Ngày 26/12, tại họp báo công tác năm của Bộ Công an, thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03), cho biết đơn vị đã khởi tố thêm 5 bị can do liên quan vụ án ở tập đoàn Phúc Sơn, gồm: ông Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Hà Hòa Bình, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Ngô Đức Vượng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, cựu Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.
5 người cùng bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hiện, tổng cộng 38 người đã bị khởi tố trong vụ án này, sau 10 tháng điều tra. Cơ quan điều tra đã tạm giữ hơn 315 tỷ đồng, 1,97 triệu USD, 534 cây vàng và 1.444 sổ đỏ của các bị can.
Ông Phạm Văn Vọng khi đương chức. Ảnh: VP
Bộ Công an đánh giá vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn là loại tội phạm mới với thủ đoạn lợi dụng quan hệ thân thiết với người có chức vụ cao, quyền hạn lớn để gây tác động, ảnh hưởng đến cán bộ cơ sở nhằm trục lợi. Cán bộ cơ sở bị tấn công bằng "đạn bọc đường" mà không phát hiện ra nên mất sức đề kháng.
Những người đầu tiên bị khởi tố là Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu Pháo, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Phúc Sơn), hôm 26/2. Bị can này bước đầu bị cáo buộc đưa tiền cho nhiều người, trong đó riêng ông Đặng Trung Hoành (Chánh văn phòng huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) nhận 64 tỷ đồng.
Khi nhà chức trách điều tra vụ án này, Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều người bị khởi tố nhất khi ba lãnh đạo tỉnh là cựu Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành, cựu Phó bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh đối mặt cáo buộc Nhận hối lộ.
Vụ án này thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Tại cuộc họp báo hôm nay, Bộ Công an cho biết, năm 2024 tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt hơn 91%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. Nhiều đường dây, tổ chức phạm tội xuyên quốc gia về ma túy, buôn bán người, lừa đảo trực tuyến, tham nhũng, buôn lậu bị phát hiện. Trong đó có hơn 4.600 vụ, hơn 8.000 bị can phạm tội về trật tự quản lý kinh tế.
Về lĩnh vực giao thông, toàn ngành tiếp nhận trên 67 triệu hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 98%.
Theo Bộ Công an, các lực lượng đã kiên quyết, kiểm soát xử lý các vi phạm về nồng độ cồn để bước đầu hình thành văn hóa đã uống rượu bia thì không lái xe.
Trong năm qua, ngành công an có hơn 2.300 báo cáo, chủ động tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nhiều chủ trương, đối sách, giải pháp cơ bản, chiến lược về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo...
Phạm Dự