Chuyên mục  


e8f4e887-c33f-4a98-b205-37917a0a-1-17356180727821203927638.jpg

Hiện trường vụ tai nạn máy bay thương tâm khiến 179 người thiệt mạng - Ảnh: YONHAP

Ngày 29-12, chuyến bay mang số hiệu 7C 2216 của Hãng hàng không Jeju Air khai thác bằng máy bay thân hẹp Boeing 737-800 khi trở về từ Thái Lan đã gặp nạn tại sân bay quốc tế Muan, khiến 179 trên tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng, biến đây trở thành thảm kịch hàng không tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử Hàn Quốc.

Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đến nay vẫn đang được điều tra.

Tuy nhiên những giả thuyết xoay quanh thiết kế thiếu an toàn của sân bay Muan, thiếu nhân sự cảnh báo chim trời hay bức tường bê tông nằm sai chỗ đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận về sự thật đằng sau thảm kịch này.

Máy bay Jeju Air giảm được thiệt hại nếu đường băng dài hơn?

Một trong những vấn đề quan trọng của sân bay quốc tế Muan mà nhiều người nghi ngờ chính nó đã góp phần dẫn đến việc máy bay gặp nạn là chiều dài đường băng của sân bay khá ngắn, chỉ 2,8km - ngắn hơn so với hầu hết các sân bay quốc tế.

Theo báo Chosun Daily, để so sánh, các đường băng tại sân bay quốc tế Incheon dài 3,75km, trong khi các sân bay Gimpo, Gimhae và Jeju đều có đường băng dài hơn 3km.

Các sân bay quốc tế lớn như JFK ở New York và Charles de Gaulle ở Paris thường có đường băng dài hơn 4km.

2024-12-30t130035z227027218rc2nzbaluym5rtrmadp3southkorea-crash-17356185407151397059501.jpg

Hình ảnh vệ tinh sân bay Muan trước khi vụ tai nạn xảy ra - Ảnh: REUTERS

"Chiều dài đường băng hiện tại về cơ bản đủ cho các hoạt động thường ngày nhưng có thể gây rủi ro trong các tình huống khẩn cấp như hạ cánh bằng bụng", ông Kim Kyu Hwan, giám đốc Trung tâm đào tạo hàng không của Tập đoàn sân bay Hàn Quốc (KAC) cho biết.

Theo ông Kim In Kyu, trưởng Trung tâm đào tạo bay của Đại học Hàng không Hàn Quốc, mặc dù chiều dài đường băng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tai nạn, nhưng nếu có đường băng dài hơn, nó sẽ có thể đã làm giảm mức độ nghiêm trọng của sự cố.

Va chạm với chim 

Giả thuyết ban đầu cho rằng va chạm với chim đã làm hỏng động cơ vận hành bộ càng hạ cánh của máy bay, dẫn đến cú hạ cánh bằng bụng thảm khốc.

Tuy nhiên một số chuyên gia lại tỏ ra hoài nghi trước giả thuyết này, báo Guardian ngày 31-12 cho biết.

"Máy bay va chạm với chim lẽ ra là một sự kiện có thể sống sót… Nó không nên dẫn đến kết quả như những gì chúng ta đã thấy", tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cao cấp về thiết kế hàng không tại Đại học New South Wales, giải thích, đồng thời cho biết việc máy bay va chạm với chim trời rất phổ biến và nó đã được tính đến trong thiết kế của các máy bay hiện đại.

gettyimages-497721394-1735618266242963704278.jpg

Việc máy bay va chạm với chim trời không phải là điều hiếm gặp - Ảnh: AFP

Giáo sư Doug Drury, một phi công kỳ cựu có kinh nghiệm bay trong cả hàng không dân dụng, quân sự và các chuyến bay thuê tư nhân trong suốt sự nghiệp của mình, đồng ý rằng va chạm với chim không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tai nạn

"Va chạm với chim ở một động cơ sẽ không gây thất bại hoàn toàn lên toàn bộ hệ thống bay. Bạn vẫn có thể bay chiếc Boeing 737 bằng một động cơ", ông khẳng định.

Nhân lực không đảm bảo?

Vào thời điểm xảy ra sự cố, chỉ có một thành viên trong Đội cảnh báo chim (BAT), thường được gọi là "Batman", đang làm nhiệm vụ, khiến nhiều câu hỏi được đặt ra về việc liệu số lượng nhân viên và các quy trình hoạt động có đủ hay không, báo Korea Times đưa tin.

Các đơn vị BAT thường sử dụng vũ khí và các biện pháp xua đuổi để đuổi chim khỏi khu vực sân bay và liên lạc trực tiếp với tháp điều khiển khi phát hiện đàn chim.

Theo nhật báo Hàn Quốc Hankook Ilbo, vào khoảng 8h57 - 8h59 sáng 29-12, thời điểm được nghi ngờ là máy bay đã va chạm với chim, chỉ có một thành viên BAT làm việc.

Điều này trái ngược với các tuyên bố trước đó của Trung tâm Ứng phó thảm họa và An toàn trung ương của chính phủ, cho rằng hai thành viên BAT đã có mặt trong ngày hôm đó.

Khi được hỏi, một quan chức sân bay đã xác nhận rằng chỉ có một thành viên BAT đang làm việc vào thời điểm máy bay va chạm với chim.

Từ lâu nay đội BAT của sân bay Muan đã có số lượng nhân viên ít hơn so với các sân bay với cùng quy mô. Ví dụ, các sân bay Cheongju và Daegu, các trung tâm lớn tại miền trung và đông nam Hàn Quốc, mỗi sân bay đều có tám thành viên BAT, gấp đôi số lượng tại Muan.

Mặc dù số vụ va chạm với chim xảy ra ở Hàn Quốc tăng từ 91 vụ vào năm 2019 lên 130 vụ trong năm ngoái, nhưng sân bay Muan lại không nằm trong kế hoạch tăng cường nhân lực cho đội BAT.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020