Chuyên mục  


Đức đang trở thành một trong những nước phản đối gay gắt nhất nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tịch thu số tài sản hơn 330 tỷ USD của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng tại phương Tây sau khi nước này phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Berlin lo ngại nỗ lực tịch thu tài sản đóng băng như vậy có thể tạo ra tiền lệ, thúc đẩy các nước khác làm theo và chống lại Đức vì những gì đã xảy ra trong Thế chiến II. Đức chỉ ủng hộ sử dụng lợi nhuận từ số tài sản bị đóng băng để chuyển cho Ukraine.

Trong số tài sản bị đóng băng của Nga, Liên minh châu Âu (EU) đang nắm giữ khoảng 229 tỷ USD, hầu hết nằm tại công ty dịch vụ tài chính Bỉ Euroclear.

Yêu cầu bồi thường về tổn thất trong Thế chiến II đã đeo bám Đức suốt nhiều thập kỷ, thậm chí đôi khi khiến quan hệ với các nước láng giềng căng thẳng. Sau Thế chiến II, Berlin phải trả tiền bồi thường chiến tranh cho phe Đồng minh và Liên Xô. Kể từ năm 1952, Đức trả hơn 90 tỷ USD cho những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust và gia đình của họ, theo các tổ chức Do Thái.

Các yêu cầu bồi thường gần đây tiếp tục xuất hiện. Ba Lan, quốc gia bị Đức Quốc xã xâm lược và chiếm đóng trong suốt Thế chiến II, đề nghị Berlin bồi thường 1.300 tỷ USD kể từ năm 2022, trong khi Hy Lạp từ năm 2019 yêu cầu hơn 300 tỷ USD.

Đức cho biết vấn đề bồi thường đã giải quyết xong với các khoản thanh toán hậu chiến tranh và hiệp ước về biên giới năm 1990. Liên Xô và Mỹ đã ký hiệp ước, song Ba Lan, Hy Lạp và Italy không tham gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga hồi năm 2011. Ảnh: AFP

Năm 2004, khi Ba Lan gia nhập EU, Berlin đồng ý không ủng hộ những yêu sách chống lại Warsaw từ hàng triệu người Đức. Đổi lại, Ba Lan từ bỏ yêu cầu đòi bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề lại một lần nữa được phía Ba Lan đưa ra vào năm ngoái.

"Khi nhắc tới những kẻ hành quyết, nạn nhân, sự trừng phạt và đau khổ, chúng tôi không chỉ khơi gợi lại những ký ức hay sự thật. Chúng tôi yêu cầu được bồi thường", thủ tướng Ba Lan khi đó Mateusz Morawiecki nói trong dịp kỷ niệm 84 năm cuộc xâm lược của Đức hồi tháng 9/2023.

Tòa án ở Italy trong những năm gần ra phán quyết yêu cầu các khoản bồi thường cho gia đình những nạn nhân trong thời kỳ bị chiếm đóng. Một số tòa án nước này thậm chí nỗ lực tịch thu tài sản của Đức, gồm bất động sản ở Italy vốn thuộc về trường học, tổ chức văn hóa, lịch sử và khảo cổ học của Đức. Berlin đã kiện Rome lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và đang chờ xử lý.

Berlin lập luận rằng luật pháp quốc tế cấm cá nhân đưa ra yêu sách chống lại các nước tại tòa án quốc tế, đồng thời cho rằng tài sản nhà nước không thể bị tịch thu. Berlin thêm rằng vi phạm nguyên tắc này trong trường hợp của Nga sẽ làm suy yếu vị thế pháp lý lâu dài của Đức.

Ba Lan nhận được rất ít tiền bồi thường sau Thế chiến II. Đức đã trả 270 triệu USD cho các yêu cầu bồi thường cá nhân ở Ba Lan, sau khi tàn phá đất nước này và khiến 5-6 triệu người chết, khoảng 3 triệu trong số đó là người Do Thái.

Chính phủ Ba Lan từ bỏ yêu cầu bồi thường với Đông Đức vào năm 1953. Tuy nhiên, vấn đề được khơi lên lần nữa sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Thủ tướng Đức Helmut Kohl khi đó tìm cách gắn việc từ bỏ yêu cầu bồi thường với công nhận biên giới sau chiến tranh của Ba Lan, gồm những vùng đất từng thuộc về Đức. Ông Kohl cuối cùng phải từ bỏ nỗ lực này vì áp lực quốc tế và trong nước.

Andreas Rodder, giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Johannes Gutenberg ở Mainz, Đức, nói rằng các yêu cầu bồi thường của Italy và Ba Lan là có cơ sở. Song các đời chính phủ Đức đã liên tiếp phạm sai lầm khi từ chối tìm cách thỏa hiệp, khiến vấn đề ngày càng căng thẳng.

"Đức mặc định rằng vấn đề đã được giải quyết và cố tình tránh né nó suốt nhiều thập kỷ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Hy Lạp và Ba Lan nói rằng vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm", Rodder nói.

Berlin lập luận rằng tài sản bị đóng băng của Nga nên được giữ nguyên để sử dụng làm đòn bẩy trong đàm phán hòa bình và khiến Moskva phải nhượng lại một số phần lãnh thổ đang kiểm soát cho Kiev.

