Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr - Ảnh: REUTERS
Thông tin trên mạng xã hội X (Twitter) ngày 21-11, nhà lãnh đạo Philippines gọi việc tuần tra chung của hai nước là "sáng kiến quan trọng". Đây là minh chứng cho cam kết của Philippines trong việc tăng cường tương tác giữa các lực lượng quân sự trong việc tuần tra trên biển và trên không.
Đại tá Eugene Henry Cabusao thuộc Bộ chỉ huy Bắc Luzon cho biết cuộc tuần tra chung giữa quân đội Philippines và Mỹ sẽ diễn ra ngoài khơi hòn đảo cực bắc của Philippines. Hòn đảo này nằm cách Đài Loan khoảng 100km.
Một ngày trước, ông Marcos Jr phát biểu tại diễn đàn ở Hawaii (Mỹ), nói rằng tình hình ở Biển Đông đã "khốc liệt hơn trước" và quân đội Trung Quốc tiến ngày càng gần bờ biển Philippines.
Trước bối cảnh này, Philippines và Mỹ đã tăng cường quan hệ quốc phòng hơn trong năm nay, bao gồm việc tăng gần gấp đôi số lượng căn cứ của Philippines mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận.
Ngày 17-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines Raphael Lotilla vừa ký kết Thỏa thuận 123 về hợp tác hạt nhân giữa hai nước.
Thỏa thuận 123 là loại thỏa thuận đặc biệt yêu cầu bên ký cam kết không sử dụng các nguyên liệu hạt nhân được chuyển giao để sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhờ thỏa thuận này, các doanh nghiệp Mỹ sẽ được phép xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân, lò phản ứng, trang thiết bị và các chất liệu hạt nhân đặc biệt khác sang Philippines.
Ông Marcos Jr đã nối lại mối quan hệ giữa Manila với Washington, sau khi chính quyền tiền nhiệm có xu hướng gần Trung Quốc, bất chấp việc Bắc Kinh đang phát triển các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc lại gia tăng căng thẳng, với sự đối đầu liên tục giữa các tàu trong vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc đã nhiều lần lên án các tàu tiếp tế của Philippines tới bãi Cỏ Mây. Trong khi đó, Philippines tố hải cảnh Trung Quốc sử dụng các tác động nguy hiểm và vòi rồng để cản trở tiếp tế của Manila trên Biển Đông.