Chuyên mục  


Sau gần hai năm kể từ khi nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022, Thụy Điển giờ đây mới thực sự đứng trước cánh cửa vào liên minh. Quốc hội Hungary ngày 26/2 phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, dỡ bỏ rào cản cuối cùng với quốc gia Bắc Âu.

Sau khi Budapest hoàn tất quy trình thông qua đơn gia nhập NATO của Stockholm, văn kiện sẽ được chuyển cho Mỹ để tiến hành các thủ tục tiếp theo. Thụy Điển sau đó sẽ được mời tham gia Hiệp ước Washington để trở thành thành viên thứ 32 của khối.

Điều này đồng nghĩa NATO sẽ có thêm một thành viên sở hữu lực lượng quân đội mạnh mẽ, giúp tăng cường an ninh và khả năng phòng thủ quan trọng cho sườn đông của khối. Thụy Điển từ lâu đã thi hành chính sách quốc phòng toàn diện, thu hút toàn dân tham gia nghĩa vụ bảo vệ đất nước.

"Tất cả người dân trong độ tuổi 16-70 là một phần chiến lược quốc phòng toàn diện của Thụy Điển", trang web thông tin khẩn cấp của chính phủ cho hay.

Bằng cách truyền tải nhu cầu đảm bảo an ninh cho đất nước tới từng người dân, Thụy Điển nhận được ủng hộ rộng rãi của dư luận với lĩnh vực quân sự, trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ, xuất khẩu vũ khí.

"Tôi nghĩ đây là lĩnh vực mà Thụy Điển đã đạt kết quả vượt mong đợi", Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson nói.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) trên tàu chiến 90H trong chuyến thăm căn cứ hải quân Berga ngày 20/4/2023. Ảnh: AFP

Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan trong nhiều thập kỷ theo đuổi chính sách không liên minh quân sự, đảm bảo sự trung lập bằng cách đầu tư rất nhiều vào quốc phòng và dành nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản bị tấn công.

Tuy nhiên, hai tháng sau khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine, hai nước Bắc Âu cùng quyết định chấm dứt chính sách không liên minh và xin gia nhập NATO. Phần Lan tháng 4/2023 gia nhập NATO thành công, sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên, trong khi Thụy Điển lúc đó gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Hiện tại, tất cả rào cản đã được dỡ bỏ.

"Đây là thay đổi lớn đối với khả năng răn đe và phòng thủ của NATO, cũng như là bất ngờ mang tính chiến lược, trái ngược với những tính toán trước đây của Nga", Oana Lungescu, thành viên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.

Theo các quan chức châu Âu, hai thành viên Bắc Âu mang tới cho NATO một tư duy quân sự hoàn toàn mới. Thụy Điển đã xây dựng phần lớn chính sách an ninh của mình dựa trên kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của Phần Lan. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Stockholm bắt đầu áp dụng chiến lược "phòng thủ toàn diện".

Chính phủ Thụy Điển đã ban hành ấn phẩm dài 20 trang với tiêu đề "Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh xảy ra", khuyến nghị người dân "cần phải phản kháng" nếu quốc gia bị tấn công.

Stockholm đã tăng cường phòng thủ dân sự và kêu gọi người dân tích trữ sẵn nhu yếu phẩm đủ cho hai tuần, gồm thực phẩm, nước và máy thu thanh. Cơ quan Ứng phó Tình huống khẩn cấp Dân sự Thụy Điển, nơi thúc đẩy các kế hoạch ứng phó thảm họa tự nhiên, khủng bố hoặc tấn công mạng và chiến tranh, đã phối hợp chặt chẽ với quân đội nước này trong việc lên kế hoạch dự phòng.

"Lực lượng vũ trang Thụy Điển phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng dân sự trong nhiều lĩnh vực, từ giao thông vận tải tới chăm sóc y tế", Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Jonson nói.

Quốc gia này cũng học hỏi Phần Lan trong việc nâng cao nhận thức của người dân về mối đe dọa từ thông tin sai lệch trên mặt trận thông tin, giúp họ nhận ra rằng tình hình an ninh của đất nước và châu Âu đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây, theo Vera Jourova, ủy viên Liên minh châu Âu (EU).

Vị trí Thụy Điển và các nước đã gia nhập NATO. Đồ họa: Tiến Thành

Kết quả là sự ủng hộ của người dân Thụy Điển với lực lượng vũ trang đạt mức 81% năm ngoái, theo khảo sát của Cơ quan Quản lý Vật tư Quốc phòng Thụy Điển. Đây là mức cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu thực hiện năm 2012, thời điểm tỷ lệ ủng hộ đạt mức 56%.

Chính sách "toàn dân, toàn diện" của Thụy Điển rất đáng chú ý, bởi giống hầu hết các nước châu Âu, quốc gia này không có chung biên giới trên bộ với Nga và từ lâu đã tìm cách hợp tác với Moskva thông qua các thỏa thuận kinh tế, năng lượng, ngoại giao. Các lãnh đạo Anh, Đan Mạch và NATO gần đây kêu gọi các nước châu Âu khác làm theo Phần Lan và Thụy Điển, trong bối cảnh mối đe dọa bên ngoài ngày càng tăng.

"Cách tiếp cận toàn dân này là điều mà tất cả chúng tôi đang nghĩ tới", Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Kajsa Ollongren nói. "Tại Hà Lan, người dân cho rằng đảm bảo an ninh là trách nhiệm của quân đội, nhưng chính phủ đang cố gắng thay đổi quan niệm đó".

Chính sách toàn dân này kết hợp với lĩnh vực công nghệ dân sự bùng nổ của Thụy Điển đã giúp cho ngành sản xuất vũ khí của họ luôn đi đầu châu Âu. Đất nước có khoảng 10,6 triệu dân đã thiết kế và sản xuất chiến đấu cơ của riêng họ mang tên Saab Gripen.

Tập đoàn hàng không Saab của Thụy Điển thậm chí còn phát triển tàu ngầm hiện đại, đồng thời hợp tác với Boeing sản xuất Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) cho Ukraine và máy bay huấn luyện Red Hawk T-7 cho không quân Mỹ.

Sức mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Điển bắt nguồn từ những năm theo đuổi chính sách không liên minh. Các lãnh đạo Thụy Điển không chỉ muốn có quân đội đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, mà còn muốn tự cung tự cấp vũ khí. Thụy Điển thậm chí trở thành một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Ngày nay, Thụy Điển cũng tận dụng những công nghệ hiện đại trong lĩnh vực dân sự để tích hợp vào quốc phòng, như chế tạo cảm biến quân sự, hệ thống tác chiến điện tử và thiết bị kỹ thuật số khác phục vụ cho chiến trường.

Chính phủ Thụy Điển năm ngoái ra mắt Sáng kiến Đổi mới Quốc phòng mà ông Jonson cho biết nhằm mục đích tích hợp mạnh mẽ công nghệ dân sự và quân sự, thắt chặt thêm mối quan hệ giữa người dân và lực lượng vũ trang.

"Thụy Điển có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho NATO trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp quốc phòng và những công nghệ hàng đầu", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một cuộc họp của liên minh gần Stockholm hồi tháng 10/2023.

Thanh Tâm (Theo WSJ, AFP, CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020