Chuyên mục  


Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 25/11 tuyên bố sẽ áp mức thuế mới với toàn bộ sản phẩm nhập khẩu vào nước này từ Trung Quốc, Mexico, Canada, ngay khi ông nhậm chức vào tháng một năm sau.

Theo đó, các mặt hàng từ Mexico và Canada sẽ phải chịu mức thuế 25% và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế bổ sung 10%.

Ông Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Raleigh, Bắc Carolina ngày 4/11. Ảnh: AFP

Giới chuyên gia nhận định kế hoạch tăng thuế của ông Trump có thể mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp của Mỹ, từng phải chật vật cạnh tranh với những nhà sản xuất nước ngoài có chi phí thấp hơn. Đòn áp thuế với hàng nước ngoài sẽ khiến nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nội địa tăng lên, qua đó chính phủ Mỹ cũng nhận được thêm tiền thuế từ doanh nghiệp trong nước.

Nhưng lịch sử cho thấy nhóm được hưởng lợi sẽ thấp hơn nhiều so với số người tiêu dùng và nhà nhập khẩu chịu thiệt hại vì đòn thuế quan. Ngoài ra, khi bị áp thuế, quốc gia bị ảnh hưởng cũng thường có biện pháp thương mại đáp trả, kéo theo hàng loạt hệ lụy trên thị trường.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaumon hôm 27/1 tuyên bố Mexico chắc chắn sẽ trả đũa nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế. Chính phủ Mexico cảnh báo việc áp thuế 25% với hàng hóa từ nước này sẽ khiến Mỹ mất 400.000 việc làm và khiến giá hàng hóa leo thang.

Cùng ngày, một quan chức cấp cao Canada nói với AP rằng nước này đang xem xét các biện pháp áp thuế trả đũa với một số mặt hàng nhất định từ Mỹ nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa thuế quan.

Những cảnh báo về thuế từ Tổng thống đắc cử Mỹ đã đảo ngược dự báo của nhiều nhà kinh tế khi cho rằng mức thuế thực tế ông áp đặt sẽ không lớn hơn mức thuế ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Ông Trump trước đây nói rằng sẽ áp thuế 60% với hàng hóa Trung Quốc và 10-20% với các nước còn lại.

Các nhà kinh tế tại Phòng thí nghiệm Ngân sách thuộc Đại học Yale đã phải thay đổi ước tính của họ về tác động của các chính sách thuế dưới thời Trump với nền kinh tế Mỹ.

Theo họ, thuế quan 25% đối với Canada và Mexico, và 10% tăng thêm vào mức thuế hiện tại đối với Trung Quốc, kết hợp với các biện pháp thuế trả đũa từ những quốc gia này, sẽ làm tăng giá tiêu dùng của Mỹ thêm 9,75% vào năm tới.

Con số giảm xuống 0,65% nếu các hộ gia đình chọn sản phẩm sản xuất trong nước hoặc hàng nhập khẩu từ những nước có mức thuế quan thấp hơn. Dù vậy, nó vẫn khiến sức mua của mỗi hộ gia đình Mỹ giảm tới 1.000 USD.

Nếu thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc được áp dụng chồng lên mức 60% mà ông Trump đã tuyên bố, tác động của lạm phát ước tính còn lớn hơn, tạo ra cú sốc đối với nền kinh tế.

Ngoài việc tăng chi phí mà người Mỹ phải trả cho hàng hóa, lạm phát cao có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất ít hơn dự kiến trong năm tới. Điều đó sẽ khiến lãi suất đối với các khoản nợ thẻ tín dụng và các khoản vay khác vẫn giữ ở mức cao.

Rafael Garcia, 56 tuổi, người ủng hộ ông Trump, nói rằng ông cảm thấy bất ngờ sau khi nghe về kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống đắc cử.

"Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng tình rằng ông ấy sẽ áp thuế các quốc gia khác", Garcia nói, ám chỉ Trung Quốc. "Tôi khá lo lắng, không biết liệu nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng hay không".

Tuy nhiên, kế hoạch mới từ Tổng thống đắc cử không khiến Garcia suy nghĩ lại về lá phiếu của mình. "Tôi vẫn tin tưởng vào quyết định ông Trump đưa ra và cách ông ấy hành động", ông nhấn mạnh.

Garcia không thực sự quan tâm đến việc ngân sách gia đình ông có thể bị ảnh hưởng dù thừa nhận giờ đây, thói quen uống rượu tequila của ông dường như sẽ phải thay đổi.

"Thay vì ba ly, tôi có thể uống một ly", ông nói đùa.

Theo Nancy Burrell, thủ thư đã nghỉ hưu 76 tuổi ở Zionsville, Indiana, bà hoàn toàn hiểu thuế quan có thể làm tăng giá hàng hóa trong nước, nhưng tin rằng chính quyền Trump sẽ đảo ngược hướng đi nếu điều đó xảy ra.

