Mảnh vỡ còn sót lại của máy bay Jeju Air tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc (ảnh chụp ngày 30-12) - Ảnh: Reuters
Các sự cố và tai nạn máy bay trong năm 2024 diễn ra liên tục, trên cả máy bay thương mại, máy bay cá nhân, chuyên cơ của chính khách với nguyên nhân đa dạng từ lỗi kỹ thuật, sai sót con người đến thời tiết xấu...
Ngành hàng không "họa vô đơn chí"
Ngày 2-1, hàng không thế giới "giật mình" bởi vụ va chạm hy hữu giữa một máy bay thương mại Airbus A350 của Japan Airlines và máy bay của lực lượng tuần duyên Nhật Bản tại sân bay Haneda.
Toàn bộ 379 hành khách trên chiếc Airbus đều an toàn, trong khi năm trên sáu người có mặt trên máy bay tuần duyên thiệt mạng. Khi ấy ít ai ngờ được đây chỉ là khởi đầu cho một năm đầy biến động của hàng không quốc tế.
Giây phút hành khách hoảng loạn, nháo nhào thoát khỏi máy bay bốc cháy ở Nhật Bản
Ngày 5-1, thế giới một lần nữa ngạc nhiên khi máy bay Boeing 737 MAX-9 của Alaska Airlines hạ cánh khẩn cấp trong tình trạng... thủng một lỗ lớn giữa thân. Rất may vụ tai nạn không gây thiệt hại nào về người.
Quá trình điều tra cho thấy sơ suất trong quá trình bảo dưỡng đã khiến cửa máy bay bị bung ra giữa độ cao hàng nghìn mét.
Liên tiếp sau đó, một loạt sự cố kỹ thuật liên quan đến máy bay Boeing xảy ra trên toàn thế giới. Nhẹ thì bánh xe của càng đáp rơi ngay sau khi cất cánh, nặng hơn thì động cơ bốc cháy phừng phừng giữa trời.
Ngày 11-3, một chiếc Boeing 737 của LATAM Airlines gặp sự cố kỹ thuật và đột ngột mất cao độ khiến 50 hành khách bị thương do va chạm mạnh với trần máy bay.
Bên cạnh lỗi kỹ thuật, điều kiện thời tiết cũng dẫn đến không ít vụ tai nạn đáng tiếc. Ngày 19-5, trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và nhiều quan chức nước này rơi khi bay qua địa hình hiểm trở trong điều kiện sương mù dày đặc, khiến toàn bộ hành khách tử vong.
Ngày 21-5, máy bay Boeing 777 của Singapore Airlines gặp hiện tượng nhiễu động không khí nặng khiến một hành khách tử vong và 30 người khác bị thương. Đến ngày 22-8, một máy bay cỡ nhỏ Cessna Grand Caravan 208B rơi ngay sau khi cất cánh từ một sân bay ở Bangkok (Thái Lan). Toàn bộ chín người trên máy bay thiệt mạng.
Những sự cố hàng không quốc tế đối mặt trong năm 2024 không chỉ diễn ra trên không. Ngày 19-7, hàng không quốc tế tê liệt sau khi bản cập nhật phần mềm bảo mật do Hãng CrowdStrike cung cấp "giật sập" hệ thống máy tính tại nhiều sân bay. Sự cố khiến hơn 5.000 chuyến bay toàn cầu bị hủy trong ngày đầu tiên và hàng chục nghìn chuyến bay khác bị ảnh hưởng trong những ngày tiếp theo.
Vận rủi của hàng không thế giới kéo dài đến tận những ngày cuối năm. Ngày 25-12, máy bay của Hãng Azerbaijan Airlines lao thẳng xuống một sân bay ở Kazakhstan khiến 38 người thiệt mạng.
Phương Tây và Azerbaijan cho rằng máy bay trên bị hệ thống phòng không Nga bắn nhầm ở vùng chiến sự Nga - Ukraine. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời xin lỗi về vụ tai nạn nhưng không thừa nhận giả thuyết "đạn lạc" trên.
