Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đến thăm Matxcơva, Nga hồi tháng 7 - Ảnh: ĐIỆN KREMLIN
Tổng thống Syria tới Matxcơva tị nạn, phe đối lập Syria đảm bảo an toàn cho các phái bộ ngoại giao
Ngày 8-12, Hãng tin TASS dẫn thông tin từ Điện Kremlin cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện có mặt ở thủ đô Matxcơva của Nga và đã được Nga cấp quy chế tị nạn.
Nguồn tin nói: "Ông Assad cùng các thành viên gia đình đã tới Matxcơva. Nga đã cấp quy chế tị nạn cho họ vì lý do nhân đạo".
Cũng theo TASS, các nguồn tin ngoại giao từ hai quốc gia Ả Rập tiết lộ phe đối lập vũ trang Syria đã cam kết đảm bảo an toàn cho các phái bộ ngoại giao tại Damascus, thành phố hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của họ.
"Lãnh đạo phe đối lập đã bảo đảm an toàn cho các phái bộ ngoại giao. Hiện tại các đại sứ quán vẫn được duy trì quy chế bất khả xâm phạm, nhưng tình hình ở Syria đang thay đổi nhanh chóng. Chúng tôi khó có thể dự đoán diễn biến tiếp theo" - một nguồn tin cho biết.
Trước đó, đại diện Đại sứ quán Nga tại Damascus thông báo các nhân viên của phái bộ vẫn đang ở lại thủ đô của Syria. Theo người này, các nhà ngoại giao Nga "vẫn an toàn". Các nguồn tin của TASS tại các nước Ả Rập không thể xác nhận liệu phe đối lập Syria đã liên lạc với các đại sứ quán Nga và Iran hay chưa.
Mỹ hợp tác với các đối tác ở Syria để quản lý rủi ro sau khi ông Assad bị lật đổ
Ngày 8-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ hợp tác với các đối tác và các bên liên quan tại Syria để giúp nắm bắt cơ hội đã xuất hiện sau khi phe nổi dậy lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, theo Hãng tin Reuters.
"Cuối cùng, chế độ Assad đã sụp đổ" - ông Biden bình luận về một loạt sự kiện diễn ra nhanh chóng ở Syria.
Ông đánh giá Syria đang phải đối mặt với giai đoạn "rủi ro và bất ổn" và Mỹ sẽ hỗ trợ bất cứ khi nào có thể. "Khi tất cả chúng ta chuyển sang câu hỏi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác của mình và các bên liên quan tại Syria để giúp họ nắm bắt cơ hội quản lý rủi ro" - ông Biden nói.
Sáng sớm 8-12, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang dẫn đầu liên minh phiến quân Syria, thông báo bắt đầu tiến vào thủ đô Damascus của Syria.
Vài giờ sau, các tay súng kiểm soát toàn bộ thủ đô Damascus, trong đó có trụ sở đài truyền hình và phát thanh của Syria. Liên minh phiến quân thông báo "thành phố Damascus nằm trong tay chúng tôi" và "Tổng thống Bashar al-Assad đã bị lật đổ".
Khói bốc lên sau khi phe nổi dậy tuyên bố đã lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus, Syria ngày 8-12 - Ảnh: REUTERS
Iran nói ông Assad chưa bao giờ cầu viện Tehran
Theo Hãng tin AFP, ngày 8-12 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định ông Assad "chưa bao giờ yêu cầu" Tehran hỗ trợ chống lại lực lượng nổi dậy vừa chiếm quyền kiểm soát Damascus.
Ông Araghchi tuyên bố trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia: "Chúng tôi chưa bao giờ được yêu cầu hỗ trợ. Quân đội Syria có trách nhiệm chống lại đợt tiến công của phe nổi dậy".
Đại sứ quán Syria ở Matxcơva hạ quốc kỳ
Ngày 8-12, quốc kỳ Syria đã bị gỡ xuống khỏi cột cờ bên ngoài đại sứ quán nước này ở Matxcơva.
