Người dân Thái Lan tuần hành kêu gọi việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại thủ đô Bangkok - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, ngày 27-3, Hạ viện Thái Lan đã thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân với 400/415 phiếu ủng hộ.
Dự luật vừa được thông qua được tổng hợp từ bốn dự luật riêng biệt từng được đề xuất trước đó. Văn bản này công nhận hôn nhân giữa hai cá nhân không phân biệt giới tính, thay vì chỉ công nhận hôn nhân "giữa chồng và vợ" như pháp luật hiện hành.
Dự luật mới cho phép các cặp đôi đồng tính hưởng đầy đủ quyền lợi được quy định bởi luật dân sự và thương mại Thái Lan cho các cặp đôi đã kết hôn, bao gồm quyền thừa kế và quyền nhận con nuôi.
Với động thái này, Thái Lan tiến sát đến việc trở thành quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba ở châu Á (sau Đài Loan và Nepal) hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Dự luật trên đã được ấp ủ trong hơn 10 năm và được toàn bộ đảng lớn trong Hạ viện ủng hộ.
Để thành luật, văn bản này sẽ cần được Thượng viện Thái Lan thông qua và được Quốc vương Rama X chấp thuận. Sau khi các thủ tục trên hoàn tất, đạo luật mới sẽ có hiệu lực sau 120 ngày.
Ông Danuphorn Punnakanta, lãnh đạo ủy ban phụ trách dự luật này của Hạ viện Thái Lan, phát biểu trước thềm phiên họp ngày 27-3: "Chúng ta làm điều này cho toàn thể người dân Thái Lan, nhằm giảm bất công trong xã hội và bắt đầu kiến tạo nên sự bình đẳng. Tôi kính mời tất cả các vị cùng làm nên lịch sử".
Ông Nada Chaiyajit, giảng viên luật tại ĐH Mae Fah Luang, cho biết việc thông qua dự luật trên là động thái tích cực, song vẫn còn nhiều vấn đề xã hội cần được giải quyết.
Tại phần thảo luận của phiên họp, các nghị sĩ ủng hộ quyền hôn nhân đồng giới đã yêu cầu sửa khái niệm "cha" và "mẹ" thành từ không ám chỉ giới tính như "phụ huynh" khi nhắc đến các thành viên cấu thành gia đình. Điều này nhằm tránh các vấn đề phát sinh trong một số khía cạnh như nhận con nuôi. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp thuận.
"Tôi rất vui. Tuy nhiên, đây chưa phải là bình đẳng toàn bộ trong hôn nhân, mà chỉ là cho phép hôn nhân đồng giới. Quyền kết hôn đồng giới đã được thông qua, nhưng quyền tạo dựng gia đình đầy đủ thì chưa. Thật tiếc rằng chúng ta chưa làm được điều đó", ông Chaiyajit cho biết.