Dàn tên lửa chống hạm Harpoon trước tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất trong biên chế Lực lượng phòng vệ Đài Loan - Ảnh: AFP
Đài Loan được Mỹ viện trợ quân sự
Ngày 28-7, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu USD cho Đài Loan nhưng không tiết lộ chi tiết.
Theo Hãng thông tấn AFP, gói viện trợ sẽ bao gồm các thiết bị tình báo, giám sát và trinh sát cũng như vũ khí cỡ nhỏ. Một quan chức Mỹ tiết lộ Đài Loan có thể cũng sẽ nhận được các thiết bị khác.
Hiện Trung Quốc, vốn luôn tuyên bố Đài Loan là một phần không thể tách rời, chưa phản ứng. Song theo AFP, động thái của Washington chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc phản đối mọi tiếp xúc của các nước với Đài Loan và để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo này.
Quốc hội Mỹ đã ủy quyền cho Tổng thống Mỹ viện trợ Đài Loan bằng các khí tài có sẵn trong kho của quân đội Mỹ. Đây cũng là cách Mỹ đang làm với Ukraine để tiết kiệm thời gian so với sản xuất mới.
Trước đó có thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch mua lại các hệ thống phòng không không còn trong biên chế của Lực lượng phòng vệ Đài Loan để chuyển cho Ukraine.
Nga bắn hạ tên lửa Ukraine bay vào lãnh thổ
Hàng loạt mảnh vỡ tên lửa đã rơi xuống thành phố Taganrog ở phía nam Nga khiến gần một chục người dân bị thương ngày 28-7. Quân đội Nga sau đó cáo buộc các mảnh vỡ là của hai tên lửa Ukraine bị nước này bắn hạ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa S-200 đầu tiên nhắm vào "cơ sở hạ tầng dân sự" của Taganrog, thành phố có khoảng 250.000 dân.
Không lâu sau đó, quân đội Nga đã bắn hạ tiếp tên lửa S-200 thứ hai ở gần thành phố Azov. Các mảnh vỡ rơi xuống một khu vực không có người sinh sống.
Taganrog nằm ven biển Azov và cách biên giới với Ukraine khoảng 40km. Hiện Ukraine chưa lên tiếng về cáo buộc của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở St Petersburg (Nga) ngày 28-7 - Ảnh: REUTERS
Nga hứa cho lương thực nhưng chưa thấy làm
Đó là chia sẻ của ông Carl Skau - phó giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên Hiệp Quốc ngày 28-7. "Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có bất kỳ cuộc đàm phán nào về ngũ cốc miễn phí. Chưa có bên nào tiếp cận chúng tôi để bàn chuyện này", ông Carl Skau khẳng định.
Cách đây hai tuần, Nga đã rút khỏi thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc an toàn qua Biển Đen. Khi thỏa thuận giữa Nga với Ukraine do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ còn hiệu lực, WFP là một trong những bên mua nhiều ngũ cốc từ Ukraine.
Số ngũ cốc này sau đó được chuyển đến các nước nghèo ở châu Phi như Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan. Việc Nga rút khỏi thỏa thuận khiến Liên Hiệp Quốc lo lắng nguồn ngũ cốc viện trợ cho các nước sẽ thiếu hụt.
Châu Phi trách khéo ông Putin ngay tại Nga
Hôm 27-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ tặng hàng chục ngàn tấn ngũ cốc cho một số nước châu Phi. Nói về điều này, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Azali Assoumani cho rằng như vậy là "không đủ".
"Tổng thống Nga đã nói ông ấy sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trong nguồn cung ngũ cốc", ông Assoumani nêu vấn đề trong phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở St Petersburg ngày 28-7.
"Vâng, điều đó quan trọng, nhưng có thể vẫn chưa đủ. Chúng ta cần đạt được một lệnh ngừng bắn", người đứng đầu AU nêu quan điểm.
Theo Hãng tin Reuters, nhiều lãnh đạo châu Phi và AU đã thúc giục kết thúc xung đột Ukraine trong hội nghị ở St Petersburg.
ặc dù không trực tiếp chỉ trích Nga, các tiếng nói của châu Phi ngày 28-7 đã cho thấy có sự phối hợp, được thể hiện ở tông mạnh mẽ hơn trước đây, theo Reuters.
Mỹ lại nhóm họp cùng hai đồng minh Đông Bắc Á
Theo thông báo ngày 28-7 của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc tại Trại David (Mỹ) vào ngày 18-8 tới. Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn sẽ bàn cách củng cố hơn nữa quan hệ liên minh.
Cụ thể, ba nhà lãnh đạo sẽ thảo luận mở rộng hợp tác ba bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm cả việc giải quyết "mối đe dọa liên tục do Triều Tiên gây ra" và tăng cường quan hệ với ASEAN cũng như các đảo quốc Thái Bình Dương.
Nhật Bản, Hàn Quốc đã và đang tiến tới hàn gắn các mối quan hệ song phương căng thẳng sau nhiều năm bất hòa về các vấn đề lịch sử. Đây là điều Mỹ muốn nhìn thấy và thúc đẩy trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ở khu vực ngày càng gay gắt, theo Reuters.
Mừng sinh nhật nhà vua
Ảnh của EPA
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha dẫn đầu nội các và các quan chức chính phủ đến chào quốc vương Vajiralongkorn tại lễ mừng sinh nhật 71 tuổi của nhà vua hôm 28-7.