Hãng tin TASS cho biết vào đầu ngày, lá cờ này vẫn còn tung bay. Hãng tin này dẫn lời nhân viên đại sứ quán cho biết cơ quan này vẫn sẽ hoạt động bình thường trong ngày 9-12.
Tuy nhiên, họ không cung cấp lời giải thích về sự mất tích của quốc kỳ Syria.
Ukraine nói Syria phơi bày điểm yếu của Nga
Ngày 8-12, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố việc ông Assad bị lật đổ phơi bày điểm yếu của Nga, cũng như việc nước này không thể chiến đấu cùng lúc trên hai chiến trường.
Thông cáo của bộ này nêu: "Những sự kiện ở Syria cho thấy điểm yếu của chế độ (Tổng thống Nga Vladimir) Putin, vốn không thể chiến đấu cùng lúc trên hai chiến trường và đã bỏ rơi những đồng minh thân cận nhất, chỉ để tiếp tục theo đuổi tấn công Ukraine".
Trong khi đó, Tổng cục Tình báo (HUR) thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine khẳng định trên Telegram rằng lực lượng quân đội Nga ở Syria "đã rút tàu chiến khỏi căn cứ hải quân Tartous".
Mỹ vẫn đang "liên lạc tốt và thường xuyên" với Hàn Quốc sau vụ ban bố thiết quân luật
Theo Hãng tin Yonhap, ngày 8-12, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn đang "liên lạc tốt và thường xuyên" với các đối tác Hàn Quốc sau vụ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật, đồng thời nhấn mạnh hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc là ưu tiên chính sách hàng đầu.
Vị quan chức đưa ra bình luận này trong bối cảnh xuất hiện lo ngại rằng tình hình chính trị bất ổn sau vụ ban bố và dỡ bỏ thiết quân luật ở Hàn Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phối hợp an ninh giữa Seoul và Washington trong bối cảnh các mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên đang gia tăng.
Philippines đạt bước tiến quan trọng về năng lượng hạt nhân
Theo TTXVN, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa hoàn tất đợt đánh giá về tiến trình xây dựng chương trình năng lượng hạt nhân của Philippines, ghi nhận những tiến bộ đáng kể của quốc gia này trong việc phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân.
Mehmet Ceyhan, trưởng đoàn đánh giá IAEA, nhận xét: "Philippines đã mở rộng thành phần Tổ chức thực hiện Chương trình Năng lượng hạt nhân lên 24 tổ chức, với tất cả các tiểu ban liên quan đang tích cực tham gia thực hiện các hoạt động liên quan. Điều này cho thấy mức độ cam kết của Philippines trong việc tiến hành chương trình điện hạt nhân của họ".
Theo IAEA, Philippines đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, bao gồm: soạn thảo và thúc đẩy luật hạt nhân toàn diện tiến tới ban hành, hoàn thành đánh giá về phát triển nguồn nhân lực; khung pháp lý; bảo vệ phóng xạ; quản lý chất thải phóng xạ, tăng cường năng lực ứng phó khẩn cấp, xây dựng chính sách và chiến lược trong các lĩnh vực liên quan.
Bộ Năng lượng Philippines đã công bố lộ trình phát triển năng lượng hạt nhân vào tháng 9-2024, với mục tiêu vận hành thương mại các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2032. Công suất ban đầu dự kiến đạt ít nhất 1.200 megawatt (MW) và sẽ tăng dần lên 4.800 MW vào năm 2050.
Bếp ăn cộng đồng ở Gaza
Những người Palestine phải di dời vì xung đột Israel - Hamas đang nhận viện trợ thực phẩm từ một bếp ăn cộng đồng địa phương tại trại Al-Shati, phía tây thành phố Gaza, Dải Gaza hôm 7-12 - Ảnh: XINHUA