Chuyên mục  


Chưa đầy một tháng nữa, chính quyền mới sẽ tiếp quản Nhà Trắng. Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế mạnh tay với hàng hóa nước ngoài và xem xét lại các khoản trợ cấp cho những công ty đầu tư vào Mỹ, kể cả những công ty từ các nước đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất của Washington.

Trong khi đó, Hàn Quốc đối mặt cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol hồi đầu tháng 12. Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua luận tội ông Yoon ngày 14/12, khiến Tổng thống bị đình chỉ chức vụ và đối mặt nguy cơ bị phế truất.

Thủ tướng Han Duck-soo sau đó giữ chức quyền Tổng thống nhưng quốc hội Hàn Quốc hôm nay tiếp tục luận tội ông này. Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok trở thành quyền Tổng thống kiêm quyền Thủ tướng.

Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc khiến nỗ lực xây dựng quan hệ với chính quyền Mỹ mới không có người chèo lái. Một số người am hiểu vấn đề cho biết nỗ lực ngoại giao của chính phủ Hàn Quốc đã "tê liệt" trong nhiều ngày qua.

"Không ai trong chính phủ đại diện cho lợi ích của Hàn Quốc khi chúng tôi cần điều đó nhất", đại diện của một tập đoàn đầu tư hàng tỷ USD vào Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden nói. "Chúng tôi không thể rút các khoản đầu tư của mình ngay bây giờ. Chúng tôi như đang rơi vào tình huống bị giữ làm con tin".

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cúi đầu xin lỗi người dân trong bài phát biểu vào ngày 12/12. Ảnh: AFP

Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Hàn Quốc đối mặt với những rủi ro liên quan tới chính quyền mới ở Mỹ. Ông Trump có thể tăng thuế với hàng hóa Hàn Quốc hoặc rút các khoản trợ cấp mà ông Biden vốn hứa hẹn với các nhà sản xuất chip, pin và xe điện.

Mối đe dọa xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vật lộn với nhu cầu trong nước suy giảm, vay nợ tư nhân tăng vọt và cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul thừa nhận bất ổn chính trị ở nước này đã làm gián đoạn nỗ lực ngoại giao, nhưng thêm rằng "chúng tôi cam kết sẽ lấy lại động lực đó nhanh nhất có thể".

Yeo Han-koo, cựu bộ trưởng thương mại Hàn Quốc và hiện làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, cho biết ngay cả trước khủng hoảng chính trị, "có cảm giác rằng Hàn Quốc gần như lo lắng tới mức hoảng loạn".

Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp đã bị "tổn thương" trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, theo Yeo. Tổng thống Mỹ khi đó dọa hủy hiệp định thương mại tự do song phương và rút quân đội khỏi Hàn Quốc trừ khi Seoul đóng góp nhiều hơn để duy trì hiện diện quân sự của Washington.

Trong cuộc khảo sát với 239 công ty do Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc công bố tháng này, 82% cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị tổn hại vì các chính sách bảo hộ thương mại dự kiến của ông Trump.

Tuy nhiên, cựu bộ trưởng thương mại Yeo cho rằng một số người Hàn Quốc đã "thổi phồng" nỗi sợ chính quyền mới ở Mỹ, lập luận rằng "nhiều thứ đã thay đổi" so với khi ông Trump lần đầu đắc cử tổng thống. Hàn Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Mỹ trong năm ngoái, khi các công ty đầu tư hàng chục tỷ USD vào cơ sở sản xuất chip và công nghệ xanh của Mỹ.

"Hàn Quốc có thể lập luận rằng họ đóng góp cho sự hồi sinh ngành sản xuất ở Mỹ hơn bất kỳ nước nào khác và xứng đáng được coi trọng", Yeo nói.

Nhưng nhiều người Hàn Quốc cho rằng điều này không đủ để giúp ích.

"Chúng tôi đã cố gắng thu hút họ bằng cách nhấn mạnh Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và tạo ra nhiều việc làm. Nhưng chúng tôi được phản hồi rằng điều đó không quan trọng đối với ông Trump, vì ông ấy quan tâm hơn đến những gì các công ty Hàn Quốc sẽ làm từ bây giờ. Ông ấy không muốn nghe những gì họ làm trong quá khứ", giám đốc điều hành một trong những hiệp hội công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc nói.

Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ là 28,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024 và dự kiến vượt qua mức kỷ lục 44,4 tỷ USD của năm ngoái, theo Tổ chức Thương mại Quốc tế Hàn Quốc.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Phoenix, bang Arizona ngày 22/12. Ảnh: AFP

Một nguồn tin thân cận với nỗ lực vận động hành lang của Hàn Quốc cho biết một vấn đề khác khiến nước này lo ngại là sự trở lại của cựu đặc phái viên thương mại Peter Navarro với vai trò cố vấn kinh tế cấp cao. Navarro từng cáo buộc tập đoàn Samsung và LG của Hàn Quốc "gian lận thương mại" bằng cách di dời địa điểm sản xuất để tránh biện pháp chống bán phá giá.

Ông Trump tháng này ca ngợi Navarro vì đã giúp đàm phán lại các thỏa thuận thương mại "không công bằng" như NAFTA và Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn.

Giới phân tích nói rằng các công ty Hàn Quốc khó có thể duy trì quy mô đầu tư do những thách thức phải đối mặt, gồm chi phí xây dựng, nhân công, thiếu nhân lực có tay nghề hay những khó khăn trong quá trình xin thị thực và thiếu nguồn cung điện đáng tin cậy. Đồng won sụt giảm giá trị và nhu cầu về xe điện giảm cũng khiến Hàn Quốc mất sức hấp dẫn.

Lee Tae-kyu, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI), cho biết nền kinh tế nước này vẫn có thể tăng trưởng nếu thuế quan của ông Trump chỉ nhắm vào hàng xuất khẩu Trung Quốc. Lee thêm rằng đóng tàu, quốc phòng và hóa dầu là những lĩnh vực mà các công ty Hàn Quốc có thể hưởng lợi. Seoul cũng có thể giảm thặng dư thương mại bằng cách tăng mua vũ khí và nhiên liệu hóa thạch của Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo ngành sản xuất xe điện và pin của Hàn Quốc có thể đối mặt kịch bản ác mộng nếu ông Trump đạt thỏa thuận thương mại lớn với Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh thành lập nhà máy ở Mỹ. Đây là điều mà Tổng thống đắc cử nói sẽ cân nhắc.

"Nếu các công ty Trung Quốc được phép xây nhà máy ở Mỹ, đó sẽ là thảm họa với chúng tôi. Nhưng ngay cả các quan chức chính phủ của chúng tôi dường như cũng không biết ai có thể bày tỏ những lo ngại của mình với Washington", một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp pin Hàn Quốc, nói.

Thùy Lâm (Theo FT, Reuters, Yonhap)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020