Cách đây tròn 116 năm, William Durant thành lập General Motors (GM) với mục tiêu trở thành tập đoàn xe lớn hàng đầu nước Mỹ sau khi "thâu tóm" hàng loạt các công ty xe nhỏ lẻ mọc lên như nấm vào giai đoạn đầu thế kỷ trước.
Mục tiêu này có thể coi là đã đạt được khi General Motors hiện đang là một trong những tập đoàn xe lớn nhất toàn cầu và một trong 3 tập đoàn xe lớn nhất Bắc Mỹ. Tuy vậy, William Durant lại không được may mắn như vậy khi qua đời với 2 bàn tay trắng cùng cảnh nợ nần cuối đời.
William Durant sinh ra vào năm 1861 trong một gia đình gốc Pháp khá giả. Ông bỏ ngang việc học cấp 3 vào năm 17 tuổi sau khi cha ông bỏ nhà ra đi. William sau đó bán xì gà và gỗ dạo trước khi bắt tay với Josiah Dallas Dort để chế tạo xe ngựa bán kiếm lời.
William Durant khởi đầu trong một gia đình khá giả nhưng có tuổi thơ không hạnh phúc và tự lập từ sớm. Ảnh: Alamy
Tới năm 40 tuổi, ông trở thành triệu phú và là người sở hữu công ty sản xuất xe ngựa lớn nhất nước Mỹ. Đây cũng là thời điểm tham vọng của William Durant chuyển hướng sang dòng xe không cần ngựa kéo - ô tô. Năm 1904, ông mua lại Buick và biến thương hiệu này từ đứng trước bờ vực phá sản thành cái tên hàng đầu nước Mỹ về doanh số, vượt mặt cả Ford và Cadillac thời đó cộng lại.
JP Morgan (người sáng lập đế chế ngân hàng cùng tên sau này) khi đó nảy ra một ý tưởng là tụ họp các hãng xe hàng đầu nước Mỹ thành một khối để trở thành thế lực lớn nhất thế giới ở mảng xe 4 bánh. Ông mời 4 lãnh đạo hàng đầu làng xe Mỹ khi đó là Durant, Henry Ford (nhà sáng lập Ford), Ransom Olds (nhà sáng lập Oldsmobile) và Ben Briscoe (nhà sáng lập Maxwell-Briscoe) tới nói chuyện nhưng cuối cùng không đạt được mục tiêu.
Dù vậy, ý tưởng của JP Morgan đã gây ấn tượng với William Durant. Ông đi tàu tới tận nhà Ransom Olds để thuyết phục đối tác sáp nhập và thành công. Ngày 16/9/1908, General Motors chính thức được thành lập. Tới năm 1909, GM suýt mua lại Ford với giá 8 triệu USD nhưng cuối cùng bị ngân hàng từ chối khoản chi.
William Durant cùng Louis Chevrolet (ảnh) thành lập Chevrolet sau khi nhà sáng lập GM mất chức tại tập đoàn Mỹ lần đầu. Ảnh: Alamy
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn đó, 22 thương hiệu khác đã đầu quân về với GM. Một số trong nhóm này vẫn tồn tại tới tận bây giờ, nổi bật nhất là Cadillac và GMC.
Tới năm 1910, doanh số xe thuộc GM bắt đầu đi xuống sau khi Ford tung ra át chủ bài Ford Model T. William Durant mất cả chức vụ và quyền lực trong GM - yếu tố thúc đẩy ông thành lập ra một thương hiệu khác là Chevrolet (cùng Louis Chevrolet - tay đua khi đó thuộc Buick) vào năm 1911. Tới năm 1916, Durant được đưa trở lại nắm quyền tại GM và Chevrolet cũng mặc nhiên theo ông gia nhập đại gia đình GM.
10 năm sau ngày mất tất cả tại GM, William Durant mắc kiếp nạn lần 2. Vào thập niên 1920, giai đoạn hậu Thế chiến thứ nhất khiến kinh tế sụt giảm, cổ phiếu GM mất 25% giá trị và hơn 100.000 doanh nghiệp tại Mỹ phá sản. Khi đó, Durant bí mật mua lại cổ phiếu công ty. Ông cảm thấy có lỗi với các cổ đông của mình vì "làm họ thất vọng dù họ đã đặt trọn niềm tin tưởng vào mình".
Những quyết định như không bán bia tại sảnh bowling (trong khi bộ môn này khi đó vẫn được người Mỹ coi là bộ môn giải trí của đàn ông) khiến William thất bại. Trong những ngày cuối đời, mọi hóa đơn và chi phí sinh hoạt của Durant được những người bạn cũ của mình - gia đình Chrysler và CEO GM Alfred Sloan gánh vác. Ảnh: Alamy
Hành động này của William Durant khiến khối tài sản 90 triệu USD khi đó của ông bốc hơi chỉ sau 6 tháng. Ông được hỗ trợ tài chính để hoàn thành nốt mục tiêu nhưng với một điều kiện: ông phải rời GM. Lần thứ hai William Durant bị đẩy ra đường bởi "đứa con cưng" của mình. Ông rời GM ở tuổi 59 với hai bàn tay trắng.
Dù cố gắng xây dựng một thương hiệu xe mới (Durant Motors), William Durant không thành công được như những lần trước và tuyên bố phá sản vào 1937. Ông mở sàn bowling vào năm 1940 tại Buick với tiêu chí "bowling là môn thể thao phù hợp cho mọi gia đình" nên không bán bia rượu mà thay vào đó có Horseshoe Inn - một trong những nhà hàng đồ ăn nhanh đầu tiên của nước Mỹ.
Tuy vậy, lựa chọn của Durant sau cùng vẫn dẫn tới thất bại của ông. Dù có tầm nhìn vượt xa thời đại (tập trung vào ô tô khi đang sở hữu công ty xe ngựa kéo hàng đầu, mở cửa hàng đồ ăn nhanh sớm nhất) nhưng Durant vẫn chịu thất bại sau cùng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ông qua đời vào năm 1942 tại New York sau một cơn đột quỵ trong cảnh hai bàn tay trắng.