Chuyên mục  


Tháng 3/2003, Ahmed Hussein al-Shara lên xe buýt ở thủ đô Damascus, Syria, băng qua sa mạc để đến Baghdad, háo hức tham gia vào sứ mệnh chống lại chiến dịch quân sự của Mỹ sắp diễn ra ở Iraq.

Khi trở về nhà vào năm 2011, sau 5 năm bị giam trong nhà tù do Mỹ quản lý ở Iraq, al-Shara trở thành sứ giả cho thủ lĩnh sáng lập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi. Al-Shara đặt chân về Syria với những chiếc túi đầy tiền mặt, cùng nhiệm vụ đưa phong trào cực đoan này ra toàn cầu.

Với nhiệm vụ này, al-Shara đã thành lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang Hồi giáo ban đầu bị Mỹ và Nga coi là tổ chức khủng bố vì có liên hệ với cả IS lẫn al-Qaeda. Người đàn ông này cũng bắt đầu sử dụng bí danh Abu Mohammed al-Jawlani thay cho tên thật.

Năm 2012, HTS cắt quan hệ với IS, rồi đoạn tuyệt với al-Qaeda năm 2016 và quay sang đối đầu với cả hai tổ chức trên trong các chiến dịch đẫm máu. HTS tham gia liên minh nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trở thành một trong những nhóm vũ trang lớn nhất ở Syria, với mục tiêu chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Ahmed Hussein al-Shara, thủ lĩnh nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Ảnh: PSB

Ngày 27/11, al-Shara, 42 tuổi, dẫn đầu lực lượng HTS tiến vào Aleppo, thành phố lớn thứ hai Syria, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc nội chiến ở Syria. Sau nhiều năm hoạt động bí mật, với chiến dịch tấn công bất ngờ vào Aleppo, Shara nổi lên là thủ lĩnh quyền lực của nhóm vũ trang mạnh nhất Syria.

"Mục tiêu của chúng tôi vẫn là lật đổ chính phủ. Chúng tôi có quyền sử dụng mọi phương thức sẵn có để đạt được mục tiêu này", al-Shara nói với CNN chiều 6/12.

Chỉ hai ngày sau, al-Shara đạt được mục đích, khi HTS cùng các nhóm đồng minh tiến vào thủ đô Damascus, buộc Tổng thống Assad phải chạy ra nước ngoài, chính phủ Syria sụp đổ.

Chiến thắng bất ngờ và nhanh chóng của phiến quân ngay lập tức tạo ra một cơn địa chấn mới tại Trung Đông vốn đã nhiều hỗn độn. Dù vậy, không giống nhiều nhóm cực đoan khác, HTS dưới sự lãnh đạo của al-Shara đã trở thành một lực lượng ôn hòa, kỷ luật hơn, với lý tưởng hòa trộn giữa chủ nghĩa Hồi giáo với chủ nghĩa dân tộc.

Shara khẳng định sẽ không can thiệp vào tình hình các nhóm dân thiểu số tại Syria và không ủng hộ các cuộc tấn công "mượn danh Hồi giáo" tại nước ngoài. Khi HTS tiến vào Damascus, al-Shara yêu cầu các tay súng dưới quyền "khiêm nhường và ứng xử nhẹ nhàng với người dân".

"Các thành viên phải bảo vệ và canh gác cơ quan công quyền lẫn tài sản công. Chúng thuộc sở hữu của người dân Syria và các bạn là người bảo vệ họ", thủ lĩnh HTS nói.

Sau cuộc tiến công vào Aleppo, thay vì phát động đợt tàn sát đẫm máu chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số, al-Shara đã ra lệnh bảo vệ những người theo đạo Thiên chúa và người Shiite, đồng thời yêu cầu các thành viên không được có hành động trả thù.

Cho đến nay, chưa có thông tin nào về các vụ thảm sát ở Aleppo và HTS đã cho phép các lực lượng người Kurd bị bao vây trong thành phố rời đi mà không bị tổn hại.

Trong thập kỷ qua, HTS dưới sự lãnh đạo của al-Shara đã thoát khỏi tư tưởng truyền thống lâu nay của các nhóm cực đoan Hồi giáo trong khu vực là gây chiến với phương Tây và Mỹ. Thay vào đó, HTS đã điều hành chính quyền riêng tại tỉnh Idlib, miền bắc Syria từ năm 2015, thành một lực lượng có kỷ luật tốt, tập trung hoàn toàn vào Syria và không hướng đến mục tiêu "hủy diệt phương Tây".

