Israel ngày 26/11 thông báo nước này đồng ý ngừng bắn với Hezbollah theo thỏa thuận do Mỹ - Pháp làm trung gian. Lệnh ngừng bắn bắt đầu từ sáng 27/11, dự kiến kéo dài 60 ngày, nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phát tín hiệu cảnh báo rằng thời gian hiệu lực của thỏa thuận còn tùy vào diễn biến thực tế.
Mỹ và Pháp hồi tháng 9 đưa ra một đề xuất ngừng bắn với các điều khoản tương tự trong 21 ngày, nhưng bị Thủ tướng Netanyahu bác bỏ. Ông Netanyahu hôm 26/9 tuyên bố Israel sẽ "tiếp tục tấn công toàn lực nhằm vào Hezbollah và không ngừng cho đến khi đạt được mọi mục tiêu".
Mỹ và Pháp đã rất bất ngờ, vì họ cho biết đã thông báo đầy đủ dự thảo thỏa thuận cho phía Israel và "không thể hiểu nổi" vì sao Thủ tướng Netanyahu lại đưa ra lời bác bỏ như vậy.
Đúng hai tháng sau, ông Netanyahu nêu ba lý do để thay đổi quan điểm với thỏa thuận ngừng bắn, gồm để Israel tập trung vào mối đe dọa từ Iran, khôi phục sức mạnh cho quân đội và cô lập Hamas, nhóm đồng minh của Hezbollah cùng nằm trong Trục Kháng chiến do Iran hậu thuẫn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Tel Aviv ngày 18/6. Ảnh: AFP
Giao tranh Israel - Hezbollah bùng phát tháng 10/2023, sau khi nhóm vũ trang tiến hành các cuộc tập kích vào lãnh thổ Israel để bày tỏ đoàn kết với lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Các đòn đáp trả qua lại giữa hai bên đã khiến hàng chục nghìn người sống tại các thị trấn, thành phố miền bắc Israel phải di tản sâu hơn vào nội địa.
Israel từ tháng 9 quyết định mở mặt trận mới nhằm vào Hezbollah, nhằm đảm bảo an ninh để người dân ở miền bắc nước này có thể quay về nhà. Họ sau đó tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ vào lãnh thổ Lebanon, với mục tiêu đẩy lùi Hezbollah tới bờ bắc sông Litani, cách biên giới khoảng 30 km.
Nhưng sau vài tuần giao tranh dữ dội, Israel nhận ra sức mạnh quân sự của họ không phải là vô hạn, trong khi Hezbollah mạnh hơn nhiều so với Hamas.
Yaakov Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Netanyahu, hiện là nhà nghiên cứu tại viện chính sách Jinsa, Mỹ, chỉ ra rằng Israel đang cạn dần kho vũ khí dự trữ, trong khi binh sĩ cũng phải chịu áp lực rất lớn vì liên tục tham chiến trên nhiều mặt trận trong thời gian dài.
"Israel không thể kéo dài chiến sự với quy mô như hiện tại ở hướng bắc", Amidror nói với Financial Times, thêm rằng Israel không thể "đánh gục hoàn toàn" Hezbollah như mong muốn của ông Netanyahu.
"Bản thân ông Netanyahu đã thừa nhận một trong những lý do chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn là để quân đội Israel có thời gian phục hồi sức mạnh và kho vũ khí", Hussein Chokr, nhà nghiên cứu chính sách và vấn đề đối ngoại tại Beirut, trả lời Press TV, thêm rằng Hezbollah đã đạt mục tiêu trong cuộc chiến tiêu hao này.
Người dân Israel cũng mệt mỏi vì chiến sự dai dẳng và ngày càng có xu hướng ủng hộ lệnh ngừng bắn.
"Rõ ràng ông Netanyahu muốn ngừng bắn để giảm áp lực từ trong nước, khi ngày càng nhiều người Israel phải di tản do xung đột và cư dân miền bắc yêu cầu chính phủ phải hành động", ông Chokr bổ sung.
