Chuyên mục  


Khi đảng Dân chủ tập trung cho đại hội toàn quốc ở Chicago, cựu tổng thống Donald Trump tích cực hoạt động trên mạng xã hội để thúc đẩy chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa.

Ông Trump ngày 19/8 chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social những hình ảnh được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có ảnh ngôi sao nhạc pop Taylor Swift mặc trang phục Chú Sam (biệt danh của nước Mỹ và biểu tượng cho lòng yêu nước), yêu cầu người hâm mộ bỏ phiếu cho ông Trump, cùng dòng chữ "Tôi chấp nhận" của cựu tổng thống.

Bài đăng trên mạng xã hội của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 19/8. Ảnh: realDonaldTrump/Truth Social

Ngoài hình ảnh siêu sao nhạc pop, cựu tổng thống còn chia sẻ một số bức ảnh khác cho thấy những người phụ nữ mặc áo phông in khẩu hiệu "Swifties ủng hộ Trump". Swifties là cách gọi cộng đồng người hâm mộ ca sĩ Taylor Swift.

Đối với những người trong đảng Cộng hòa, việc tập trung vào Taylor Swift, một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới, là nhằm thu hút sự chú ý cho cựu tổng thống vào thời điểm mà phần lớn sự tập trung đang dành cho Phó tổng thống Kamala Harris và đảng Dân chủ.

"Đây là cách ông ấy và chiến dịch tranh cử có thể trở lại tâm điểm tin tức. Tôi không ca ngợi cách họ làm, nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết nếu muốn được chú ý, Taylor Swift là lựa chọn tuyệt vời", Doug Heye, người phát ngôn kỳ cựu của đảng Cộng hòa, nói.

Những người ủng hộ ông Trump cũng thường xuyên tạo các bài đăng và meme trên mạng xã hội bằng cách sử dụng hình ảnh do AI tạo ra, một số trong đó được cựu tổng thống chia sẻ.

Trước khi ông Trump chia sẻ ảnh giả về Swift, những người ủng hộ ông đã tạo và đăng nhiều video, hình ảnh do AI tạo ra nhằm phát thông điệp ngôi sao nhạc pop này ủng hộ Trump.

Các nhà hoạt động chính trị từ lâu lo ngại về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ tác động tới bầu cử. Một số thành viên quốc hội Mỹ đã thúc đẩy luật kiểm soát việc sử dụng hình ảnh do AI tạo ra trong chính trị, nhưng cho đến nay chưa có luật nào được thông qua.

Trên khắp các nền tảng mạng xã hội, những hình ảnh giống như thật gây hiểu lầm về ông Trump và bà Harris đã thu hút hàng triệu lượt xem, trong đó một số người thậm chí không nhận ra đó là hình ảnh do AI tạo ra.

Với tầm ảnh hưởng lớn cùng hàng triệu người hâm mộ, Taylor Swift thường được xem là chủ đề chính trị hấp dẫn trong những năm bầu cử.

Taylor Swift đang lưu diễn ở châu Âu và chưa lên tiếng ủng hộ bất kỳ ứng viên tổng thống nào trong cuộc bầu cử năm nay.

Năm 2020, cô tuyên bố ủng hộ ứng viên Dân chủ Joe Biden. Một tháng trước cuộc bầu cử năm đó, Swift nói ủng hộ ứng viên phó tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận với phó tướng Mike Pence của ông Trump. Cô cũng từng công khai chỉ trích ông Trump trước cuộc bầu cử năm 2020, nói rằng ông châm ngòi cho "ngọn lửa chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và phân biệt chủng tộc".

Người dẫn chương trình Jeanine Pirro của Fox News hồi đầu năm nay cảnh báo Swift không nên tham gia vào chính trị. Sean Hannity của Fox News cũng kêu gọi nữ ca sĩ "suy nghĩ kỹ" về việc ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ tranh cử.

Vivek Ramaswamy, từng tranh đề cử tổng thống đảng Cộng hòa trước khi rút lui và ủng hộ Trump, đã mô tả Swift và bạn trai Travis Kelce là những người có thể tạo ra "sự ủng hộ cho tổng thống" vào mùa thu này.

