 đưa tin hạm đội này đã bắt đầu tập trận tên lửa và pháo binh với sự tham gia của khoảng 1.000 binh sĩ và hơn 100 khí tài.

Năm 2002, EU và Moskva từng đạt thỏa thuận về đi lại giữa Nga và Kaliningrad, trước khi Ba Lan và Litva gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2004. Khi các nước này gia nhập EU, ba mặt của vùng lãnh thổ hải ngoại Nga đều là lãnh thổ EU. Nga cho rằng điều này đã vi phạm thỏa thuận năm 2002.

Tầm quan trọng của Kaliningrad càng trở nên lớn hơn với Nga khi Thụy Điển và Phần Lan muốn gia nhập NATO. Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, hồi tháng 5 nói kế hoạch gia nhập liên minh của Phần Lan và Thụy Điển đồng nghĩa "có thể sẽ không còn tình trạng phi hạt nhân hóa ở Baltic", thêm rằng thế cân bằng phải được khôi phục.

Nga từ lâu đã phản đối hiện diện quân sự của các nước NATO xung quanh Kaliningrad. "Họ đã đưa cơ sở hạ tầng NATO tới sát biên giới chúng tôi", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói hồi năm 2015, sau khi có nhiều thông tin rằng Moskva đã triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến Kaliningrad. "Và đây không phải lãnh thổ của Mỹ".

Nga không thừa nhận họ có vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad, nhưng vào năm 2018, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ kết luận rằng Moskva đã hiện đại hóa một boongke chứa vũ khí hạt nhân trong khu vực, dựa trên phân tích ảnh vệ tinh.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Litva đã kêu gọi NATO tăng cường triển khai quân tới lãnh thổ của nước này. Hồi tháng 4, Tổng thống Gitanas Nauseda nói Tiểu đoàn Tiền phương Tăng cường của NATO phải được nâng cấp thành lữ đoàn, cũng như kêu gọi củng cố khả năng bảo vệ hành lang Suwalki.

Vị trí hành lang Suwalki và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Đồ họa: ESRI.

Căng thẳng mới nhất giữa Nga và Litva khiến nhiều người lo ngại kịch bản Moskva có thể mở cuộc tấn công vào nước láng giềng từ hướng Belarus, tiến quân dọc theo Hành lang Suwalki và gây ra đụng độ quân sự trực diện với NATO.

Giới chuyên gia nhận định Hành lang Suwalki là điểm nghẽn dễ bị tấn công nhất của NATO ở khu vực sườn phía đông của tổ chức, nơi chỉ có hai tuyến đường bộ và một tuyến đường sắt đi qua.

Khi xung đột xảy ra, quân đội Nga đóng tại Kaliningrad và Belarus có thể kiểm soát Hành lang Suwalki, cắt rời ba nước vùng Baltic với các thành viên còn lại của NATO. Quân đội Nga không nhất thiết phải điều lực lượng chiếm giữ Hành lang Suwalki, mà chỉ cần triển khai hỏa lực ngăn NATO điều quân tăng viện cho các quốc gia Baltic qua ngả đường này. Kịch bản này khiến Kaliningrad từng được ví như "con dao kề cổ họng" NATO.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 21/6 cho biết Washington khẳng định sẽ thực thi Điều 5 của NATO, trong đó quy định bất cứ cuộc tấn công nào vào một quốc gia thành viên của khối sẽ là đòn tấn công vào tất cả và buộc NATO đáp trả. Price cũng tuyên bố Mỹ sát cánh cùng Litva.

Tuy nhiên, Taz Ali, nhà phân tích của INews, cho rằng bất chấp những lời đe dọa của Nga, kịch bản này khó xảy ra, vì nó sẽ khiến Moskva rơi vào xung đột trực diện với liên minh quân sự mạnh bậc nhất thế giới. Thay vào đó, Nga nhiều khả năng sẽ gây áp lực chính trị và kinh tế đối với Litva để nước này dỡ lệnh cấm, theo Ali.

"Chúng tôi không quá lo lắng về các mối đe dọa từ Nga", Laurynas Kasciunas, chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Litva, nói. "Điện Kremlin có rất ít lựa chọn trả đũa". Ông khẳng định phản ứng quân sự của Nga "rất khó xảy ra" vì Litva là một thành viên của NATO.

Dù vậy, Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho rằng những nỗ lực của Nga nhằm đe dọa Litva cũng đặt ra thách thức đối với cả NATO và EU.

"Điều quan trọng là phải duy trì lập trường ổn định và không nhượng bộ Nga về các lệnh trừng phạt hay hạn chế vận chuyển hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad. Bất kỳ nhượng bộ nào cũng sẽ bị Nga coi là điểm yếu", Yermak viết trên Telegram.

Thanh Tâm (Theo CNN, INews, Guardian)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020