"Tôi không thực sự lo lắng", Burrell cho hay. "Chúng tôi đã sống trong nỗi đau vật giá suốt thời gian qua rồi. Liệu lạm phát có tệ hơn hiện tại không? Tôi nghĩ là không".

Kimberly Clausing, nhà kinh tế tại Trường Luật Đại học California ở Los Angeles, cho biết người tiêu dùng Mỹ sẽ thấy giá cả tăng không chỉ sau thời điểm thuế quan được áp dụng mà còn trong cả quá trình chuẩn bị, khi các cửa hàng và doanh nghiệp đổ xô đặt trước các mặt hàng dự trữ. Gỗ từ Canada là một ví dụ.

"Nếu tôi là một xưởng gỗ, tôi sẽ đặt hàng mạnh ngay hôm nay. Nhu cầu mua hàng tăng đột biến như vậy sẽ đẩy giá nguyên liệu lên cao", Clausing giải thích. Giá gỗ tăng sẽ tạo áp lực lớn hơn lên hóa đơn của các hộ gia đình Mỹ đang có kế hoạch cải tạo nhà.

Một số người tiêu dùng cũng đang cố gắng hành động trước khi mức thuế quan mới được áp dụng.

Tại Boynton Beach, Florida, Rochelle Satchell, 61 tuổi, cho biết bà đã trì hoãn thay thế chiếc iPhone nứt camera của mình nhưng giờ đây, bà tính sẽ mua chiếc mới ngay trước khi ông Trump nhậm chức.

"Giá sẽ cao gấp 10 lần vào năm tới", Satchell, người đã bỏ phiếu cho Phó tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng, nói.

Các nhà kinh tế lưu ý cách thuế quan ảnh hưởng đến giá tiêu dùng có thể khó lường. Đầu tiên, cả doanh nghiệp Mỹ và nhà nhập khẩu mà họ mua hàng đều có thể phải chịu một số chi phí thuế. Nhưng còn có nguy cơ xảy ra hiệu ứng lan tỏa, khi các nhà cung cấp cạnh tranh bên ngoài Canada, Mexico và Trung Quốc tận dụng cơ hội này để tăng giá.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhóm nghiên cứu tại Washington, ước tính giá cả sẽ tăng 1% nếu ông Trump áp dụng mức thuế quan mới. Viện cũng ước tính đến năm 2026, GDP Mỹ sẽ thấp hơn 0,6% so với mức bình thường và tổng số việc làm tại nước này sẽ giảm hơn 1%.

Marcus Noland, chuyên gia cấp cao tại Viện Peterson, cho hay người dân tại các khu vực biên giới như Laredo, bang Texas, có thể chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên đến hai chữ số.

"Đó là nơi xe tải thông quan. Công việc của họ là trung gian thương mại, nhưng nếu không có giao thương, họ sẽ mất việc", ông giải thích.

Việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, giảm 3,1% so với mức bình thường. Việc làm trong lĩnh vực sản xuất bền vững, như chế tạo ôtô và các hàng hóa lâu bền khác, sẽ giảm 5,4%.

Đặc biệt, các nhà sản xuất ôtô có thể gặp rủi ro rất lớn. Họ đã trở nên phụ thuộc vào mạng lưới nhà máy và nhà cung cấp phụ tùng trải dài khắp Mỹ, Mexico và Canada kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ có hiệu lực cách đây 30 năm và sau đó là Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada.

Khách hàng tại một siêu thị ở Chicago, Mỹ, hồi tháng 9. Ảnh: AP

Các nhà phân tích tại Wolfe Research đánh giá mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada có thể làm giá một chiếc ôtô tăng trung bình 3.000 USD.

Tara Lee, 50 tuổi, chủ sở hữu một cửa hàng chăm sóc thú cưng ở Knoxville, Tennessee, lo lắng mức thuế quan mà Tổng thống đắc cử vừa công bố sẽ gây căng thẳng cho doanh nghiệp của bà.

Theo đó, Lee sẽ phải tăng phí dịch vụ chăm sóc thú cưng nếu giá các mặt hàng như lược chải lông và khăn tắm bà mua từ những thương hiệu ở Trung Quốc cao hơn. Bà cũng lo rằng những khách hàng vốn đã quá căng thẳng vì vật giá sẽ ngừng chi tiền cho các dịch vụ không thiết yếu.

"Họ sẽ không có thêm tiền để cắt lông cho thú cưng. Ngay cả khi vẫn phải làm việc đó, họ sẽ kéo dài thời gian từ 6 tuần lên 8 hoặc 10 tuần chẳng hạn", bà nói.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020