Chuyên mục  


Brazil là một trong khoảng 16 quốc gia trên thế giới quy định tài xế tham gia giao thông không được có nồng độ cồn trong máu (BAC) trên 0. Trước đó, quốc gia Nam Mỹ này áp dụng nhiều giới hạn nồng độ cồn khác nhau cho người tham gia giao thông.

Brazil từng đặt giới hạn BAC là 0,08% (trong 100 ml máu có 80 mg cồn) vào năm 1989, sau đó giảm xuống còn 0,06% trong Luật Giao thông sửa đổi năm 1998. Khi nhận thấy những quy định này không được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc và hiệu quả giảm tai nạn giao thông không được như kỳ vọng, giới lập pháp Brazil đồng tình rằng họ cần ra một đạo luật riêng để giải quyết vấn nạn tài xế say xỉn.

Đạo luật ra đời vào ngày 19/6/2008 với tên gọi "Lei Seca" (Luật Không cồn) với hiệu lực trên toàn liên bang, cấm tài xế điều khiển các loại phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Luật quy định mức phạt hành chính nặng tay đối với các trường hợp vi phạm, trong đó có phạt tiền, giam bằng lái xe 12 tháng và tạm giữ phương tiện. Tài xế có BAC cao hơn 0,06% có thể bị xử lý hình sự và chịu án tù.

Đạo luật còn tạo cơ sở để chính phủ Brazil cấm mọi doanh nghiệp bán thức uống có cồn trên cao tốc liên bang và thực hành một số biện pháp hạn chế người tham gia giao thông tiếp cận rượu bia.

Chính sách này đã được chính phủ Brazil áp dụng xuyên suốt 16 năm qua với nhiều lần cải tiến, vượt qua những tranh cãi trong dư luận xã hội để góp phần thay đổi nhận thức giao thông của người dân.

Chốt kiểm tra nồng độ cồn tại Rio de Jainero vào năm 2020, khi chính quyền địa phương mở "Chiến dịch Mùa hè" để giảm nạn tài xế say xỉn. Ảnh: Globo

Sau hơn 4 năm triển khai, Brazil tháng 12/2012 tiếp tục cải cách Lei Seca với tên gọi mới là Luật Không dung thứ Lái xe uống rượu bia, còn được gọi là Luật Không cồn Mới (NDL). Đạo luật được điều chỉnh để tương thích với sáng kiến An toàn Đường sá ở 10 nước (RS-10) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối.

Vào thời điểm đó, WHO ước tính 10 nước tham gia sáng kiến RS-10, gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Kenya và Mexico, chiếm khoảng 48% số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông trên toàn thế giới, trong đó nạn tài xế say xỉn là một trong những nguyên nhân đáng kể.

Với luật NDL, giới chức Brazil càng siết chặt hơn cơ chế giám sát hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe. Nước này tăng mức phạt hành chính lên khoảng 10 lần, duy trì các hình thức xử phạt giam bằng lái và giữ phương tiện với tài xế vi phạm nồng độ cồn. NDL còn tạo cơ sở pháp lý cho cảnh sát Brazil bố trí chốt kiểm tra nồng độ cồn ở cấp liên bang lẫn địa phương.

Cảnh sát Brazil thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất trên những tuyến đường có lưu lượng giao thông cao, chặn xe ngẫu nhiên rồi yêu cầu tài xế thổi nồng độ cồn. Những chốt kiểm soát xuất hiện gần nhà hàng và quán bar vào ban đêm trở nên quen thuộc với đời sống thường nhật của người dân nhiều thành phố lớn.

Đến năm 2016, chính phủ Brazil ban bố thêm đạo luật số 13.281 dựa trên NDL, đặt ra những quy định nghiêm khắc hơn nữa đối với mọi trường hợp chống đối kiểm tra nồng độ cồn. Trong đó, người từ chối thổi nồng độ cồn sẽ bị xem là vi phạm ở mức nghiêm trọng, bị tăng mức tiền phạt, thu bằng lái, tịch thu phương tiện và thậm chí là đình chỉ quyền tham gia giao thông.

"Cách làm này có thể gây khó chịu cho một số người và ảnh hưởng phần nào tới giao thông, nhưng nó sẽ khuyến khích người dân hành xử có trách nhiệm hơn và không lái xe khi có cồn trong người", Eduardo Macario, quan chức Bộ Y tế Brazil, bình luận vào năm 2019, khi ông giữ vị trí giám đốc Cơ quan Phân tích Sức khỏe và Giám sát Bệnh không truyền nhiễm.

