Năm 1996, Marcus Mitchell, 44 tuổi, doanh nhân người Anh, nghe lời Jean-Claude Lacote dụ dỗ đầu tư vào kinh doanh phụ tùng máy bay mà không hay biết hắn là kẻ chuyên lừa đảo.
Cùng với bạn gái tóc vàng Hilde Van Acker, Lacote lừa doanh nhân này đặt cọc 500.000 euro. Sau khi nhận ra bị mất tiền, Mitchell đến gặp Lacote để đòi, nhưng phải nhận hai phát đạn vào đầu, tháng 5/1996.
Thi thể Mitchell được những đứa trẻ phát hiện dưới cồn cát khi chúng đang chơi đùa ở De Haan, khu nghỉ dưỡng cao cấp trên bãi biển của Bỉ.
Các điều tra viên nhanh chóng phát hiện Mitchell thường xuyên liên lạc với Lacote và Van Acker qua điện thoại. Cuối năm 1996, Lacote và Van Acker bị bắt tại sân bay Charleroi.
Khi bị thẩm vấn, Lacote khai mình là "người cung cấp thông tin cho cơ quan mật vụ Pháp, MI5 của Anh và hải quan Đức". Chính quyền cho cả hai được bảo lãnh tại ngoại trong khi họ thu thập thêm bằng chứng.
Tuy nhiên, Van Acker và Lacote lập tức trốn khỏi Bỉ ngay khi có thể. Dù là đối tượng thông báo đỏ của Interpol, họ vẫn có thể trốn sang Mỹ, bí mật kết hôn vào năm 1998 và thành lập doanh nghiệp kinh doanh quần áo ở Miami, Florida.
Năm 1999, ba năm sau khi bỏ trốn, Lacote và Van Acker bị kết án vắng mặt ở Bỉ vì tội giết Mitchell.
Cặp đôi chạy trốn đến Brazil, sau đó là Nam Phi, thách thức mọi nỗ lực dẫn độ của chính quyền. Tại đây, Lacote làm việc trong lĩnh vực truyền hình, trở thành nhà sản xuất của loạt phim thực tế mang tên Duty Calls, gồm 10 tập, kéo dài từ năm 2000 đến 2003.
Chương trình theo chân những sĩ quan cảnh sát thực thụ để cho thấy cách họ "đối phó với những tên tội phạm bạo lực và hiện trường vụ án nguy hiểm".
Trong ảnh quảng cáo cho chương trình, Lacote tạo dáng bên xe cảnh sát trong trang phục kiểu cảnh sát. Hắn phối hợp với các sĩ quan hàng đầu từ đơn vị chống tham nhũng Scorpions của Nam Phi.
Jean-Claude Lacote chụp ảnh cho chương trình truyền hình Duty Calls. Ảnh: Independent
Theo đạo diễn của Duty Calls, Lacote luôn bác bỏ những tin đồn lan truyền về tội phạm đào tẩu. Hắn nói rằng đó là một trường hợp nhầm lẫn danh tính, mọi người tin tưởng vì thấy hắn không lẩn trốn, thậm chí tổ chức họp báo, nhận phỏng vấn và làm việc với cảnh sát.
Trong một cuộc phỏng vấn, Lacote phủ nhận giết Mitchell bằng cách nói dối: "Anh chàng này nợ tôi 500.000 euro. Tại sao tôi lại giết người nợ mình tiền?". Hắn bác bỏ ý kiến cho rằng mình đã lừa gạt hàng chục doanh nhân.
Lacote kết bạn với nhiều cảnh sát và nhân vật chính trị. Hắn tuyên bố đã được đào tạo thành biệt kích ở Pháp, sở hữu một lâu đài ở Scotland và dành một phần tài sản để mua ôtô giúp cảnh sát Nam Phi bắt nhiều tội phạm hơn.
Nỗ lực đầu tiên của Bỉ để đưa Lacote ra trước công lý là vào năm 1999, nhưng không có kết quả.
