Chuyên mục  


afp2024091136g2623v1previewrussiabricssecurity-17289182724941737236016.jpg

Một cuộc họp của các quan chức cấp cao chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh của các nước thành viên thuộc BRICS hồi tháng 9-2024 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters ngày 14-10, là chủ tịch luân phiên của BRICS năm nay, Nga kêu gọi các nước đối tác tạo ra một giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để chống lại áp lực chính trị từ các quốc gia phương Tây, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS trong tháng này.

Ban đầu bao gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, khối BRICS hiện nay đã kết nạp thêm các thành viên là Nam Phi, Ai Cập , Ethiopia, Iran và UAE.

Theo đó, nhiều lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương của các nước thành viên BRICS trong tuần này đang có cuộc họp tại Matxcơva.

Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng các nước phương Tây đang kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu, và BRICS - nhóm đại diện cho 37% nền kinh tế toàn cầu, cần phải tạo ra một giải pháp thay thế.

"IMF và Ngân hàng Thế giới không thực hiện vai trò của mình. Họ không làm việc vì lợi ích của các nước BRICS", ông Siluanov phát biểu.

Theo Reuters, Nga đã đóng băng nguồn dự trữ ngoại hối USD và euro, cũng như hệ thống tài chính của nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022. Nga cũng bị chặn khỏi thị trường vốn quốc tế.

Matxcơva trong thời gian này gặp phải tình trạng chậm trễ trong giao dịch quốc tế với các đối tác thương mại, bao gồm cả các nước thành viên BRICS, vì các ngân hàng ở các nước này lo ngại các hành động trừng phạt từ các cơ quan quản lý phương Tây.

Cho đến nay, tổ chức tài chính duy nhất mà các quốc gia BRICS thành lập là Ngân hàng Phát triển mới (New Development Bank). Ngân hàng này thành lập vào năm 2015 nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững tại các nước thành viên BRICS và các nền kinh tế mới nổi khác.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020