Người dân Hàn Quốc biểu tình kêu gọi phế truất ông Yoon tại thủ đô Seoul chiều 7-12 (giờ địa phương) - Ảnh: AFP
Theo AFP, ngay trước cuộc bỏ phiếu về kiến nghị luận tội tổng thống, các ga tàu điện ngầm ở thủ đô Seoul đang chứng kiến giao thông đông đúc. Hơn 140 đơn vị cảnh sát đã được triển khai đến quận Yeouido, nơi tọa lạc tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc, báo Chosun Daily đưa tin.
Seoul Metro đã gửi đi tin nhắn cảnh báo các tàu điện ngầm đang di chuyển bỏ qua 2 ga gần tòa nhà quốc hội do tình trạng tắc nghẽn, theo Reuters.
Có một người đàn ông 50 tuổi cố gắng tự thiêu gần tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc. Người này đã bị cảnh sát bắt giữ. Theo cảnh sát, người đàn ông này trước đó đã gọi điện cho cảnh sát vào khoảng và nói rằng ông sẽ tự thiêu gần tòa nhà Quốc hội.
Chỉ vài giờ trước cuộc bỏ phiếu kiến nghị luận tội tổng thống, các ga tàu điện ngầm ở Seoul đông nghẹt người, theo các bài đăng trên mạng xã hội. Trong một bài đăng trên X, một người dùng cho biết Tuyến 9, dừng tại ga Quốc hội, "đang trở nên điên cuồng" - Ảnh: AFP
Theo báo The Chosun Daily, hơn 140 đơn vị cảnh sát đã được triển khai đến quận Yeouido, nơi có tòa nhà Quốc hội - Ảnh: AFP
Theo Hiệp hội Khủng hoảng và phục hồi ngành điện ảnh Hàn QUốc, hơn 2.500 người trong ngành điện ảnh - gồm cả đạo diễn Bong Joon Ho của (của phim Ký sinh trùng thắng giải Oscar) và các diễn viên Gang Dong Won và Son Ye Jin, đang kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Họ cùng ký vào kiến nghị kêu gọi luận tội, bắt giữ ông Yoon.
"Việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp vào hôm 3-12 là điều vượt quá lẽ thường. Ngay cả khi áp dụng trí tưởng tượng của việc làm phim, điều này vẫn bị coi là ảo tưởng, nhưng nó vẫn xảy ra trong đời thực của chúng ta" - bản kiến nghị của Hiệp hội Khủng hoảng và phục hồi ngành điện ảnh Hàn Quốc viết.
Kiến nghị đã mở trong 30 giờ từ ngày 5 đến ngày 6-12 và đã thu thập được chữ ký của 2.518 cá nhân và 77 tổ chức. "Đối với người Hàn Quốc trong ngành điện ảnh, ông Yoon Suk Yeol không còn là tổng thống của Hàn Quốc, mà giờ đây chỉ đơn giản là tội phạm" - bản kiến nghị nêu.
Hầu hết những người biểu tình dự kiến sẽ tập trung tại Seoul vào ngày 7-12, theo hãng tin Hàn Quốc SBS News. Xe buýt dự kiến khởi hành từ thành phố Gwangju ở phía tây nam và Jeonju ở phía tây đến thủ đô. Các nhà lập pháp đối lập như thị trưởng Gwangju Kang Ki-jung và thống đốc tỉnh Nam Jeolla Kim Yung-rok cũng sẽ đến Seoul để ủng hộ các cuộc biểu tình. Ngoài thủ đô, các cuộc biểu tình cũng sẽ được tổ chức tại các thành phố như Busan và Jeju - Ảnh: AFP
Vào lúc 17h ngày 7-12 theo giờ Hàn Quốc (tức 15h cùng ngày theo giờ Việt Nam), giới quan sát đổ dồn sự chú ý vào sự kiện nóng tại chính trường Hàn Quốc: cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Hàn Quốc về kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Ban đầu cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra lúc 19h ngày 7-12 theo giờ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ (DP) - đảng đối lập chiếm nhiều ghế nhất tại Quốc hội Hàn Quốc - đã quyết định đẩy thời gian bỏ phiếu lên sớm hai giờ.
Để có thể thông qua kiến nghị luận tội ông Yoon, cần phải có 2/3 số nghị sĩ tại Quốc hội (tức ít nhất 200/300 nghị sĩ) ủng hộ. Hiện tại Quốc hội Hàn Quốc có 300 ghế, trong đó Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) của Tổng thống Yoon có 108 ghế.
Phe đối lập sẽ phải cần thêm ít nhất 8 phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ PPP thì mới có thể thông qua kiến nghị luận tội. Nếu kiến nghị được thông qua, Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét và quyết định trong vòng tối đa 180 ngày.
Tòa án Hiến pháp sẽ quyết định liệu Tổng thống Yoon có vi phạm các tội danh mà Quốc hội cáo buộc và liệu những vi phạm đó có đủ nghiêm trọng để luận tội hay không. Nếu ít nhất sáu trong chín thẩm phán bỏ phiếu ủng hộ, ông Yoon sẽ bị phế truất.
Trong trường hợp đó, Thủ tướng Han Duck Soo sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày.
Ông Yoon đã ban bố thiết quân luật đầu tiên tại Hàn Quốc kể từ năm 1980 vào tối 3-12 và dỡ bỏ sau khoảng sáu giờ. Một số người biểu tình cho rằng Tổng thống Yoon "đã khiến đồng hồ của Hàn Quốc quay ngược lại 44 năm" và kêu gọi "bắt ông ấy phải trả giá cho 155 phút kinh hoàng này".
Sáng 7-12, ông Yoon đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, bày tỏ xin lỗi người dân cả nước vì đã gây lo ngại và những bất tiện khi ban bố thiết quân luật vào đêm 3-12.
Trong phát ngôn chính thức đầu tiên trước công chúng sau động thái trên, ông Yoon khẳng định sẽ không bao giờ có tình trạng thiết quân luật thứ hai và cam kết không trốn tránh trách nhiệm pháp lý, chính trị liên quan đến việc ra quyết định thiết quân luật.
Màn hình tivi chiếu bài phát biểu trực tiếp của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trước cuộc bỏ phiếu về kiến nghị luận tội. Ảnh chụp tại một chợ điện tử ở Seoul, Hàn Quốc ngày 7-12 - Ảnh: AFP
Hai tổng thống đối mặt thủ tục luận tội
Trước đó, từ thập niên 1980 đến nay chỉ có hai tổng thống Hàn Quốc từng đối mặt với thủ tục luận tội.
Năm 2017, bà Park Geun Hye bị luận tội và phế truất do liên quan bê bối tham nhũng. Vào năm 2004, Tổng thống Roh Moo Hyun bị luận tội vì cáo buộc vận động tranh cử bất hợp pháp nhưng Tòa án Hiến pháp đã lật lại quyết định này, giúp ông giữ được chức vụ.