Steven Cheung, phát ngôn viên của ông Trump, không đề cập tới việc sử dụng hình ảnh giả khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn, nhưng gọi "Swifties ủng hộ Trump" là "phong trào lớn đang lớn thêm mỗi ngày". Sau bài đăng của Trump, một số người ủng hộ nữ ca sĩ dường như không nhận ra đó là ảnh giả và thông báo trên mạng xã hội rằng họ sẽ bỏ phiếu cho cựu tổng thống.

"Các hình ảnh về Taylor Swift này là một ví dụ nữa cho thấy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo trong việc tạo ra thông tin sai lệch và lừa gạt cử tri. Tác hại tiềm tàng đối với xã hội từ những thông tin sai lệch như vậy, gồm cả ảnh hưởng tới cuộc bầu cử, sẽ rất lớn và nghiêm trọng", Lisa Gillbert, đồng chủ tịch Public Citizen, nhóm vận động vì quyền lợi người tiêu dùng, nói.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử ở Michigan ngày 20/7. Ảnh: AFP

Câu hỏi đặt ra hiện giờ là liệu Taylor Swift có khởi kiện hành động của ông Trump hay không và liệu nữ ca sĩ có cơ sở pháp lý để làm điều đó.

Leslie Garfield Tenzer, giáo sư luật thuộc Đại học Pace ở New York, cho rằng Taylor Swift hoàn toàn có căn cứ để kiện, dựa trên Đạo luật Lanham.

"Đạo luật được quốc hội Mỹ thông qua cách đây khá lâu, bảo vệ thương hiệu của người nổi tiếng và cho phép họ chống lại những ai cố gắng sử dụng hình ảnh của mình để đánh lừa người tiêu dùng", Tenzer nói.

Ông thừa nhận trong trường hợp của ông Trump, "cử tri có thể không hoàn toàn được xem là người tiêu dùng, nhưng tôi nghĩ chúng vẫn có những tương đồng".

Nếu vụ kiện được đưa ra, cơ hội thắng có thể không hoàn toàn thuộc về nữ ca sĩ, bởi ông Trump sở hữu đội ngũ pháp lý hùng hậu có thể giải quyết rất nhiều vụ kiện tụng. Do đó, chuyên gia cho rằng cách thông minh hơn đối với Taylor Swift là đưa ra lời đe dọa pháp lý, thay vì tiến hành khởi kiện.

"Chắc chắn cô ấy có thể yêu cầu ông Trump chấm dứt hành vi này", Tenzer nói.

Jordan Rubin, cựu công tố viên quận New York ở Manhattan, cho rằng Swift có thể kiện ông Trump vì chia sẻ hình ảnh giả mạo. Ông cho rằng một căn cứ pháp lý có thể được nữ ca sĩ cân nhắc sử dụng là quyền công bố, vốn bảo vệ mọi người khỏi một số hình thức khai thác hình ảnh trái phép.

Rubin dẫn chứng ví dụ gần đây, khi OpenAI phát triển trợ lý giọng nói chatbot nghe giống giọng của diễn viên nổi tiếng Scarlett Johansson. OpenAI sau đó phải từ bỏ nó vì vấp phản ứng dư luận, nhưng phủ nhận họ đã bắt chước giọng nói của Johansson.

"Hiện tại không có lý do gì để cho rằng hành động của ông Trump sẽ dẫn tới một vụ kiện cáo, song nếu ông ấy tiếp tục gây thù địch với ngôi sao nhạc pop, người dường như có thiện cảm chính trị với bên khác, chúng ta có thể xem liệu khả năng đó có xảy ra hay không", Rubin nói.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây vẫn là ví dụ cho thấy công nghệ đang vượt xa luật pháp và các nhà làm luật có thể mất nhiều thời gian để bắt kịp.

"Công nghệ càng tinh vi, chúng ta càng cần có biện pháp nhằm khuyến khích đổi mới nhưng cũng giúp giảm thiểu lạm dụng công nghệ. Nếu không có những hàng rào này, nguy cơ AI lan truyền thông tin sai lệch và làm xói mòn niềm tin vào những người nổi tiếng sẽ tiếp tục phổ biến", Alon Yamin, đồng sáng lập kiêm CEO của Copyleaks, nền tảng phân tích văn bản dựa trên AI, cảnh báo.

Thùy Lâm (Theo AP, Forbes, MSNBC)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020