Ông Nirvana Chaudhary (giữa) - Ảnh: THE CEO MAGAZINE
Giữ vững gia môn, phát triển gia thế
Công ty nghiên cứu Wealth-X cho biết con số 2,5 nghìn tỉ USD nói trên là một phần của đợt chuyển giao tài sản toàn cầu trị giá 18,3 nghìn tỉ USD diễn ra vào cuối năm 2030.
Theo báo cáo năm 2023 của 2 công ty quản lý tài sản Campden Wealth (Anh) và Raffles Family Office (Singapore), khoảng 47% gia đình giàu nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ trao lại cơ ngơi cho con cái của họ.
Khoản tiền này cao hơn cả GDP hằng năm của Trung Quốc và gấp 6 lần vốn hóa thị trường của gã khổng lồ công nghệ Microsoft (Mỹ).
Chuyên gia Peter Golovsky, cố vấn tài sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn tư vấn tài chính Berkshire Global Advisors, cho biết ban đầu những người đứng đầu gia tộc siêu giàu tại châu Á có xu hướng nắm giữ tài sản cho đến khi họ qua đời, thay vì để lại cho con cái.
Tuy nhiên, tình trạng này dần thay đổi kể từ sau đại dịch COVID-19.
Chứng kiến dịch bệnh tước đi mạng sống của vô số người, giới siêu giàu nhận ra bảo hiểm chỉ là biện pháp tạm thời và khẩn trương lập kế hoạch kế nhiệm cho con cái. Trong đó quan trọng nhất là việc gánh vác đế chế do họ dày công xây dựng.
Bà Lee Wong, trưởng bộ phận dịch vụ tại ngân hàng cá nhân dành cho giới siêu giàu Lombard Odier (Thụy Sĩ), nói rằng khách hàng của bà làm mọi cách để “đối mặt với sự vô thường”.
“(Giới siêu giàu) nhìn thấy những người đã qua đời trong thời gian đại dịch và nhận ra họ cũng có khả năng tử vong, do đó họ cần lập kế hoạch dự phòng”, bà Wong cho biết thêm.
Ông Binod Chaudhary, chủ tịch Tập đoàn Chaudhary - Ảnh: BLOOMBERG
Việc này dẫn đến không ít mâu thuẫn giữa các thế hệ: trong khi người trẻ cân nhắc đầu tư vào các lĩnh vực đang thịnh hành, thì thế hệ đi trước mong muốn họ kế tục ngành nghề truyền thống.
Ông Nirvana Chaudhary (41 tuổi), con trai cả của gia tộc giàu có nhất Nepal, là người điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Chaudhary nổi tiếng. Tuy nhiên, ông Nirvana không thể tự ý đưa ra những quyết định của riêng mình.
“Tin hay không thì tùy, có những lúc tôi muốn làm rất nhiều thứ nhưng ủy ban đầu tư (gia đình) không cho phép và tôi phải tôn trọng điều đó”, ông nói.
Ông Nirvana gánh vác trọng trách nối bước chủ tịch Tập đoàn Chaudhary - ông Binod Chaudhary (68 tuổi). Đây là vị tỉ phú đầu tiên và duy nhất của Nepal.
Tầm nhìn của thế hệ mới
Khu trung tâm thương mại ở Singapore, nơi chứng kiến sự bùng nổ của các tập đoàn gia đình lớn trong những năm gần đây - Ảnh: BLOOMBERG
Theo chuyên gia tài chính Wouter Kneepkens, thế hệ trẻ không còn hứng thú với việc điều hành doanh nghiệp gia đình.
“Thế hệ đầu tiên xây dựng và tạo ra của cải, thế hệ thứ 2 sẽ phát triển dựa trên nền tảng này trong khi thế hệ thừa kế thứ 3 - những người có trình độ học vấn cao nhất - thường ưa thích một nghề nghiệp bên ngoài hoặc tập trung vào lĩnh vực đầu tư”, ông Kneepkens khẳng định.
Thế hệ thứ 3, phần nhiều là Gen Y (Millennials) và Gen Z, chuộng các khoản đầu tư bền vững hoặc những dự án giải quyết vấn đề xã hội, môi trường và quản trị doanh nghiệp - khác với 2 thế hệ trước.
Nói cách khác, thế hệ siêu giàu mới sẵn sàng đầu tư mạo hiểm thay vì “ăn chắc mặc bền” như thế hệ trước đó.
Theo ông Christos Anagnostopoulos - trưởng bộ phận dịch vụ ngân hàng cá nhân Lombard Odeir (Thụy Sĩ), “gần một nửa thế hệ mới ở châu Á sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn thế hệ trước, họ muốn sử dụng công nghệ và thông tin thời gian thực để đưa ra quyết định nhanh hơn”.
Ngoài ra, nghiên cứu của RBC Wealth Management còn cho thấy giới siêu giàu trẻ thường lựa chọn đầu tư vào quỹ phòng hộ, vốn cổ phần tư nhân hoặc các loại tài sản điện tử mới.
Thế hệ này còn có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn do họ tin tưởng vào khả năng kiếm tiền của bản thân.