Các tay súng HTS ở thành phố Aleppo, miền bắc Syria, hôm 30/11. Ảnh: AFP

Lực lượng HTS chọn cờ hiệu là quốc kỳ Syria có từ thời nước cộng hòa tồn tại trước cuộc cách mạng của đảng Baath năm 1963, thời điểm gia tộc Tổng thống Assad lên nắm quyền.

"Ngay từ khi thành lập, HTS đã tuyên bố rằng họ không có mục tiêu toàn cầu, họ chỉ tập trung vào Syria, muốn chiến đấu ở Syria và đó chính là sự khác biệt về bản chất của họ với các nhóm vũ trang khác", Dareen Khalifa, cố vấn cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, người đã nhiều lần gặp al-Shara tại Syria, cho hay.

Khalifa cho rằng giới lãnh đạo HTS thực dụng và ít mang tính ý thức hệ hơn. Theo chuyên gia này, al-Shara không phải là một giáo sĩ, mà là một chính trị gia sẵn sàng thỏa hiệp về nhiều thứ, nhưng luôn kiên định với mục tiêu chống lại chính quyền Syria.

Dù vậy, HTS vẫn bị Mỹ xác định là một tổ chức khủng bố và Washington đã đưa ra mức tiền thưởng 10 triệu USD cho bất kỳ thông tin nào giúp bắt al-Shara.

Tuy nhiên, Mỹ chưa thực sự nhắm mục tiêu vào al-Shara hoặc các chỉ huy cấp cao khác của HTS kể từ khi ông ta tuyên bố gần một thập kỷ trước rằng không muốn trở thành kẻ thù của Washington.

Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Donald Trump, al-Shara và HTS đã tìm kiếm một thỏa thuận giúp xóa tên nhóm khỏi danh sách khủng bố.

"Họ đã học được cách tham gia cuộc chơi", Alberto Miguel Fernandez, phó chủ tịch Viện nghiên cứu Truyền thông Trung Đông, cựu điều phối viên truyền thông chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, bình luận. "Họ vẫn có cái mà chúng ta gọi là hệ tư tưởng cực đoan, nhưng họ không phải là những kẻ cực đoan ngu ngốc. Họ là những thành phần cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc. Al-Shara biết ông ta phải điều chỉnh lập trường của mình, chẳng hạn, đối với các nhóm thiểu số, vì đây là thứ sẽ khiến phương Tây chỉ trích ông ta".

Khi được hỏi trong một cuộc họp với Nhóm Khủng hoảng Quốc tế vào năm 2020 về những tay súng nước ngoài này, al-Shara đã khẳng định họ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai bên ngoài Syria.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với chương trình "Frontline" của kênh PBS tại Idlib, al-Shara cho hay ông ta không hối hận khi ăn mừng vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ hay về việc chống lại quân đội Mỹ ở Iraq.

"Nếu không có Mỹ, sẽ không có phong trào phản kháng nào cả", ông nói về cuộc chiến Iraq. "Bất kỳ ai sống ở thế giới Hồi giáo hoặc Arab vào thời điểm đó mà bảo bạn rằng họ không vui về cuộc tấn công ngày 11/9 thì đều là dối trá. Nhưng mọi người chắc chắn hối tiếc vì đã giết những người vô tội".

Sau khi HTS kiểm soát hoàn toàn thủ đô Damascus, al-Shara cho hay lực lượng của ông chưa tiếp quản các cơ quan công quyền. "Những cơ quan này tiếp tục nằm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali tới khi chính thức được bàn giao", al-Shara cho biết.

Đây là dấu hiệu cho thấy HTS đã có một chiến lược bài bản để tiếp quản quyền lực một cách trật tự. Al-Shara nhiều khả năng sẽ áp dụng mô hình chính quyền mà ông đã xây dựng ở Idlib để cai quản toàn bộ đất nước Syria.

"Đến nay, ông ấy là người quyền lực nhất ở Syria", Jerome Drevon, chuyên gia về xung đột hiện đại tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhấn mạnh.

Cục diện Syria. Đồ họa: Aljazeera

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020