Duty Calls sau đó được chiếu ở châu Âu, xát muối vào vết thương của các nạn nhân khi thấy Lacote được tự do và tận hưởng cuộc sống như một ngôi sao và một triệu phú.
"Thật bất công", người vợ góa của Mitchell chia sẻ với The Independent. "Người đàn ông và người phụ nữ đó sống cuộc đời xa hoa dẫu đã giết chồng tôi và cha của các con tôi. Tôi thường xuyên tra Google tên hắn với hy vọng một ngày nào đó sẽ thấy tin tức hắn đang ở sau song sắt".
Năm 2003, sau khi chương trình kết thúc, Lacote bị cáo buộc chủ mưu vụ lừa đảo doanh nhân giàu có người Ireland, Noel Hanley, một lần nữa sử dụng chiêu trò mua máy bay.
Đang tìm cách mua bốn chiếc máy bay cho hãng hàng không mới, Hanley được giới thiệu với chủ một công ty tài chính ở Nam Phi tên Roger Wilcox - thực chất là tên giả của Lacote. Wilcox đề nghị cho ông vay 1,5 triệu bảng nhưng yêu cầu một khoản bảo đảm 1 triệu bảng. Doanh nhân đồng ý và trả tiền vào một tài khoản ngân hàng ở Nam Phi theo thỏa thuận.
Ngày 8/7/2003, nhóm Wilcox dùng giấy tờ giả mạo có chữ ký của Hanley để yêu cầu ngân hàng chuyển hết tiền ra khỏi tài khoản. Đến ngày 25/7/2003, 17 ngày sau, Hanley mới nhận ra tiền đã biến mất và Wilcox không còn tồn tại.
Hanley truy đuổi Lacote suốt ba năm. Ông thuê thám tử tư theo dấu Lacote tới một biệt thự bảy phòng ngủ ở Johannesburg (Nam Phi), thấy hắn sưu tập những chiếc Ferrari, di chuyển giữa các bữa tiệc và các cuộc họp kinh doanh.
Hanley cố gắng báo cáo Lacote với cảnh sát ở Nam Phi, nhưng họ tỏ ra không quan tâm. Bỉ đang nỗ lực dẫn độ Lacote, nhưng gặp khó khăn. Hanley quyết định tự giải quyết mọi việc.
Ông thuê luật sư đệ đơn lên tòa dân sự và nhận được lệnh đóng băng tài sản của Lacote, sau khi giải thích việc mình bị lừa ở Ireland như thế nào.
Trở lại Anh, Hanley truy lùng những đồng phạm của Lacote, khiếu nại với chính quyền rằng ông là nạn nhân của một vụ lừa đảo, thuyết phục được họ hành động.
Tháng 10/2007, doanh nhân người Anh tên Allan Cowen bị kết tội chuyển giao tài sản là tang vật. Tiền của Hanley đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng thuộc sở hữu của công ty dưới tên Cowen.
Trong phiên tòa xét xử Cowen ở Southwark, công tố viên cho biết số tiền chỉ giữ trong tài khoản một ngày trước khi ngân hàng nhận được chỉ thị qua fax từ Cowen yêu cầu chuyển tiền đến nhiều nơi. Trong đó, 700.000 bảng được chuyển đến một đại lý ôtô ở Đức để trả tiền mua xe Ferrari. Hàng nghìn bảng chuyển tới một phòng trưng bày nghệ thuật ở Canada và một đại lý vàng thỏi ở trung tâm London. Theo công tố viên, tất cả được thiết kế để rửa tiền.
Cowen bị kết tội sắp xếp hoặc tạo điều kiện cho việc mua lại tài sản là tang vật và tám tội chuyển giao tài sản là tang vật.
Ảnh truy nã Hilde Van Acker và Jean-Claude Lacote do Europol công bố. Ảnh: Telegraph
Tháng 2/2007, Lacote bị bắt tại Johannesburg vì nhiều tội gian lận và bị từ chối bảo lãnh vì có nguy cơ bỏ trốn. Hanley thúc đẩy việc buộc tội hắn, sau đó những nạn nhân khác cũng vào cuộc.
