Chuyên mục  


"Tôi và hàng xóm thỉnh thoảng có chào nhau, nhưng chỉ đến vậy. Nếu một trong những người hàng xóm của tôi qua đời, chắc tôi cũng không hay biết", Noriko Shikama, 76 tuổi, sống một mình tại căn hộ ở Tokiwadaira, vùng ven Tokyo, nói tại trung tâm hỗ trợ cộng đồng Iki Iki.

Bà đến trung tâm này để trò chuyện cùng nhiều người cao tuổi khác. Tại đây, họ và các tình nguyện viên thảo luận về những chủ đề như có nên nhuộm tóc đen không, hay gần đây là về các tin tức koritsushi (chết trong cô độc), tức "qua đời mà không ai biết và thi thể được tìm thấy sau một thời gian nhất định".

Cảnh sát Nhật Bản hồi tháng 5 công bố số liệu về koritsushi, ghi nhận gần 22.000 người qua đời tại nhà mà không ai biết trong ba tháng đầu năm, gần 80% số này trên 65 tuổi. Dựa theo số liệu này, Nhật Bản có thể ghi nhận tới 68.000 vụ koritsushi một năm.

Vài ngày trước, giới chức đã phát hiện thi thể một phụ nữ qua đời từ 5 tháng trước trong một căn hộ ở Tokiwadaira.

"Mùi rất khủng khiếp, gây ám ảnh cả đời", bà Shikana kể lại.

Một chiếc xe lăn bên ngoài lối lên căn hộ ở khu Tokiwadaira, vùng ven Tokyo. Ảnh: Guardian

Khi người dân bắt đầu đến sống ở khu Tokiwadaira cách đây 60 năm, những căn chung cư 4 tầng ở đây được coi là ngôi nhà trong mơ của các gia đình trẻ Nhật Bản trong giai đoạn phát triển kinh tế thần kỳ thời hậu chiến.

Khi đó, khu phố tràn ngập tiếng trẻ con cười đùa dưới bóng cây. Sáu thập kỷ sau, số lượng chung cư ở Tokiwadaira lên đến 170 tòa, tạo thành một trong những khu dân cư lớn nhất toàn quốc, nhưng có tới 54% cư dân trên 64 tuổi, 1.000 trong số 7.000 cư dân sống một mình.

"Nơi đây từng rất sôi động, nhưng giờ mọi người đều già hết", Aiko Oshima, phó chủ tịch hiệp hội cư dân Tokiwadaira, chuyển đến khu phố năm 1961, nói.

Khi Nhật Bản chật vật kiểm soát tình trạng già hóa dân số, ngày càng nhiều người phải trải qua những năm cuối đời trong cô độc. Nhật hiện có hơn 7 triệu người người trên 65 tuổi sống một mình, dự kiến tăng lên gần 11 triệu người vào năm 2050.

Theo điều tra dân số 2020, số hộ gia đình một người chiếm 38% tổng số hộ gia đình Nhật Bản, tăng 13,3% so với 5 năm trước. "Koritsushi chắc chắn sẽ tăng kể từ bây giờ, giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ tiên quyết", Bộ trưởng Y tế Keizo Takemi nói.

Tokiwadaira ghi nhận vụ Koritsushi lần đầu tiên cách đây hai thập kỷ, khi giới chức phát hiện thi thể của một người đàn ông đã chết ba năm trong căn hộ.

Tiền thuê nhà, hóa đơn của ông này được thanh toán tự động, mọi người chỉ phát hiện ra khi tiền tiết kiệm của ông cạn kiệt. "Không thể tưởng tượng nổi là có người sinh sống trong căn hộ đó", bà Oshima kể lại.

Một trong 170 tòa chung cư 4 tầng ở khu Tokiwadaira, vùng ven Tokyo. Ảnh: Guardian

Hàng loạt vụ Koritsushi nối tiếp đã thúc đẩy các cư dân trong khu phố hành động. Hiệp hội cư dân địa phương thiết lập đường dây nóng để hàng xóm có thể thông báo nhanh cho chính quyền. Năm 2004, hiệp hội phát động chiến dịch "không có người chết trong cô độc", trở thành hình mẫu cho các khu nhà ở lâu đời khác.

Năm nay, Tokiwadaira giới thiệu với người dân thiết bị giám sát kizuna, trang bị cảm biến xác nhận người ở trong căn hộ có chuyển động. Các đội tình nguyện cũng thường xuyên tuần tra, dựa vào nhiều dấu hiệu để nhận biết tình hình, như quần áo khô phơi lâu ngày trên ban công, hòm thư đầy hoặc đèn sáng liên tục.

Phó chủ tịch Oshima cho biết các chiến dịch này không loại bỏ hoàn toàn được những vụ Koritsushi. Khu phố vẫn ghi nhận một vài trường hợp mỗi năm, nhưng rất hiếm trường hợp đã chết từ nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm trước.

Bên ngoài trung tâm Iki Iki, các tình nguyện viên treo tranh ảnh khuyến khích mọi người ra ngoài, gặp gỡ hàng xóm, cũng như treo biểu đồ thể hiện lợi ích sức khỏe của việc đi bộ thường xuyên.

Các tình nguyện viên đến kiểm tra căn hộ của bà Yoko Kohama, đã sống một mình kể từ khi chồng mất 8 năm trước. Con chó cưng bà đã nuôi 18 năm cũng chết hồi năm ngoái.

Cụ bà 87 tuổi từng điều hành một cửa hàng mạt chược và một cửa hàng quần áo ở Tokyo, hiện dành cả ngày dùng máy tính bảng và làm món mơ muối umeboshi. Hàng tuần, bà chỉ ra ngoài chơi mạt chược, các buổi này cấm người chơi hút thuốc, uống rượu và đánh bạc.

"Tôi bị phổi mãn tính, không khỏe cho lắm. Tôi có khoản lương hưu khiêm tốn. Tôi không quen biết nhiều ở khu này", bà Kohama, không có con, nói. "Sẽ là nói dối nếu nói tôi không lo đến việc phải ra đi một mình. Nhưng chúng ta không thể chọn thời điểm và cách thức, tất cả tùy vào ông trời".

Cụ bà Yoko Kohama tại ban công căn hộ ở khu Tokiwadaira, vùng ven Tokyo. Ảnh: Guardian

Đức Trung (Theo Guardian)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020