Ngày 29-12, thế giới nhận thêm một cú sốc khi máy bay Boeing 737-800 của Hãng Jeju Air hạ cánh bằng bụng xuống sân bay Muan (Hàn Quốc), đâm vào tường bao sân bay và phát nổ khiến 179 trên 181 người trên máy bay thiệt mạng. Nguyên nhân ban đầu được cho là động cơ và bộ phận đáp của máy bay bị hư hỏng do trúng chim trời.
Tâm điểm Boeing
Một trong những tâm điểm của chuỗi sự cố trên chính là trách nhiệm của hãng sản xuất máy bay Boeing.
Sau nhiều tuần thanh tra toàn bộ dây chuyền sản xuất máy bay Boeing 737 MAX, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) phát hiện đến 97 trường hợp vi phạm quy định an toàn.
Boeing trượt tổng cộng 33 trên 89 hạng mục kiểm tra sản phẩm. Kết quả trên phơi bày sự buông lỏng trong kiểm soát chất lượng sản phẩm của Boeing và văn hóa ưu tiên lợi nhuận được công ty này duy trì trong nhiều năm.
Đứng trước những phát hiện này, FAA đã lệnh cho hãng sản xuất máy bay từ Mỹ giảm đáng kể công suất sản xuất máy bay và vạch ra kế hoạch chi tiết khắc phục những sai sót trên.
Quá trình sửa sai của Boeing khởi đầu bằng việc "thay máu" thượng tầng lãnh đạo công ty. Ngày 25-3, Boeing thông báo về sự ra đi của một loạt vị trí quản lý cấp cao công ty, bao gồm giám đốc điều hành, chủ tịch hội đồng quản trị và lãnh đạo mảng máy bay thương mại.
Dù tích cực nỗ lực khắc phục, rắc rối không thôi bủa vây Boeing. Ngày 13-9, khoảng 33.000 thợ máy tại các nhà máy Boeing ở Bờ Tây nước Mỹ đồng loạt đình công để yêu cầu tăng lương và phúc lợi.
Cuộc đình công kéo dài bảy tuần, gần như gián đoạn hoàn toàn dây chuyền sản xuất các dòng chủ lực Boeing 737 MAX và dòng thân rộng 767, 777. Ước tính chỉ trong bốn tuần đầu tiên, cuộc đình công đã khiến Boeing mất đến 5 tỉ USD.
Tất cả những sự cố trên diễn ra trong bối cảnh ngành sản xuất máy bay toàn cầu đang khủng hoảng nghiêm trọng. Airbus - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Boeing - chưa giải quyết được những khó khăn về chuỗi cung ứng và không thể đảm bảo giao hàng đúng hạn.
Nếu không có bước đột phá nào, hàng không dân dụng quốc tế vẫn sẽ chật vật với tình trạng khan hiếm máy bay trong năm 2025.
Máy bay vẫn là phương tiện an toàn
Từ lâu hàng không đã được biết đến là hình thức đi lại an toàn nhất với tỉ lệ tai nạn cực kỳ thấp. Bất chấp những sự cố hàng không liên tiếp trong năm 2024, mệnh đề này vẫn không thay đổi.
Ngày 29-12, báo USA Today dẫn lời Hội đồng An toàn quốc gia Mỹ cho biết số người tử vong do máy bay ở Mỹ là quá nhỏ để có thể tính toán một tỉ lệ chính xác. Trong khi đó cứ 93 trường hợp qua đời ở Mỹ thì có một trường hợp là do tai nạn phương tiện cơ giới đường bộ.
Theo FAA, mỗi ngày Hệ thống không phận quốc gia Mỹ điều phối lên đến 2,9 triệu chuyến đi lại an toàn trên không và con số trên còn cao hơn gấp nhiều lần trên phạm vi thế giới. Tuy nhiên những sự cố trong năm 2024 vẫn là hồi chuông cảnh tỉnh các cơ quan liên quan cần rà soát và tăng cường hoạt động kiểm soát an toàn bay trong thời gian tới.