Một doanh nhân người Pháp tuyên bố bị lừa trong phi vụ tương tự. Một doanh nhân Nam Phi cho biết mất hàng triệu USD vì Lacote.
Trong khi chờ xét xử, vào tháng 2/2008, Lacote được đưa ra khỏi nhà tù và biến mất. Cán bộ quản giáo phải mất một tuần mới nhận ra hắn mất tích.
Video giám sát cho thấy Lacote được hai người đàn ông và hai phụ nữ ăn mặc như cảnh sát "đưa đi thẩm vấn để phục vụ điều tra". Một trong hai phụ nữ là Van Acker.
Tờ báo Nam Phi The Saturday Star phanh phui câu chuyện, buộc Cục Cải huấn phải xác nhận Lacote đã trốn thoát. Một cuộc điều tra nội bộ được tiến hành để xem liệu có "quan chức nào có thể đã thông đồng với những kẻ lừa đảo" hay không.
Hanley tức giận treo thưởng 170.000 euro cho bất kỳ ai có thông tin dẫn đến việc bắt lại Lacote và đưa hắn ra tòa.
Lúc này, Lacote và Van Acker đã chạy đến Bờ Biển Ngà. Họ sống ở đó một thập kỷ, sinh một con gái. Lacote điều hành hãng hàng không nhỏ được hỗ trợ bởi một doanh nhân người Lebanon và được tiếp cận giới chính trị cấp cao của Bờ Biển Ngà.
Năm 2011, cặp đôi bị tòa án thành phố Bruges (Bỉ) tuyên án chung thân vắng mặt. Năm 2012, họ bị kết án vắng mặt ở Pháp và Đức vì tội đe dọa giết người và lừa đảo.
Cảnh sát Bỉ biết tin một chiếc Ferrari và biệt thự bảy phòng ngủ ở Johannesburg liên quan đến Lacote được bán đấu giá vào năm 2013, nhưng không thấy dấu vết nào của cặp đôi.
Ngày 29/1/2016, Lacote và Van Acker, được truyền thông đặt biệt danh là "Cặp đôi ác quỷ", bị đưa vào danh sách truy nã gắt gao nhất của Europol. Van Acker là phụ nữ đầu tiên có tên trong danh sách này của Bỉ. Gia đình đổ lỗi cho Lacote khiến Van Acker lạc lối.
Đến ngày 21/11/2019, sau 23 năm trốn chạy, cặp đôi khét tiếng này mới bị bắt tại Bờ Biển Ngà với tên giả Stephane Lacote và Marlene Lacote Vacker.
Hilde Van Acker và Jean-Claude Lacote sau khi bị bắt tại Bờ Biển Ngà, năm 2019. Ảnh: Telegraph
Trong khi chờ dẫn độ về Bỉ, Van Acker thực hiện phỏng vấn với đài truyền hình VTM của Bỉ từ nhà tù. Cô ta nói cảm thấy nhẹ nhõm vì những năm tháng trốn chạy đã kết thúc. "Tôi đã mù quáng đi theo ai đó mà không biết mình đang làm gì. Lúc đó tôi thậm chí còn không biết bị kết tội giết người", Van Acker chia sẻ.
Cảnh sát Bỉ cho biết Lacote "là diễn giả tuyệt vời và rất có sức hút, có thể thuyết phục được bất cứ ai". Hồ sơ cảnh sát cho thấy Lacote đã lừa dối nhiều doanh nhân Thụy Sĩ và Canada theo cách tương tự với Hanley, thuyết phục các nạn nhân rằng mình có giá trị tài sản ròng khổng lồ bằng cách sử dụng máy bay phản lực và phô bày sự giàu có.
Phiên tòa xét xử cặp đôi bắt đầu vào ngày 5/3/2021. Lacote, 54 tuổi, quốc tịch Pháp và Van Acker, 57 tuổi, quốc tịch Bỉ, bị tòa án Bruges kết tội giết Mitchell, lần lượt nhận án 30 năm và 24 năm tù.
Tuệ Anh (Theo Independent, Telegraph, Thecurrency)