Tuy nhiên, chính sách mạnh tay với tài xế uống rượu bia ở Brazil gây nhiều tranh cãi pháp lý ngay từ năm 2012, sau khi Lei Seca được sửa đổi thành NDL. Dựa trên Công ước châu Mỹ về Nhân quyền năm 1969, các tổ chức dân sự đã khiếu nại chính phủ liên bang Brazil vi phạm quyền tự do cá nhân được quy định trong hiến pháp khi chặn ngẫu nhiên tài xế trên đường để kiểm tra nồng độ cồn.

Sau một thập kỷ kiện tụng, tranh cãi này cuối cùng được giải quyết vào năm 2022, khi Tòa án Tối cao Brazil ra phán quyết đồng thuận với các biện pháp kiểm tra nồng độ cồn gắt gao của chính phủ.

Các thẩm phán Tòa án Tối cao cho rằng biện pháp thổi nồng độ cồn phục vụ lợi ích xã hội và lợi ích mà chúng mang lại cao hơn lo ngại về quyền cá nhân. Do đó, NDL được xem là hợp hiến và chính phủ được quyền triển khai.

Cảnh sát Brazil yêu cầu lái xe thổi máy kiểm tra nồng độ ở Nova Mutum vào năm 2021. Ảnh: GGI

Các nghiên cứu cho thấy sau hơn 15 năm thực thi, chính sách "không dung thứ" tài xế say xỉn của Brazil nhìn chung đã cải thiện mức độ an toàn giao thông tại nước này.

Theo nghiên cứu đăng tải năm 2023 trên PLOS ONE, nền tảng xuất bản trực tuyến thuộc tổ chức Thư viện Công cộng Mở về Khoa học (PLOS) tại Mỹ, số trường hợp bị phát hiện lái xe sau khi uống rượu bia tại Brazil giảm mạnh ở nhiều địa phương sau khi nước này thực thi NDL và chương trình hành động an toàn giao thông quốc gia.

Số vụ vi phạm nồng độ cồn tại thành phố Belo Horizonte ở đông nam Brazil và thành phố Curitiba ở miền nam lần lượt giảm trung bình 52,29% và 19,51% qua mỗi quý. Xu hướng này cũng được các nhà nghiên cứu ghi nhận ở 13 thành phố khác trên khắp Brazil trong giai đoạn 2013-2023, sau khi NDL được áp dụng đến cấp địa phương.

Trong quý đầu năm 2009, ngay sau khi Brazil ban hành Lei Seca, nước này ghi nhận trung bình 40 vụ tai nạn giao thông và hai ca tử vong mỗi ngày liên quan tài xế say xỉn. Con số này vào năm 2023 đã giảm xuống còn 10 vụ tai nạn và một ca tử vong mỗi hai ngày. Theo thống kê của cơ quan y tế Brazil trong giai đoạn 2010-2021, số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia đã giảm khoảng 32% trên cả nước.

"Đây là những bằng chứng không thể chối cãi rằng 'Luật Không cồn' thật sự hiệu quả và cứu mạng người. Nhiều nước trên thế giới đang xem chúng tôi là hình mẫu để xây dựng luật lệ. Đó cũng không phải điều bất ngờ", Alysson Coimbra, giám đốc khoa học thuộc Hiệp hội Y tế và Giao thông Brazil (Ammetra), bình luận vào năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 15 năm nước này theo đuổi chính sách quy định nồng độ cồn bằng 0 với tài xế.

"Ngăn chặn lái xe say xỉn là cách cứu sống vô số sinh mạng. Công cụ pháp luật cần được thực thi toàn diện để giảm nhanh số ca tử vong và bị thương do tai nạn giao thông", Socorro Gross, đại diện Tổ chức Y tế Toàn châu Mỹ và WHO tại Brazil, bình luận vào năm 2022.

Tuy nhiên, số người nhập viện vì tai nạn giao thông liên quan bia rượu tại Brazil vẫn tăng 34% trong giai đoạn 2010-2021.

Theo Trung tâm Thông tin Y tế và Rượu bia Brazil (CISA), thực trạng này kéo dài một phần do Lei Seca nghiêm ngặt nhưng luật pháp chỉ có thể răn đe và nâng cao ý thức của người dân, chứ không thể ngăn chặn toàn diện. Quá trình thực thi luật pháp còn thiếu đồng bộ giữa các địa phương, khi nguồn lực cảnh sát ở nước này vẫn còn hạn chế.

"Các nỗ lực ngăn chặn tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chỉ hiệu quả khi thực hiện đồng loạt ba yếu tố, gồm áp dụng luật đồng bộ, xử phạt nhanh chóng và nghiêm khắc, đồng thời đẩy mạnh các chương trình giáo dục người dân", chuyên gia tâm lý học Arthur Guerra, chủ tịch CISA, bình luận.

Thanh Danh (Theo Globo, PLOS ONE, VBrum, WHO)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020