Chuyên mục  


Khoảng một giờ sau khi tàu container Dali rời cảng thành phố Baltimore, bang Maryland vào nửa đêm 25/3, một số dấu hiệu cho thấy hệ thống đèn trên tàu không ổn định.

Động cơ và nguồn điện trên tàu ngừng hoạt động hoàn toàn vào khoảng 1h25 sáng 26/3, theo Hiệp hội Hoa tiêu Mỹ (APA). "Một động cơ gào lên rồi ngừng hẳn. Mùi nhiên liệu cháy khét ngập phòng máy, rồi mọi thứ tối đen như mực", một thủy thủ kể lại.

Hệ thống điều khiển, liên lạc đều tê liệt do mất điện. Con tàu container dài khoảng 300 m, nặng 95.000 tấn và có thể chở tối đa 130.000 tấn hàng hóa trôi tự do về phía cầu Francis Scott Key với vận tốc 15 km/h.

Thủy thủ đoàn đã kích hoạt máy phát điện dự phòng chạy bằng diesel để khôi phục hệ thống điện, nhưng không khởi động lại được động cơ. Đây có thể là lý do tàu Dali phụt ra luồng khói đen lớn trước khi đến sát cầu Francis Scott Key.

Nhận ra không thể giảm tốc độ của tàu, 90 giây trước khi va chạm, hoa tiêu đã sử dụng thiết bị đàm thoại vô tuyến trên dải tần VHF (30-300 MHz) để phát tín hiệu khẩn cấp đến các tàu kéo lân cận. Điều phối viên APA trong thời gian này liên hệ khẩn với giới chức giao thông Maryland để cảnh báo về tình trạng mất kiểm soát của tàu Dali.

Lộ trình tàu Dali rời cảng, va chạm vào cầu Francis Scott Key ở Baltimore. Đồ họa: CTV

"Có một con tàu mất lái đang lao đến, hãy chặn ngay mọi phương tiện lên cầu", điều phối viên thông báo với các sĩ quan cảnh sát qua sóng vô tuyến. Hai cảnh sát có mặt gần đó đã lập tức đứng ở hai đầu cầu để chặn xe, giúp giảm đáng kể thương vong.

Khi con tàu khổng lồ bắt đầu dạt sang phải, hoa tiêu ra lệnh bẻ lái hết cỡ sang trái cũng như thả neo trái nhằm kìm tốc độ tàu lúc 1h27. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quãng đường quá ngắn để động tác thả neo có thể phát huy tác dụng.

"Với con tàu có kích thước khổng lồ như Dali cùng vận tốc nó đang trôi, họ phải cần quãng đường hàng nghìn mét mới có thể hoàn thành việc thả neo", Morgan McManus, giảng viên Đại học Hàng hải SUNY ở New York, nhận định.

Đến 1h29, cú va chạm kinh hoàng xảy ra, tạo âm thanh "như động đất", làm sập các nhịp cầu, khiến 8 người cùng một số phương tiện rơi xuống sông, 6 nạn nhân được xác định thiệt mạng.

"Hoa tiêu đã làm mọi thứ có thể để giảm tốc con tàu", Clay Diamond, lãnh đạo APA, nói, cho biết người này đã có hơn một thập kỷ kinh nghiệm điều hướng tàu container.

Theo Diamond, nỗ lực tránh va chạm của hoa tiêu đã được thực hiện đúng quy trình, nhưng mọi thứ "diễn ra quá nhanh" nên không thể ngăn được sự cố. Trên tàu còn có hoa tiêu thứ hai là nhân viên thực tập, vừa vào thử việc tháng trước.

tau-hang-dam-sap-cau-o-my-1711437917.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CZUtalti15tmfB_6DBhUxA
Tàu hàng đâm sập cầu ở Mỹ

Khoảnh khắc tàu container đâm sập cầu ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ ngày 26/3. Video: Reuters

Lãnh đạo APA cho hay sự cố động cơ là vấn đề thường gặp đối với các hoa tiêu, nhưng việc tàu bị mất điện hoàn toàn là trường hợp hiếm khi xảy ra. "Tàu container là phương tiện cực kỳ phức tạp, nên có thể có nhiều nguyên nhân gây ra sự cố mất điện", Diamond nói.

Các tàu mang cờ nước ngoài bắt buộc phải có hoa tiêu điều phối ra vào các cảng Mỹ. Hoa tiêu phải có kiến thức chi tiết về luồng lạch, phải trải qua chương trình đào tạo sâu rộng và nghiêm ngặt, cùng nhiều năm kinh nghiệm điều hướng tàu trên mặt nước và trong phòng mô phỏng.

Các hoa tiêu không trực tiếp chỉ huy tàu, mà làm việc cùng thủy thủ đoàn để ra vào cảng an toàn. Thuyền trưởng là người chịu trách nhiệm cuối cùng về con tàu, có thể chỉ đạo hoa tiêu nếu cần, song hầu hết thời gian phải dựa vào kiến thức của hoa tiêu.

Hiện trường vụ sập cầu ở Baltimore, bang Maryland, ngày 27/3. Ảnh: AP

Tàu Dali treo cờ Singapore, thuộc sở hữu của công ty Grace Ocean Private, do hãng Synergy Marine quản lý. Hiện một phần cầu thép vẫn mắc kẹt trên mũi tàu Dali sau sự cố va chạm. Tuần duyên Mỹ sẽ phối hợp với quân đội để dọn dẹp mảnh vỡ, trước khi di chuyển tàu.

Vụ tai nạn nguy cơ tác động đáng kể tới nền kinh tế địa phương, ước tính thiệt hại 15 triệu USD mỗi ngày. Cầu Francis Scott Key là tuyến cao tốc chính bắc qua cảng Baltimore, một trong những cảng tấp nập nhất ở Bờ Đông nước Mỹ. Cầu đón hơn 12,4 triệu phương tiện đi qua trong năm 2023, tức 34.000 phương tiện mỗi ngày.

Đức Trung (Theo Washington Post, CNN, Baltimore Banner)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020