Ông Lý Hiển Dương và vợ là bà Lee Suet Fern - Ảnh: GUARDIAN
Ngày 22-10, báo Guardian (Anh) đưa tin khẳng định ông Lý Hiển Dương, con trai út của người sáng lập Singapore Lý Quang Diệu, đã được Anh cho phép tị nạn.
Ông Lý Hiển Dương nói về mặt tối của Singapore
Trả lời phỏng vấn độc quyền báo Guardian của Anh, ông Lý Hiển Dương tố Chính phủ Singapore đã quay lưng lại với ông vì ông ủng hộ phe đối lập, đồng thời đề cập đến một số mặt tối của đảo quốc này.
"Mọi người vẫn nghĩ (Singapore) như một thiên đường, đất nước này không như vậy", ông Lý nói.
Trong thời gian anh trai Lý Hiển Long làm thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Dương tố chính quyền đã có nhiều cáo buộc vô căn cứ nhằm có các hành động pháp lý nhắm vào ông, vợ ông, và con trai ông.
Ông Lý Hiển Long có 20 năm làm thủ tướng Singapore, và chỉ vừa kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng 5-2024. Năm 2022, ông Lý Hiển Dương gia nhập đảng đối lập ở Singapore. Ông Lý tin rằng những cáo buộc hiện nay của Chính phủ Singapore có động cơ chính trị nhằm hủy hoại ông. Con trai người sáng lập Singapore nói thêm ông nằm trong số những mục tiêu của một "hệ thống giám sát rất rộng".
Ông Lý Hiển Dương được Anh cấp quyền tị nạn hồi tháng 8 vừa qua, hai năm sau khi ông rời Singapore để đến Anh. "Những điều này leo thang đến mức tôi tin rằng vì an toàn, tôi không nên tiếp tục sống ở Singapore", ông Lý Hiển Dương khẳng định.
"Mọi người nên nhìn xa hơn những tuyên bố táo bạo và sai lầm của Singapore và nhận ra thực tế thực sự như thế nào", ông Lý Hiển Dương nói thêm.
Con trai út của cố thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng thế giới cần có cái nhìn kỹ hơn để thấy vai trò là một quốc gia trung gian của Singapore trong các cuộc buôn bán vũ khí, các vấn đề liên quan đến tiền bẩn, tiền từ ma túy và tiền ảo.
Ông Duncan Hames, giám đốc về chính sách của Tổ chức Minh bạch quốc tế, cho rằng với vai trò là một trung tâm tài chính lớn, Singapore đã trở thành nơi hấp dẫn những cá nhân muốn chuyển hoặc che giấu tiền bất hợp pháp, đặc biệt là từ một khu vực có rủi ro tương đối cao.
Dù rời khỏi Singapore nhưng ông Lý Hiển Dương vẫn khẳng định trên trang Facebook cá nhân rằng: "Tôi vẫn là công dân Singapore, và hy vọng rằng một ngày nào đó, việc trở về nhà sẽ an toàn".
Chính phủ Singapore lên tiếng
Chính phủ Singapore đã bác bỏ các cáo buộc của ông Lý Hiển Dương. Phản hồi báo Guardian (Anh), Chính phủ Singapore khẳng định các cáo buộc rằng ông Lý Hiển Dương bị truy tố hình sự, cũng như các cáo buộc khác về việc ông bị đàn áp chính trị ở Singapore, là "không có cơ sở".
"Hệ thống tư pháp của Singapore là công bằng và đưa ra quyết định một cách độc lập. Đây là lý do tại sao người dân Singapore có mức độ tin tưởng cao vào hệ thống tư pháp", Đài CNA dẫn câu trả lời từ chính phủ nhấn mạnh.
Chính phủ của đảo quốc này cũng nói thêm rằng hiện không có hạn chế pháp lý nào đối với việc ông Lý và vợ ông, bà Lee Suet Fern, trở lại Singapore: "Họ đang và luôn được tự do quay trở lại".
Liên quan đến các cáo buộc của ông Lý Hiển Dương về hệ thống tài chính của Singapore, người phát ngôn của Chính phủ Singapore cho biết nước này có một hệ thống mạnh mẽ để ngăn chặn và giải quyết nạn rửa tiền và các luồng tài chính bất hợp pháp khác, cũng như có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế.
Muốn phá dỡ nhà của cha
Hôm 15-10, Lý Hiển Dương cho biết ông sẽ nộp đơn xin phá dỡ ngôi nhà số 38 đường Oxley.
Ngôi nhà này từng là nơi ở của cố thủ tướng Lý Quang Diệu từ giữa những năm 1940 đến khi ông qua đời vào năm 2015, đồng thời cũng là nhà của tiến sĩ Lý Vỹ Linh, con gái ông - người đã qua đời vào tuần trước.
“Để tôn vinh di nguyện cuối cùng của cha mẹ tôi, tôi xin phá dỡ ngôi nhà ở số 38 đường Oxley, sau đó sẽ xây dựng một ngôi nhà nhỏ riêng thuộc sở hữu của gia đình vĩnh viễn”, ông Lý Hiển Dương viết trong một bài đăng trên Facebook.
Ông Lý Hiển Dương cho biết ông là “chủ sở hữu hợp pháp duy nhất của ngôi nhà số 38 đường Oxley”. Sau khi chị gái Lý Vỹ Linh qua đời, ông là “người thi hành di chúc duy nhất còn sống” đối với các bất động sản của ông Lý Quang Diệu.