Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin TASS, chia sẻ với người trẻ tại thành phố Gaziantep ngày 8-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định trên thế giới chỉ còn hai nhà lãnh đạo thực thụ.
Ông Erdogan tuyên bố: "Hiện tại trên thế giới chỉ còn hai người (có kinh nghiệm) còn tại nhiệm trong số các nhà lãnh đạo thế giới. Đó là tôi và ông Putin. Tôi không nói điều này vì có tôi trong đó, nhưng tôi đã giữ vị trí lãnh đạo được 22 năm, gần lâu bằng ông Putin.
Những người còn lại đều đã nghỉ. Quá trình này vẫn đang diễn ra. Chúng tôi muốn những mối quan hệ vẫn được tiếp tục qua đối thoại. Việc kế tục chính trị rất quan trọng".
Ông Erdogan bắt đầu nắm quyền điều hành Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 trong vai trò thủ tướng. Khi ấy, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu giữ vai trò biểu tượng và thực quyền nằm trong tay người đứng đầu chính phủ.
Năm 2007, Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ sửa đổi cách bầu tổng thống từ quốc hội bầu sang thành dân bầu trực tiếp. Điều này khiến vị thế và tính chính danh của tổng thống được tăng cường. Năm 2014, ông Erdogan trở thành tổng thống dân cử trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ và tại nhiệm cho đến ngày nay.
Ông Erdogan củng cố luận điểm của mình bằng cách khẳng định chính trị Đức đã "kết thúc" từ sau sự rời đi của cựu thủ tướng Angela Merkel.
Ông lập luận: "Bà Merkel có một vị trí không thể thay thế trong chính trị Đức. Ví dụ, chính trị đã kết thúc ở nước này sau khi bà Merkel nghỉ. Tôi rất trân trọng Đức. Thực tế, tôi cho rằng nhà lãnh đạo mà tôi yêu thích chính là cựu thủ tướng Gerhard Schroder.
Sự tôn trọng mà ông ấy dành cho chúng tôi rất khác biệt và ông ấy thật sự là một nhà lãnh đạo tốt. Ví dụ, trong tháng lễ Ramadan, ông ấy không uống bia khi ngồi ăn cùng chúng tôi. Ông ấy cho thấy sự tôn trọng.
Đến ngày nay, chúng tôi vẫn đối thoại với ông Schroder và ông ấy vẫn thi thoảng đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi hy vọng chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chứng kiến những chính trị gia tương tự ông ấy".
Những tuyên bố trên ít nhiều đụng chạm đến Thủ tướng Đức đương nhiệm Olaf Scholz, người kế nhiệm bà Merkel. Nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bởi sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD. Tình hình kinh tế cũng không khả quan do tác động của hai cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông.
Điều này khiến tương lai chính trị của ông Scholz hiện khá mờ mịt khi Đảng Dân chủ xã hội (SPD) gần như cầm chắc phần thua trong cuộc bầu cử lập pháp sắp diễn ra ở nước này.