Chuyên mục  


Hai năm trước, Mauren Castro, 41 tuổi và Marta Sosa, 70 tuổi, đều làm nội trợ, phụ thuộc vào nghề đánh cá của chồng để chu cấp cho gia đình 4 và 6 người.

Ngày nay, họ là thành viên hợp tác xã Piel Marina (Da Biển) toàn nữ, chuyên thuộc da cá bị vứt bỏ trên các bãi biển để sản xuất đồ thời trang bền vững.

Trong nhiều thế hệ, đánh cá là trụ cột kinh tế ở làng Costa de Pajaros, cách thủ đô San Jose 100 km. Nhưng giới chức những năm gần đây nỗ lực khai thác tài nguyên biển bền vững hơn, ra chính sách cấm đánh bắt toàn diện từ tháng 5 đến tháng 7, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn.

Trước tình hình này, tổ chức phi chính phủ MarViva năm 2022 đã đào tạo 15 phụ nữ địa phương trong làng trở thành thợ thuộc da, với nguyên liệu chính là da cá.

Sosa và Castro giới thiệu cách thuộc da cá với truyền thông trên bãi biển Costa de Pajaros, Costa Rica. Ảnh: AFP

Ban đầu, họ tỏ ra hoài nghi về tiềm năng làm thời trang từ da cá. "Làm sao thứ da hôi hám, bị coi là chất thải, lại có thể là nguyên liệu thô giúp phụ nữ tiến bước?", Castro tự hỏi khi đó.

Nhưng theo thời gian, họ đã mài giũa tay nghề, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Khoác chiếc áo trắng in chữ "Da Biển", trên tay là đôi găng cao su xanh, Sosa và Castro chỉ ra cách tấm da bị vứt đi từ con cá mú sau khi lóc thịt có thể trở thành một đôi hoa tai, vòng cổ, thậm chí là túi xách như thế nào.

Đầu tiên, họ nhẹ nhàng chà xát tấm da bằng kẽ ngón tay để loại bỏ vảy và thịt thừa, sau đó giặt bằng xà phòng như giặt quần áo, rồi nhuộm da bằng glycerin, cồn và thuốc nhuộm tự nhiên, cuối cùng là phơi khô.

Quá trình nhuộm mất 4 ngày, thêm 4 ngày nữa để tấm da khô dưới ánh mặt trời, biến thành một loại chất liệu mềm mại, bền và dẻo dai. Quan trọng là không còn mùi hôi tanh của cá và không thấm nước.

Miếng da cá mú được xử lý ở bãi biển Costa de Pajaros, Costa Rica. Ảnh: AFP

Họ bán số da này cho các nhà dệt may quy mô nhỏ ở cảng Puntarenas, đồng thời tự thiết kế làm làm hoa tai, vòng cổ từ da và đăng bán trên mạng xã hội. Một cặp hoa tai da cá hình bướm có giá khoảng 7 USD.

Costa Rica là quốc gia mới nhất nắm bắt tiềm năng của nghề thuộc da cá, vốn là tập tục lâu đời của người bản địa từ Bắc Mỹ, Bắc Âu đến châu Á.

Người Ainu ở miền bắc Nhật Bản và người Inuit ở miền bắc Canada có truyền thống thuộc da cá hồi làm giày và quần áo, trong khi dân Kenya dùng da cá rô làm túi xách. Dân Brazil còn sản xuất da thuộc từ loài cá pirarucu khổng lồ ở Amazon.

Trên Internet, túi da cá được bán với giá hàng trăm USD. John Galliano, cựu giám đốc sáng tạo của Dior, là một trong những nhà thiết kế tên tuổi đầu tiên sử dụng da cá hồi trong thời trang. Ông đã đưa áo khoác, túi xách da cá hồi Đại Tây Dương vào bộ sưu tập năm 2002.

Một số sản phẩm hoa tai làm bằng da cá thuộc của Sosa và Castro. Ảnh: AFP

Còn đối với những người phụ nữ ở làng chài ven biển Costa Rica, những miếng da đem đến cho họ niềm vui, một khoản thu nhập nhỏ và những mục tiêu mới. Họ mơ về ngày những sản phẩm da thủ công sản xuất từ làng này xuất hiện trên sân khấu quốc tế.

"Tôi muốn thấy chúng ở Hollywood, Canada, trên các sàn diễn thời trang lớn ở Paris!", Castro nói.

Đức Trung (Theo AFP, AP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020