Ông Netanyahu còn đối mặt sức ép từ phe Do Thái chính thống giáo siêu bảo thủ trong liên minh cầm quyền về việc soạn luật miễn trừ nhập ngũ với người theo tôn giáo này. Mặt trận với Hezbollah bình lặng đồng nghĩa nhu cầu huy động binh sĩ giảm theo. Ngoài ra, một quy định miễn trừ như vậy nếu được thực thi sẽ gây bất bình cho những người không theo Do Thái giáo chính thống.
Ông Chokr cho biết Hezbollah vẫn phóng rocket nhằm vào lãnh thổ Israel, trái với những tuyên bố từ ông Netanyahu rằng quân đội Israel đã phá hủy đáng kể kho vũ khí của nhóm vũ trang.
"Đây cũng là yếu tố khiến nội các thời chiến của ông Netanyahu phải theo đuổi một lệnh ngừng bắn. Sự kháng cự mạnh mẽ từ Hezbollah khiến Israel không thể giảm bớt áp lực. Họ chọn giải pháp quân sự để thay đổi bối cảnh an ninh ở Lebanon, nhưng đã thất bại", ông Chokr nói.
Vị trí Israel, Lebanon và Dải Gaza. Đồ họa: BBC
Theo hai nguồn thạo tin, tình hình chính trường Mỹ cũng tác động đáng kể đến tính toán của ông Netanyahu với thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức trong gần hai tháng tới, đã tuyên bố muốn chấm dứt các cuộc xung đột càng sớm càng tốt.
"Chiến tranh không thể kéo dài mãi. Ông Trump muốn chấm dứt nó và ông Netanyahu nhận thức được điều này", một nguồn tin nói.
Thời gian ngừng bắn 60 ngày chính là giai đoạn chuyển tiếp từ cuối nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden cho đến ngày ông Trump, mang quan điểm ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn, nhậm chức.
"Ông Netanyahu hiểu rằng nếu tiếp tục khước từ thỏa thuận vào lúc này, chính quyền ông Biden có thể có 'động thái bất thường' nhằm vào Israel, bao gồm tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", theo nguồn tin thứ hai. Ông Netanyahu đã nhiều lần phớt lờ lời khuyên của ông Biden và có động thái khiến "lò lửa" Trung Đông tăng nhiệt.
Bởi vậy, thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah vào đúng thời điểm này giúp Thủ tướng Israel ghi "cú đúp".
Nó trao cho Tổng thống Biden một thắng lợi ngoại giao cuối nhiệm kỳ sau nhiều tháng nỗ lực để chấm dứt xung đột ở Trung Đông. Thỏa thuận cũng giúp Tổng thống đắc cử Trump bớt một vấn đề phải giải quyết khi nhậm chức.
Xe tăng Israel tuần tra dọc biên giới giữa Israel với Gaza ngày 21/10. Ảnh: AFP
Một yếu tố nữa là dù chỉ trích thỏa thuận làm Israel mất cơ hội loại bỏ hoàn toàn Hezbollah, phe cực hữu trong chính quyền Thủ tướng Netanyahu cũng không dọa lật đổ ông như từng cảnh báo sẽ làm vậy nếu Israel chấp nhận ngừng bắn ở Gaza.
Ngoài ra, thỏa thuận còn giúp cắt đứt liên hệ giữa hai mặt trận của Hezbollah và Hamas. Hezbollah trước đó tuyên bố sẽ không ngừng tập kích Israel để thể hiện ủng hộ Hamas cho đến khi chiến sự Gaza chấm dứt.
"Không còn sự kết nối giữa hai mặt trận. Với Israel, đây là thành công quan trọng", ông Amidror nhận định. Trục kháng chiến của Iran đã nứt gãy và Israel có thể chuyển quân cùng khí tài từ miền bắc xuống phía nam để thực hiện mục tiêu loại bỏ Hamas.
"Giờ đây, Hamas sẽ phải chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn nếu nhóm vũ trang muốn đạt thỏa thuận ngừng bắn", Amidror nhấn mạnh.
Như Tâm (Theo FT, Press TV, The Conversation)