Slawomir Debski, người đứng đầu Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Ba Lan (PISM) ở Warsaw, cho biết một động lực khác khiến Berlin từ chối tịch thu tài sản của Moskva có thể là nhằm bảo vệ các công ty nước này ở Nga không bị trả đũa. Nhóm Leave Russia, tổ chức vận động các công ty phương Tây rời thị trường Nga, cho biết 272 công ty Đức vẫn hoạt động ở đó.

Bart Szewczyk, làm việc tại công ty luật Covington của Mỹ và từng làm cố vấn cho Ủy ban châu Âu, nói rằng những lo ngại của Berlin về nguy cơ tạo tiền lệ bồi thường là không chính đáng.

"Logic của các biện pháp đang được đề xuất rõ ràng chỉ áp dụng cho những hành vi hiện tại, chứ không phải là những gì xảy ra từ cách đây 80 năm", ông nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, chuyên gia về luật, không sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Trong nội bộ G7, những bất đồng cũng xuất hiện. Mỹ đề xuất nhóm sẽ chi trước cho Ukraine 10 năm lợi nhuận từ tài khoản đóng băng của Nga. Số tiền này đóng vai trò tài sản thế chấp cho loại trái phiếu phát hành nhằm giúp Ukraine bán và huy động tiền. Các nước G7 sẽ là bên đảm bảo cho các trái chủ.

Tổng thống Joe Biden tuần này ký ban hành luật cho phép Washington có thể tịch thu tài sản Nga thuộc thẩm quyền của Mỹ, quốc gia hiện giữ 5-6 tỷ USD tài sản của Moskva.

"Chúng tôi đang xem xét loạt khả năng khác nhau từ tịch thu tài sản đến sử dụng chúng làm tài sản thế chấp", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói tuần trước.

Mỹ lập luận rằng theo luật pháp quốc tế, các quốc gia có thể thực hiện những biện pháp đối phó không theo quy định của luật pháp để chống lại một quốc gia vi phạm nghĩa vụ quốc tế của họ. Trong khi các luật sư và nhà hoạch định chính sách nói rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine chính là hành động "vi phạm nghĩa vụ quốc tế", họ vẫn tranh cãi về việc có nước nào khác ngoài Ukraine được quyền áp dụng biện pháp trái luật để đối phó với hành vi này hay không.

Các quan chức Mỹ ban đầu lo ngại tịch thu tài sản Nga có thể khiến Washington tự "lấy đá ghè chân mình" và đồng minh như Israel. Mỹ sau đó cho rằng chỉ những nước bị ảnh hưởng trực tiếp như nhóm ủng hộ chính và viện trợ quốc phòng cho Ukraine, hoặc các nước có thể bị đe dọa an ninh, mới có quyền tịch thu tài sản Nga.

Tuy nhiên, Nhật Bản, thành viên G7 và là quốc gia từng đối mặt nhiều yêu cầu bồi thường từ các nước láng giềng, có chung lập trường với Đức và phản đối ý tưởng này. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề với các đối tác G7.

Pháp, Italy và Ngân hàng trung ương châu Âu cũng do dự, lo ngại việc tịch thu tài sản Nga có thể ảnh hưởng tới niềm tin quốc tế đối với đồng euro và tài sản của khu vực sử dụng đồng tiền chung.

Châu Âu có kế hoạch riêng là sử dụng lãi từ số tiền bị đóng băng để mua vũ khí và tài trợ tái thiết cho Ukraine. Điều đó có nghĩa kế hoạch có thể tiến hành sớm, dù các quan chức EU nói rằng châu Âu có thể tham gia kế hoạch của Mỹ vào năm 2025.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia ngày 14/1. Ảnh: Reuters

Lập trường khác biệt của các nước phương Tây có nguy cơ đe dọa nỗ lực sử dụng tài sản đóng băng Nga để hỗ trợ Ukraine. Mỹ và Anh cho rằng thành công của nỗ lực là rất quan trọng đối với khả năng chiến thắng của Kiev, song ý tưởng sẽ khó có thể thúc đẩy nếu không nhận được ủng hộ rộng rãi.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Moskva bác bỏ khả năng đổi các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát lấy tài sản bị phong tỏa.

"Tôi không biết ai tuyên bố cái gì, nhưng tài sản không thể dùng để đổi lãnh thổ. Chúng tôi không bán quê hương của mình. Và tài sản của Nga cũng là bất khả xâm phạm, nếu không hành vi trộm cắp của phương Tây sẽ vấp phản ứng gay gắt. Nhiều người phương Tây đã nhận ra điều này, song thật tiếc không phải là tất cả họ", bà viết trên Telegram.

Các công ty phương Tây có tài sản bị Nga quốc hữu hóa gồm Fortum của Phần Lan, Uniper của Đức và Carlsberg của Đức. "Tài sản đóng băng mà chúng tôi có không ít hơn phương Tây", Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói.

"Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Nga quyết chơi tới cùng, khi xung đột Ukraine đã khiến nước này cắt đứt hầu hết các quan hệ chính trị và kinh tế với phương Tây", Elina Ribakova, giám đốc Chương trình Các vấn đề quốc tế kiêm phó chủ tịch về chính sách đối ngoại tại Trường Kinh tế Kiev, nói.

Thanh Tâm (Theo WSJ, Reuters, Euronews, Al Mayadeen)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020