Chuyên mục  


Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 27/11 thông báo chọn tướng về hưu Keith Kellogg làm trợ lý kiêm đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Nga.

"Keith đã đồng hành cùng tôi từ những ngày đầu. Cùng với nhau, chúng tôi sẽ bảo vệ hòa bình thông qua sức mạnh, khiến Mỹ và thế giới an toàn trở lại", ông Trump cho hay.

Kellogg sinh ngày 12/5/1944 tại Dayton, bang Ohio. Ông là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em, đều là những người thành đạt, có địa vị trong xã hội.

Anh trai ông, Mike Kellogg, là thẩm phán tòa thượng thẩm hạt Los Angeles. Em gái Kathy là cựu diễn viên và hiện là nhà tâm lý học lâm sàng. Em trai Jeff là cựu thành viên hội đồng thành phố Long Beach, bang California.

Ông nhập ngũ năm 1967, lấy bằng thạc sĩ về các vấn đề quốc tế tại Đại học Kansas trong thời gian phục vụ quân đội. Sau đó, ông tiếp tục theo học về ngoại giao và quản lý cấp cao tại Học viện Chiến tranh Quân đội Mỹ.

Năm 1980, ông kết hôn với Paige, sĩ quan thuộc lực lượng lính dù Mỹ, và có với nhau ba con.

Trong Chiến dịch Lá chắn Sa mạc thuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990-1991, ông Kellogg giữ chức tham mưu trưởng Sư đoàn Dù 82 và lên chức sư đoàn trưởng năm 1996.

Ông từng được bổ nhiệm làm chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặc biệt châu Âu (SOCEUR) và phục vụ cho Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Ông Donald Trump (trái) và tướng về hưu Keith Kellogg tại Mar-a-Lago, Palm Beach, bang Florida hồi tháng 2/2017. Ảnh: AP

Trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, sau khi chiếc máy bay lao vào Lầu Năm Góc, Kellogg đảm nhận vai trò chỉ huy thay thế tại khu phức hợp Raven Rock Mountain cùng với thứ trưởng quốc phòng Paul Wolfowitz.

Ông nghỉ hưu năm 2003 với cấp bậc trung tướng. Từ tháng 12/2003 đến năm 2004, ông giữ chức vụ cấp cao trong Chính quyền lâm thời liên quân (CPA) tại Baghdad, chính quyền chuyển tiếp của Iraq sau cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu năm 2003. Ông chịu trách nhiệm đảm bảo quá trình tái thiết quy mô lớn và được trao huân chương vì những đóng góp của mình trong thời gian phục vụ tại CPA.

Keith Kellogg cũng từng làm việc cho một số công ty tư nhân với vai trò cố vấn về an ninh nội địa sau khi nghỉ hưu.

Tháng 3/2016, Kellogg được bổ nhiệm làm cố vấn chính sách đối ngoại cho ứng viên tổng thống Donald Trump. Sau khi ông Trump đắc cử, Kellogg được yêu cầu phụ trách nhóm chuyển giao quyền lực về quốc phòng.

Đầu năm 2017, sau khi cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức, Kellogg đảm nhận vai trò quyền cố vấn trong thời gian chờ bổ nhiệm người mới. Tổng thống Trump đã phỏng vấn Kellogg và 3 ứng viên cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, nhưng cuối cùng người được chọn là tướng H. R. McMaster.

Tháng 4/2018, phó tổng thống Mike Pence khi đó chọn Kellogg làm cố vấn an ninh quốc gia của ông. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết Kellogg vẫn tiếp tục vai trò trợ lý cho tổng thống Trump.

Vào cuối nhiệm kỳ thứ nhất, ông Trump bị Hạ viện luận tội với cáo buộc gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, gây sức ép để giới chức Ukraine điều tra Hunter Biden, con trai ông Joe Biden.

Kellogg đã ra sức bảo vệ ông Trump, cho biết ông "không nghe thấy điều gì sai trái hoặc không phù hợp" trong cuộc điện đàm giữa ông chủ Nhà Trắng và Tổng thống Zelensky.

Ông cũng được coi là nhân chứng chủ chốt của ủy ban điều tra Hạ viện về vụ bạo loạn ngày 6/1/2021, vì đã ở cùng ông Trump tại Nhà Trắng vào thời điểm xảy ra sự việc. Kellogg làm chứng trước ủy ban vào tháng 12/2021, nói rằng đội ngũ nhân viên đã khuyên Tổng thống Trump nên hành động ngay để dập tắt cuộc bạo loạn, nhưng ông từ chối.

Binh sĩ Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 14 của Ukraine khai hỏa pháo phản lực bắn loạt tự hành BM-21 Grad tại một vị trí gần Kupyansk, vùng Kharkov ngày 18/4. Ảnh: AFP

Sau khi rời Nhà Trắng, Kellogg là đồng chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ thuộc Viện Chính sách Nước Mỹ trước tiên, tổ chức nghiên cứu bảo thủ có liên kết với ông Trump. Trong vai trò đó, ông hồi tháng 4 cùng với Fred Fleitz viết bài nghiên cứu học thuật về cuộc xung đột Ukraine, ủng hộ chính sách "tìm kiếm lệnh ngừng bắn và giải quyết xung đột thông qua đàm phán".

"Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và tăng cường khả năng phòng thủ để đảm bảo Nga không tiến hành chiến dịch tiếp theo ở nước láng giềng sau khi đạt thỏa thuận ngừng bắn hoặc hòa bình. Tuy nhiên, viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ yêu cầu Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Nga", bài viết có đoạn.

Ông cũng đề xuất biến vũ khí viện trợ của Mỹ cho Ukraine như công cụ để thuyết phục Nga chấp nhận đàm phán. Kellogg nói trong cuộc phỏng với Reuters hồi tháng 6 rằng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối cơ hội đàm phán, Mỹ sẽ tăng áp lực ngoại giao và có thể cung cấp cho Kiev "mọi thứ họ cần" để chiến đấu với Moskva.

Khi được hỏi liệu có ủng hộ lập trường trong bài viết của Kellogg hay không, Tổng thống đắc cử Trump nói với NBC News rằng "tôi là người duy nhất có thể ngăn chặn chiến tranh. Ngay từ đầu, nó không nên xảy ra", thêm rằng các quốc gia châu Âu nên viện trợ nhiều hơn.

Ông Trump nhiều lần hứa hẹn chấm dứt xung đột ngay trong ngày đầu nhậm chức, nhưng không nêu rõ về kế hoạch thực hiện. Ông từng nói với phóng viên trong cuộc gặp Tổng thống Zelensky hồi tháng 9 rằng "chúng tôi sẽ làm rất nhiều việc với cả hai bên để cố gắng giải quyết vấn đề".

Bình luận với Fox News về động thái gỡ rào vũ khí của chính quyền ông Biden tháng này, Kellogg cho hay quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tập kết lãnh thổ Nga "thực sự mang lại cho ông Trump nhiều đòn bẩy", tăng khả năng xoay chuyển cục diện.

Giới quan sát dự đoán ông Kellogg sẽ phối hợp chặt chẽ với cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz của chính quyền mới để thực hiện kế hoạch nhanh chóng giải quyết xung đột Ukraine. Waltz ca ngợi lựa chọn của ông Trump trên bài đăng X, nói rằng Kellogg đã "cam kết đưa cuộc chiến ở Ukraine tới giải pháp hòa bình".

Thùy Lâm (Theo AP, Washington Post, NBC News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020