Thẻ ATM của các ngân hàng Nhật Bản - Ảnh: PAKUTASO
Thông qua điện thoại di động, mục tiêu xưa nay của những kẻ lừa đảo thường là những người cao tuổi để dụ họ rút tiền từ hệ thống ATM. Bằng nhiều chiêu thức, chúng khiến những người cao tuổi tin rằng một người thân trong gia đình đang rất cần tiền.
Theo Kênh truyền hình TV Asahi, chỉ từ tháng 1 đến tháng 5-2023, đã có hơn 15 tỉ yên (107 triệu USD) thiệt hại từ các loại lừa đảo này, tăng 3 tỉ yên so với cùng kỳ năm 2022.
Bọn tội phạm thường tiếp cận người cao tuổi từ xa qua điện thoại và hướng dẫn từng bước thực hiện quy trình rút hết tài khoản ngân hàng của họ từ hệ thống ATM.
Nhờ một số nhân viên ngân hàng và những người ngoài cuộc nhanh trí, một số nạn nhân đã được cứu ngay khi họ đang nhập mã PIN, nhưng nhiều người khác không may mắn như vậy.
Rõ ràng, kiểu lừa đảo này đang trở thành một vấn đề lớn, đến mức chính phủ Nhật Bản phải xem xét can thiệp và hạn chế việc tất cả người cao niên có thể sử dụng hệ thống ATM.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia đã đề xuất khóa ATM với bất kỳ tài khoản ngân hàng nào do người trên 65 tuổi nắm giữ và không có giao dịch nào trong hơn một năm.
Theo trang Sora News24, những người cao tuổi không vui mừng về tin tức này. Họ nói với các phóng viên rằng việc đặt giới hạn chỉ dành cho người cao niên là không công bằng và việc đặt giới hạn tuổi 65 là rất tùy tiện.
Ngành ngân hàng cũng không hoan nghênh ý tưởng này, vì nó yêu cầu họ phải hạn chế khách hàng của mình và liên quan đến việc nâng cấp tốn kém.
“Điều này nghe giống như yokinfusa đối với tôi", một người cao niên nói.
Yokinfusa nghĩa là “khóa tài khoản” - một thuật ngữ tiếng Nhật mô tả việc chính phủ đóng băng toàn bộ tài sản của công dân, bằng cách áp đặt giới hạn rút tiền hoặc áp thuế cực cao đối với bất kỳ giao dịch ngân hàng nào.
Việc làm này đã được Nhật Bản thực hiện sau chiến tranh chỉ để kiềm chế siêu lạm phát. Ý tưởng này có xu hướng xuất hiện nhiều lần như một giải pháp khả thi mỗi khi tình trạng kinh tế bất ổn.