Ngay sau khi Thủ tướng Canada Justine Trudeau thông báo kế hoạch từ chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lặp lại ý tưởng biến quốc gia láng giềng thành một bang của Mỹ, thậm chí lần đầu tiên nêu từ "sáp nhập".
"Nếu Canada sáp nhập với Mỹ, sẽ không còn thuế quan, tiền đóng thuế cũng giảm xuống", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. "Cùng nhau, chúng ta sẽ có một quốc gia tuyệt vời".
Lần đầu tiên ông Trump nêu ý tưởng biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ là trong cuộc gặp với Thủ tướng Trudeau tại Mar-a-Lago hồi đầu tháng 12/2024, một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Nhiều đồng minh của ông Trump nhanh chóng bày tỏ ủng hộ ý tưởng. Sau khi quốc hội xác nhận phiếu đại cử tri các bang bầu cho ông Trump ngày 6/1, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói "suy nghĩ duy nhất của tôi hôm nay là chúng ta đã bỏ qua phiếu đại cử tri của Canada. Chúng tôi sẽ khắc phục điều này vào lần sau", ám chỉ việc biến Canada thành một bang của Mỹ.
Kevin O'Leary, người dẫn chương trình Shark Tank, cũng đề cập tới ý tưởng sáp nhập hai nền kinh tế và "xóa bỏ biên giới giữa Mỹ và Canada" trên Fox Business và mạng xã hội hồi cuối tháng 12.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justine Trudeau tại Nhà Trắng hồi tháng 10/2017. Ảnh: AP
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dù ông Trump muốn thực hiện đến đâu, ý tưởng "sáp nhập Canada vào Mỹ" rất khó thực hiện, thậm chí là bất khả thi. Canada là đồng minh hàng đầu của Mỹ trong khối NATO và Washington sẽ không thể sử dụng biện pháp vũ lực để chiếm lãnh thổ và sáp nhập Canada.
Dù Tổng thống đắc cử Trump nói rằng ông có thể sử dụng sức mạnh kinh tế Mỹ để hiện thực hóa mục tiêu sáp nhập Canada, việc xóa bỏ đường biên giới giữa hai nước cuối cùng vẫn phải thực hiện thông qua các biện pháp pháp lý.
Rào cản lớn nhất là sự khác biệt trong mô hình nhà nước, khi Canada theo chế độ quân chủ lập hiến, còn Mỹ là nước cộng hòa.
Gregory Tardi, cựu cố vấn pháp lý của Hạ viện Canada, cho rằng nếu muốn thay đổi từ chế độ quân chủ sang hệ thống cộng hòa, Canada sẽ phải bãi bỏ vai trò của nhà vua, điều chỉ có thể thực hiện bằng cách thay đổi hiến pháp.
Song động thái sẽ liên quan tới Điều 41 của Đạo luật Canada năm 1982, vốn quy định mọi điều khoản sửa đổi của hiến pháp đều cần được Hạ viện, Thượng viện và toàn bộ cơ quan lập pháp các tỉnh nhất trí.
"Tôi nghĩ điều đó khó xảy ra, đặc biệt khi hầu hết người Canada luôn phản đối ly khai", Tardi nói.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Leger chỉ ra chỉ có 13% người Canada ủng hộ ý tưởng sáp nhập với Mỹ, trong khi 82% phản đối.
"Ý tưởng có thể mất hàng tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để đàm phán. Và đây không phải là ưu tiên của chính phủ Mỹ. Do đó, tôi nghĩ lời đe dọa không thực sự nghiêm túc và giống như trò đùa hơn", Adam Chapnick, giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Lục quân Canada, nói.
Ý tưởng cũng có thể vấp rào cản pháp lý từ chính nước Mỹ. Theo Hiến pháp, chỉ có quốc hội mới có khả năng cho phép Mỹ có thêm bang mới. Cuộc bỏ phiếu kết nạp bang mới cần phải thông qua ở cả Hạ viện và Thượng viện, theo Matthew Lebo, giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Western.
Tuy nhiên, việc kết nạp như vậy thường dành cho những vùng lãnh thổ vốn là nơi sinh sống của công dân Mỹ như Puerto Rico hay Quần đảo Virgin nhưng họ chưa được công nhận là một bang và được trao các đặc quyền.
Nhiều người thậm chí cảnh báo sáp nhập có thể là quá trình dẫn tới xung đột đẫm máu. "Tôi không thể nghĩ ra cách nào ngoài khác một cuộc chiến để đưa Canada trở thành một bang của Mỹ", Lebo nói.
Ngoài ra, một số chuyên gia cảnh báo ý tưởng sáp nhập có thể "lợi bất cập hại" với đảng Cộng hòa. Nếu Canada sáp nhập vào Mỹ, đó sẽ là bang lớn nhất và được trao số phiếu đại cử tri cao nhất, có thể tạo ra bước ngoặt định đoạt các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong tương lai.
Bước ngoặt đó nhiều khả năng sẽ mang lại lợi thế lớn cho đảng Dân chủ, bởi lịch sử chính trị hiện đại Canada cho thấy cử tri nước này thiên về cánh tả. Rich Lowry, tổng biên tập tạp chí bảo thủ nổi tiếng National Review, nhận định rằng trong kịch bản sáp nhập, Canada sẽ trở thành "gã khổng lồ xanh", sánh ngang với bang California về quy mô dân số và có lẽ là cả phiếu đại cử tri cho ứng viên đảng Dân chủ.
Nhà khoa học chính trị kỳ cựu Wayne Lesperance đồng tình với nhận định này. "Với tư cách một bang của Mỹ, Canada có thể mang tới hàng triệu cử tri nghiêng về đảng Dân chủ. Với 40 triệu dân, bang thứ 51 sẽ là bang lớn nhất ở Mỹ và nhiều khả năng phản đối ông Trump cùng chương trình nghị sự chính trị của đảng Cộng hòa", Lowry nói.
Chiến lược gia kiêm nhà phân tích chính trị đảng Dân chủ Van Jones bày tỏ "rất hạnh phúc" nếu Canada trở thành một bang của Mỹ, bởi nó sẽ là đòn giáng nặng nề với đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử tương lai.
Vị trí Mỹ và Canada. Đồ họa: The Times
Với ý tưởng sáp nhập được đánh giá không khả thi, giới chuyên gia cho rằng bình luận lặp đi lặp lại của ông Trump chỉ là những lời bỡn cợt nhằm gây áp lực cho Canada.
"Ông ấy trêu chọc Thủ tướng Trudeau. Ông ấy muốn làm chủ cuộc chơi và khiến mọi người lo lắng. Nhưng đó không phải là lời đe dọa mang tính thực tế", Lebo nói.
Một số khác nhận định đây là chiến lược đàm phán của ông Trump, một con bài mà ông sử dụng để thương lượng về thuế quan và an ninh biên giới với Canada.
"Ông ấy có thể sử dụng những công cụ mà không ai có thể nghĩ đến. Ông ấy sẵn sàng tận dụng mọi công cụ mà mình có", Dave Carney, chiến lược gia lâu năm của đảng Cộng hòa, nói với Fox News.
Carney, cố vấn chính trị hàng đầu của Thống đốc Texas Greg Abbott, thêm rằng ông Trump đang "sử dụng quyền lực mềm của tổng thống để khiến mọi người chú ý và đạt được những gì ông ấy muốn".
Thùy Lâm (Theo Toronto Star, Fox News, The Conversation, Politico)