Chuyên mục  


Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump ngày 27/6 tham gia cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trong mùa bầu cử năm nay, đề cập đến các vấn đề xung đột Ukraine, Dải Gaza, quyền phá thai, nền kinh tế Mỹ và cả những vấn đề cá nhân.

Nhiều người kỳ vọng đây là cơ hội để ông Biden trấn an cử tri rằng ông vẫn đủ năng lực về thể chất và tinh thần để lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ lại xuất hiện trên sân khấu với giọng nói nhỏ, khàn, có vẻ hơi ngập ngừng, nhiều lần hắng giọng và có lúc nói nhịu ngay từ những phút đầu của cuộc tranh luận, thời điểm khán giả theo dõi chăm chú nhất.

nhung-diem-nhan-trong-cuoc-tranh-luan-cua-ong-trump-va-ong-b-1719558375.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GKXJKFrX5YG-NH7D03jHPA
Những điểm nhấn trong cuộc tranh luận của ông Trump và ông Biden

Ông Biden và ông Trump tranh luận hôm 27/6. Video: CNN, CBS News

Màn thể hiện của Tổng thống Biden đã khiến một số đảng viên Dân chủ thất vọng. Họ thậm chí còn kêu gọi ông nhường lại vị trí ứng viên của đảng cho người trẻ hơn. Ông chủ Nhà Trắng cũng thừa nhận đã thể hiện không tốt như mong đợi.

"Tôi không còn là một thanh niên trẻ, không nhanh nhẹn, nói năng lưu loát, tranh luận giỏi như xưa. Nhưng tôi biết cách nêu sự thật, phân biệt tốt xấu và đảm nhiệm công việc này. Tôi biết hàng triệu người dân Mỹ hiểu: khi vấp ngã, bạn sẽ đứng dậy", ông Biden phát biểu tại bang Bắc Carolina hôm 28/6, một ngày sau cuộc tranh luận.

Khi được hỏi ông Biden có rút khỏi cuộc đua hay không, Seth Schuster, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông, trả lời "Không".

Nhưng khảo sát do Morning Consult, một trong những đơn vị thăm dò dư luận hàng đầu của Mỹ, hôm 28/6 cho thấy 60% cử tri được hỏi cho rằng đảng Dân chủ "chắc chắn" hoặc "có thể" thay thế tư cách ứng viên của Tổng thống Biden.

Van Jones, nhà bình luận chính trị đảng Dân chủ của CNN, nói Tổng thống Biden "đã có cơ hội để khôi phục niềm tin, nhưng ông không làm được". "Chúng ta vẫn còn cách Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) khá xa. Giờ là lúc đảng Dân chủ tìm hướng đi khác, nếu ông Biden chấp nhận để chúng ta làm vậy", ông Jones nói.

Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận với ông Donald Trump ở Atlanta, Georgia ngày 27/6. Ảnh: AFP

DNC dự kiến diễn ra ngày 19-22/8 ở thành phố Chicago, bang Illinois. Ông Biden gần như chắc chắn được trao đề cử ứng viên tổng thống, do đã hội đủ sự ủng hộ trong vòng bầu cử sơ bộ. Tổng thống nhận được cam kết ủng hộ từ 99% trong tổng số gần 4.000 đại biểu các bang, cho thấy ông không có đối thủ nào đáng gờm.

DNC có các quy định cho phép đảng Dân chủ chọn ứng viên tổng thống mới, nhưng chỉ trong những trường hợp nhất định như ứng viên hàng đầu "qua đời, chủ động rút lui hoặc mất năng lực".

"Đơn giản nhất là ông Biden tự rời cuộc đua", Elaine Kamarck, thành viên Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, nói với Washington Post. "Đây không phải vấn đề được quy định trong hiến pháp, luật bang hay liên bang, mà chủ yếu là điều lệ nội bộ của đảng".

Các đại biểu dự đại hội đảng Dân chủ khi đó sẽ không còn giữ cam kết với ông Biden. Họ sẽ chọn ủng hộ một ứng viên khác trong "đại hội mở", tức có nhiều ứng viên cùng cạnh tranh vị trí đề cử. Tình huống này từng xảy ra tại DNC năm 1960, với 6 ứng viên tiềm năng. John F. Kennedy sau đó nhận được gần 53% sự ủng hộ và chiến thắng.

Nếu ông Biden từ chối rút lui, có thể sẽ xuất hiện một ứng viên thách thức Tổng thống và cố thuyết phục các đại biểu dự đại hội ủng hộ mình, Kamarck cho biết. Bất kỳ người thách thức nào cũng phải thu thập được chữ ký của 600 đại biểu, không quá 50 chữ ký từ một bang, vào đơn kiến nghị để được ghi danh ứng viên tại DNC.

Khi đại hội kết thúc, chiến dịch tranh cử tổng thống sẽ bước sang giai đoạn mới và việc thay ứng viên lúc này sẽ khó hơn.

Theo Kamarck, Chủ tịch đảng Dân chủ Jaime Harrison có thể triệu tập một phiên họp của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, lựa chọn ứng viên mới. Đảng Dân chủ từng làm vậy sau đại hội năm 1972, khi quyết định thay ứng viên phó tổng thống Thomas Eagleton do lo ngại về sức khỏe của ông.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại New York ngày 21/6. Ảnh: AFP

Kamarck lưu ý việc hối thúc Tổng thống Biden rời cuộc đua là khả thi, nhưng do thiếu một ứng viên đủ sức thay thế ông, kịch bản này khó thành hiện thực.

Phó tổng thống Kamala Harris có thể là lựa chọn để tiếp tục nỗ lực của Tổng thống Biden nếu đảng Dân chủ muốn thay ứng viên. Nhưng trong kịch bản này, bà Harris sẽ không tự động tiếp nhận đề cử từ ông Biden, mà vẫn phải được đa số đại biểu dự đại hội của đảng ủng hộ.

Các ứng viên tiềm năng khác, đã công khai ủng hộ ông Biden, gồm Thống đốc California Gavin Newsom, Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker, Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro và hạ nghị sĩ California Ro Khanna.

Các cựu ứng viên đảng Dân chủ năm 2020 có thể thử sức lần nữa, như thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ bang Minnesota Amy Klobuchar hay Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg.

Nếu ông Biden quyết định rời cuộc đua, các nhóm bảo thủ đã ám chỉ họ sẽ đệ đơn kiện khắp nước Mỹ, đặt câu hỏi về tính pháp lý của việc thay tên ứng viên đảng Dân chủ trên lá phiếu. Ngoài trở ngại pháp lý, việc thay ứng viên còn tạo ra rắc rối lớn về hậu cần và kỹ thuật, bởi hạn chót ghi danh ứng viên tại các bang có thể đã qua.

"Đảng Dân chủ đang ở tình thế rất khó khăn, vì không còn nhiều thời gian để thay đổi lựa chọn", Meena Bose, giám đốc Trung tâm Peter S. Kalikow về nghiên cứu tổng thống Mỹ, Đại học Hofstra, New York, trả lời CNBC.

Như Tâm (Theo AP, Washington Post)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020