Ngày nay, với hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh lý phức tạp, liệu pháp tế bào gốc ngày càng được ứng dụng rộng rãi, trở thành xu thế chung của sự phát triển y học thế giới, đặc biệt trong chống lão hóa.
Cơ thể của chúng ta luôn bắt buộc phải trải qua quá trình lão hóa và chưa có thuốc đặc trị nào ngăn chặn được quá trình này. Lão hóa bao gồm sự giảm về số lượng, chất lượng của từng tế bào ở mỗi cơ quan, thậm chí là những sai lệch trong hoạt động ở cấp độ phân tử tế bào, từ đó dễ gây ra nhiều bệnh, bao gồm cả ung thư.
Quá trình lão hóa xảy ra còn là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi bên ngoài như các vết đồi mồi, da khô, có nếp nhăn và chảy xệ, bàn tay gầy guộc…
Quá trình lão hóa luôn nỗi ám ảnh với nhiều chị em phụ nữ. Ảnh minh họa
Trước vấn đề này, tế bào gốc đã được nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả trong vấn đề làm chậm, chống quá trình lão hóa. Thứ nhất, tế bào gốc sau khi ghép vào cơ thể sẽ phục hồi lại một phần chức năng của tế bào bị lão hóa. Thứ hai, tế bào gốc còn thúc đẩy tăng sinh mạch máu để cung cấp chất dinh dưỡng giúp mô, cơ quan được phục hồi.
TS.BS Lê Thị Bích Phượng - chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng liệu pháp tế bào gốc - cho biết, sau khi ứng dụng lâm sàng, bà đã thấy nhiều dấu hiệu tích cực trong chống lão hóa của tế bào gốc.
"Nhờ liệu pháp tế bào gốc, hầu hết bệnh nhân đã cải thiện hoạt động thể chất, làm dày và cải thiện chất lượng tóc, tăng ham muốn tình dục khả năng miễn dịch cũng như chất lượng giấc ngủ được đảm bảo…", TS Lê Thị Bích Phượng chia sẻ.
TS.BS Lê Thị Bích Phượng có 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu liệu pháp tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý phức tạp.
Theo TS.BS Lê Thị Bích Phượng, ở nước ngoài đã hình thành một chuyên ngành mang tên y học tuổi thọ nhằm nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong chống lão hóa. Tại Việt Nam, hiện nay Bộ Y tế chưa công nhận phương pháp này như 1 liệu pháp điều trị mà mới chỉ thực hiện như các nghiên cứu lâm sàng trong lĩnh vực thẩm mỹ, nội tiết sinh dục và lão hóa nói chung.
Phương pháp chung của các trung tâm y tế thực hiện là đưa tế bào gốc vào cơ thể bằng đường mạch máu sau khi đã thăm khám và xác định mức độ lão hóa của cơ thể người bệnh.
Sau đó, tế bào gốc với khả năng biệt hóa, sẽ biến thành các tế bào có chức năng khác nhau, đồng thời có khả năng thay thế các tế bào bị lão hóa. Ngoài ra, tế bào gốc trung mô khi tham gia vào một "thiên hà" các tín hiệu (chống stress tăng sinh, chống viêm và chống oxy hóa, tác dụng tạo mạch, chống xơ hóa và kháng khuẩn) còn góp phần làm chậm quá trình lão hóa.
"Tế bào gốc tạo các tín hiệu tăng sinh đến các tế bào lân cận, cung cấp năng lượng ty thể từ tế bào gốc cho các tế bào lân cận hoạt động, đồng thời giảm các phản ứng viêm bất lợi mà chính các phản ứng viêm này là 1 trong những tác nhân thúc đẩy quá trình lão hóa", TS.BS Phượng nói thêm.
TS.BS Lê Thị Bích Phượng cho biết các sản phẩm tế bào gốc tràn lan trên mạng xã hội có nguy cơ mang lại nhiều tác dụng xấu.
Dựa trên hiệu quả cao này, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều sản phẩm tế bào gốc được ví 'như thần dược chống lão hóa' với giá thành rẻ.
Về vấn đề này, TS.BS Phượng cho biết tế bào gốc là một chế phẩm sinh học với nhiều điều kiện bảo quản, sử dụng nghiêm ngặt. Vì vậy, bệnh nhân nên thực hiện liệu pháp khi có chỉ định từ bác sĩ để tránh gặp những tác dụng không mong muốn và không đem lại hiệu quả.
"Với nhiều năm tham gia nghiên cứu, học tập tại nước ngoài về ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý phức tạp, tôi mong muốn được thực hiện các liệu trình tốt nhất, mang lại kết quả cao cho bệnh nhân và người nhà", TS.BS Lê Thị Bích Phượng khẳng định.