Khu vực tổ chức Thượng đỉnh BRICS ở Kazan trong ảnh chụp ngày 21-10 - Ảnh: Reuters
Thêm vào đó, chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin trong năm chủ tịch đã mạnh mẽ đề xuất một loạt sáng kiến nhằm củng cố hệ sinh thái mới giữa nhóm các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu, từ đó củng cố thêm sự quan ngại về xu hướng "phân tách" ngày càng rõ nét với các nước Bắc bán cầu.
Thúc đẩy ba quỹ đạo
Hội tụ đầy đủ các nội dung nghị sự trong năm chủ tịch của Nga, có thể nhận thấy chính quyền Tổng thống Putin lần này đã không còn tránh né mục tiêu xây dựng nhóm BRICS thành một tập hợp lực lượng đối trọng, thậm chí công khai thay thế dần các thể chế thuộc ba nhóm quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây.
Đầu tiên là mục tiêu thay thế "quỹ đạo lõi" về tài chính. Đây cũng là nhóm động thái được phía Nga vận động triển khai quyết đoán nhất, đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ lớn nhất từ các quốc gia thành viên nhóm BRICS.
Mục tiêu này được chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Siluanov đề cập ngay tại Hội nghị quan chức tài chính và ngân hàng trung ương BRICS, kêu gọi thay thế Quỹ Tiền tệ quốc tế, phê phán Ngân hàng Thế giới vì "không hoạt động vì lợi ích các nước BRICS".
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng trung ương Nga đã công bố rộng rãi một tài liệu ngay trước thềm Thượng đỉnh BRICS ở Kazan. Tài liệu đã đề xuất một hệ thống thanh toán mới dựa trên mạng lưới các ngân hàng thương mại được liên kết với nhau thông qua các ngân hàng trung ương của BRICS.
Mạng lưới này có đủ các nền tảng của một hệ sinh thái tài chính điển hình, bao gồm hệ thống nhắn tin thanh toán độc lập (tương tự SWIFT) có định danh BRICS Pay đã được cả nhóm phát triển trong nhiều năm, cho đến các đề xuất mới như Sáng kiến thanh toán xuyên biên giới BRICS (BCBPI), hệ thống BRICS Clear trong giao dịch chứng khoán...
Trong đó, sáng kiến BCBPI cũng sẽ sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ và giao dịch các tài sản kỹ thuật số được hỗ trợ bởi các loại tiền tệ của các quốc gia thành viên BRICS, từ đó định hình một hệ thống "đa dạng tiền tệ" và bỏ qua nhu cầu sử dụng đồng USD.
Tiếp theo, nhóm BRICS cũng đồng thuận cùng xây dựng "quỹ đạo rìa" bao gồm các lĩnh vực ít nhạy cảm như hợp tác lương thực, y tế và hạ tầng vận tải. Quỹ đạo này được đại diện rõ nét nhất bởi dự án về sàn giao dịch ngũ cốc BRICS nhằm định giá tốt hơn đối với hàng nông sản xuất khẩu. Đây cũng là lĩnh vực thế mạnh vượt trội của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ - ba nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới.
Điểm đặc biệt của nhóm BRICS là có cả những thành viên mới thuộc khối các nước nhập khẩu ngũ cốc nhiều nhất thế giới như Ai Cập, Brazil và Iran, giúp tạo ra sự đáp ứng cung - cầu khép kín nên dễ đạt đồng thuận nội khối.
Ngoài ra, để đối trọng với các mạng lưới nhu yếu và vận tải phương Tây, các dự án hội nhập y tế nội nhóm BRICS như: Hệ thống cảnh báo sớm tích hợp để phòng ngừa rủi ro bệnh truyền nhiễm hàng loạt tại BRICS, Hiệp hội y khoa BRICS, Trung tâm vắc xin BRICS cùng với nhóm dự án Hành lang giao thông Bắc - Nam và Tuyến đường biển phía Bắc đang rất được chú ý trong chương trình nghị sự Thượng đỉnh BRICS tại Kazan lần này.
"Phân tách" hay "giảm rủi ro"?
Không chỉ vậy, nhóm BRICS còn có tiềm năng rất lớn để triển khai "quỹ đạo ngoại vi" trong việc hợp tác ở các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng và khai khoáng. Sau khi kết nạp thêm ba cường quốc năng lượng là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Iran, BRICS hiện nắm giữ khoảng 40% trữ lượng dầu và hơn 50% trữ lượng khí đốt của thế giới.
Thống kê cũng cho thấy nhiều thành viên trong nhóm BRICS mở rộng (BRICS+) hiện chiếm vị trí thống trị trong cả sản xuất và dự trữ toàn cầu đối với một số kim loại quan trọng như platinum (Nam Phi), palladium (Nga), đồng (Trung Quốc), kẽm (Iran)... và cả đất hiếm (Trung Quốc).
Do đó, nhóm BRICS+ có đủ năng lực để thúc đẩy hợp tác kiến tạo chuỗi cung ứng mới cũng như tăng cường hội nhập khoa học - công nghệ nhằm "phân tách" hoàn toàn khỏi các thể chế thân phương Tây hiện đại. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy BRICS+ vẫn duy trì xu hướng "giảm rủi ro" với các hệ sinh thái hiện có thuộc quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây.
Tuyên bố chung mới nhất của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao BRICS+ vẫn khẳng định sự ủng hộ nhất quán của cả nhóm đối với các dự án của Liên Hiệp Quốc như Quỹ đền bù thiệt hại được thiết lập tại Hội nghị công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-27), Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal...
Thậm chí BRICS+ còn ủng hộ các dự án do Liên minh châu Âu đề xuất, điển hình như sáng kiến Khoáng sản chuyển đổi năng lượng tại Hội nghị COP-28 vì đảm bảo nguyên tắc "bình đẳng".
Do đó, mặc dù chính quyền Tổng thống Putin có xu hướng phát huy lợi thế của năm chủ tịch để vận động nghị sự nhóm BRICS theo hướng đối trọng với phương Tây, nhưng nghị sự chung của Thượng đỉnh Kazan lần này vẫn giữ phương châm phục vụ "chủ nghĩa đa phương công bằng".
Qua đó, cả ba quỹ đạo mà nhóm BRICS+ đang xây dựng sẽ tiếp tục tích hợp thêm nhiều lựa chọn cho các quốc gia Nam bán cầu khi tham gia vào hệ sinh thái phát triển của thế giới nói chung.
32
Với phương châm "Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng", Hội nghị BRICS tại Kazan lần này không chỉ là kỳ thượng đỉnh đầu tiên sau sự kiện mở rộng lịch sử của nhóm BRICS vào năm 2023, mà còn chứng kiến một làn sóng mới với sự tham gia của đại diện 32 quốc gia, bao gồm 24 nguyên thủ.