Chuyên mục  


nd24626-tong-thu-ky-nato-tuong-lai-mark-rutte-1719396723756183995606.jpeg

Tổng thư ký NATO tương lai Mark Rutte (trái) bắt tay với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm hồi năm 2019 - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Hãng tin AFP, ngày 26-6, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thống nhất việc bổ nhiệm Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm tổng thư ký tiếp theo của khối này.

Đôi tay tài giỏi cho NATO

Tổng thư ký hiện tại Jens Stoltenberg sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 1-10, và ông Rutte dự kiến đảm nhiệm công việc này sau đó một ngày.

Trước khi nhận nhiệm vụ tại Brussels, ông Rutte cũng sẽ rời bỏ ghế thủ tướng Hà Lan trong tháng 7, để nhường chỗ cho chính phủ mới của nước này.

Ông Stoltenberg phát biểu trên mạng xã hội sau khi việc biểu quyết được thông qua: "Tôi nhiệt liệt hoan nghênh việc các đồng minh NATO đã chọn ông Mark Rutte làm người kế nhiệm tôi.

Ông Mark là người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương đích thực, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và một người có khả năng kêu gọi sự đồng thuận. Tôi biết rằng tôi đang trao NATO vào đôi tay tài giỏi".

Với 14 năm lãnh đạo chính phủ, ông Rutte là thủ tướng có thời gian tại vị lâu nhất lịch sử Hà Lan. Ông cũng đang là lãnh đạo quốc gia lâu thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Sự nghiệp chính trị của ông Rutte nổi bật với khả năng vượt qua nốt bê bối này đến bê bối khác. Tuy nhiên, tháng 7-2023, ông Rutte tuyên bố rời chính trường Hà Lan, sau khi chính phủ liên hiệp do ông lãnh đạo tan rã vì khác biệt trong vấn đề nhập cư giữa các đảng thành viên.

Không lâu sau đó, ông Rutte tuyên bố mong muốn ứng cử làm tổng thư ký NATO. Về cơ bản, cuộc đua của ông kết thúc hồi tuần trước, sau khi Tổng thống Romania Klaus Iohannis, đối thủ cạnh tranh cuối cùng cho vị trí này, bỏ cuộc.

Người thì thầm với ông Trump

nd24626-thu-tuong-ha-lan-bat-tay-tong-thong-ukraine-1719396961652721556619.jpg

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trao đổi văn kiện cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh giữa hai nước hồi tháng 3 - Ảnh: AFP

Một trong những điểm nhấn trong ngoại giao của ông Rutte là danh hiệu "Người thì thầm với ông Trump". Điều này đến từ việc ông chính là người đã thuyết phục cựu tổng thống Mỹ Donald Trump không rút Washington khỏi NATO hồi năm 2018. Khi ấy, ông Trump bất bình về việc các thành viên NATO không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp của mình.

Ông Rutte sau đó tiếp tục gây sốc khi ống kính truyền hình bắt gặp cảnh ông thẳng thừng phủ nhận những tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ trong cuộc hội đàm với ông Trump tại phòng bầu dục. Đây là điều mà ít chính trị gia dám làm.

Tại Hội nghị an ninh Munich hồi tháng 2, ông Rutte tuyên bố châu Âu cần học cách làm việc với bất kỳ ai "trên sàn diễn": "Trong hai ngày qua, tôi liên tục phải nghe tiếng rên rỉ, than thở về ông Trump. Dừng việc đó lại đi".

Do đó, việc ông Rutte được bổ nhiệm hứa hẹn sẽ giúp NATO đương đầu tốt hơn với sự thất thường của ông Trump trong trường hợp ông quay lại Nhà Trắng.

Một trong những thách thức lớn nhất ông Rutte phải đối mặt trong cương vị lãnh đạo NATO sẽ là điều phối các nỗ lực hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga của khối này.

Ông Rutte hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt nhu cầu này, khi Chính phủ Hà Lan dưới sự dẫn dắt của ông là một trong những nước đi đầu trong việc viện trợ Ukraine.

Amsterdam là một trong những nước sớm nhất hứa tặng tiêm kích F-16 cho Ukraine, với những chiếc đầu tiên được bàn giao trong năm 2024.

Tổng thư ký NATO tương lai cũng có thái độ cứng rắn với Nga khi từng thẳng thắn nhận xét về ông Putin: "Đừng làm quá về ông Putin. Tôi từng trao đổi với ông ấy nhiều lần. Ông ta không phải người đàn ông mạnh mẽ".

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020